Vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) về việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với một số dự án trồng rừng trền địa bàn tỉnh.
Trong KLTT có 10 dự án trồng rừng được thanh tra tỉnh chỉ ra vi phạm về đất đai, đầu tư, xây dựng và thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Một trong 10 dự án được thanh tra tỉnh chỉ ra, nổi bật có một số dự án vi phạm, trong dó có Dự án trồng và phát triển rừng tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong và xã Mỹ Hòa, xã Quy Hậu (nay sáp nhập về thị trấn Mãn Đức), huyện Tân Lạc do Công ty CP Lâm Quế thực hiện.
Theo đó, dự án trên được UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 05/9/2008. Mục tiêu của dự án phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng rừng cung cấp gỗ nguyên liệu và nhu cầu lâm sản khác trên diện tích 280,59 ha đất, trong đó làm giàu rừng 151,1 ha; trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng keo 124,1 ha; xây dựn hạ tầng thiết yếu 4,8 ha.
Công ty được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 2203 ngày 16/10/2008 và Quyết định số 1485 ngày 08/6/2016 về việc điều chỉnh địa danh, theo đó 1.735.710,6 m2 thuộc xã Tây Phong, huyện Cao Phong; 1.045.019,0 m2 thuộc xã Mỹ Hòa và 25.166,8 m2 thuộc xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc. Ngày 16/10/2008, Công ty được UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo kết quả thanh tra việc thực hiện dự án, Công ty đã thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục dự án theo quy mô Giấy chứng nhận đầu tư, tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra Công ty CP Lâm Quế mới chỉ sử dụng một phần diện tích được thuê, do đất của dự án đang chồng lấn vào đất ở của các hộ dân, diện tích gần 5.000m2 tại xã Quy Hậu (nay là thị trấn Mãn Đức), đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và việc bao chiếm của các hộ dân sinh sống tại xã Mỹ Hòa, xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc và xã Tây Phong, huyện Cao Phong, một số hộ dân xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc chưa nhận tiền đền bù cho phần đất khai hoàng, nằm trong lõi dự án, các hộ dân đang canh tác trồng lúa, ngô, sắn, cây bương, luông và nhà tạm để sinh sống, đi lại qua đường công vụ của dự án.
Ngoài ra, KLTT cũng cho biết việc cấp Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất và ký hợp đồng thuê đấy diện tích 280,5ha là đất trồng rừng sản xuất còn chưa phù hợp với bản đồ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với những tồn tại, vi phạm trên, thanh tra tỉnh Hòa Bình kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo: Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT, UBND huyện Tân Lạc, huyện Cao Phong tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích đất giao cho Công ty CP Lâm Quế chồng lấn vào đất ở, đất đã giao cho các hộ dân (với điều kiện các hộ dân có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có tài liệu chứng minh), rà soát, xác định lại diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho công ty nhưng UBND huyện Cao Phong cấp chồng cho các hộ dân để xác định rõ đất của công ty hợp pháp hay đất của các hộ dân hợp pháp.
Trường hợp rà soát một số hộ dân không có nhu cầu sử dựng thì công ty phối hợp với UBND huyện Cao Phong, Tân Lạc và các cơ quan liên quan thực hiện việc thoa thuận và lên phương án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất theo quy định.
Thanh tra tỉnh Hòa Bình nêu rõ những vi phạm trên trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, Sở TN&MT, UBND huyện Cao Phong, UBND huyện Tân Lạc và yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân (nếu đến mức xem xét kỷ luật, thì xem xét xử lý theo thẩm quyền) đối với các khuyết điểm, thiếu sót, tồn tại trong việc tham mưu cho UBND tỉnh cấp đất cho công ty CP Lâm Quế nhưng chồng lấn vào đất ở, đất rừng phòng hộ, đất đã giao cho các hộ dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
Link nội dung: https://biztoday.vn/du-an-trong-rung-cua-cong-ty-cp-lam-que-chong-lan-vao-gan-5000-m2-dat-o-266473.html