Kinh tế toàn cầu chao đảo vì xung đột ở Ukraine

Hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow không chỉ làm rung chuyển nền kinh tế của Nga mà còn đe dọa thúc đẩy lạm phát và kìm hãm tăng trưởng trên toàn thế giới.

Giá dầu, khí đốt tự nhiên và các mặt hàng chủ lực khác đã tăng vọt vào hôm 28/2. Gánh nặng lên các chuỗi cung ứng, vốn đã lao đao vì đại dịch Covid-19, tăng lên khi Mỹ, châu Âu và đồng minh áp lệnh trừng phạt lên các giao dịch tài chính của Nga và đóng băng hàng trăm tỷ USD tài sản nước ngoài mà ngân hàng trung ương Nga đang nắm giữ.

Từ lâu, Nga là một mắt xích tương đối nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu, chỉ chiếm 1,7% tổng sản lượng của thế giới, mặc dù nước này xuất khẩu rất nhiều năng lượng.

Trong những năm gần đây, Tổng thống Vladimir V. Putin tìm cách tự lực nền kinh tế, xây dựng kho dự trữ ngoại hối, giảm nợ quốc gia và thậm chí cấm nhập khẩu phô mai và thực phẩm từ châu Âu.

Tuy nhiên, New York Times nhận định ông Putin đã bỏ quên mất hệ thống tài chính hiện đại và khổng lồ được kiểm soát bởi chính phủ và chủ ngân hàng bên ngoài nước Nga. Các lệnh trừng phạt khiến giá năng lượng tăng cao, trong khi xung đột làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, làm gia tăng rủi ro tới triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Giá loạt dịch vụ toàn cầu dự kiến tăng cao

Các biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm tránh làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu năng lượng thiết yếu, đặc biệt là châu Âu - khu vực cần năng lượng để sưởi ấm và làm đầy các thùng chứa khí đốt. Điều này sẽ giúp làm giảm bớt khả năng tăng vọt giá năng lượng hay gián đoạn dòng chảy của dầu và khí đốt.

Lo lắng về tình trạng thiếu hụt cũng đẩy giá một số loại ngũ cốc và kim loại lên cao, khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp phải chi trả phí cao hơn. Nga và Ukraine cũng là những nước xuất khẩu lớn lúa mì và ngô, cũng như các kim loại thiết yếu như palađi, nhôm và niken, được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại di động đến ôtô.

Chi phí vận tải được dự báo sẽ tăng cao.

Glenn Koepke - Tổng giám đốc điều hành mạng lưới hợp tác tại FourKites, công ty tư vấn chuỗi cung ứng ở Chicago - cho biết: “Giá cước vận chuyển hàng hải và hàng không sẽ tăng vọt”. Ông cảnh báo giá cước vận tải biển có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba từ 10.000 USD lên 30.000 USD/container, và chi phí vận tải hàng không dự kiến còn tăng cao hơn.

Nga đã đóng cửa không phận với 36 quốc gia. Điều đó có nghĩa các máy bay vận tải sẽ phải chuyển hướng sang tuyến đường vòng, khiến họ tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn và giảm kích thước tải trọng.

Ngoài ra, “chúng ta cũng sẽ chứng kiến ​​tình trạng thiếu hụt sản phẩm nhiều hơn”, ông Koepke nói.

anh huong the gioi tu lenh trung phat vao nga anh 1

Chi phí vận tải được dự báo sẽ tăng cao. Ảnh: New York Times.

Một số nhà phân tích và kinh tế học Phố Wall thừa nhận họ đã đánh giá thấp phản ứng quốc tế. Với các sự kiện diễn ra nhanh chóng, đánh giá về khả năng suy thoái kinh tế dao động từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng.

Lạm phát vốn đã là vấn đề đáng lo ngại, nay còn đáng lo hơn. Lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ những năm 1980. Giờ đây, nhiều người tự hỏi lạm phát sẽ tăng thêm bao nhiêu, và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương khác sẽ phản ứng ra sao.

Desmond Lachman, thành viên cấp cao tại American Enterprise Institute, cho biết: “Fed đang ở trong tình trạng khó khăn. Lạm phát đang ở mức 7,5%, nhưng nếu họ tăng lãi suất, điều đó sẽ làm suy yếu thị trường. Không có nhiều lựa chọn, nên tôi không thấy tương lai tươi sáng của vấn đề này”.

Những người khác thận trọng hơn về tác động khi nền kinh tế Nga bị cô lập.

Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết có nhiều người, đặc biệt ở châu Âu, thắc mắc về ý nghĩa của xung đột giữa Nga và Ukraine đối với lạm phát, và liệu nó có gây ra viễn cảnh lạm phát đình trệ, trong đó tăng trưởng kinh tế chậm lại và giá cả tăng nhanh.

Nhưng nhìn chung, ông đánh giá "thiệt hại là nhỏ". Tuy nhiên, ông Posen lưu ý một số ít ngân hàng ở châu Âu có thể bị ảnh hưởng bởi mối liên kết giữa họ và hệ thống tài chính Nga.

Ảnh hưởng tới từng quốc gia

Hàng nghìn người tháo chạy khỏi Ukraine sang các nước láng giềng như Ba Lan, Moldova và Romania, cũng tăng thêm gánh nặng cho những quốc gia này.

Nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang gặp khó khăn, có thể sẽ bị ảnh hưởng. Oxford Economics đã hạ dự báo tăng trưởng hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ, giảm 0,4 điểm % xuống còn 2,1% do giá năng lượng tăng, thị trường tài chính gián đoạn và số lượng khách du lịch giảm.

Vào năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ đón 19% du khách đến từ Nga và 8,3% đến từ Ukraine. Oxford cho biết lạm phát ở nước này, đã ở mức cao nhất trong hai thập niên là 50%, hiện có thể lên tới 60%.

anh huong the gioi tu lenh trung phat vao nga anh 2

Dòng người sơ tán từ Ukraine sang các nước láng giềng có thể gây thêm gánh nặng kinh tế cho những nước này. Ảnh: New York Times.

Tại Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Cecilia Rouse, cho biết tác động lớn nhất đến nền kinh tế nước này là giá khí đốt tăng.

Theo AAA, giá xăng cao hơn một USD so với một năm trước, với mức trung bình trên toàn quốc là 3,61 USD/3,7 lít.

Giá năng lượng tăng gây khó khăn cho người tiêu dùng, nhưng lại là tin tốt cho các nhà sản xuất. Các quốc gia sản xuất dầu khác cũng sẽ tăng doanh thu. Và đối với Iran - quốc gia đóng cửa nền kinh tế toàn cầu trong nhiều năm, nhu cầu về dầu từ các nguồn khác có thể giúp những cuộc đàm phán yêu cầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt diễn ra suôn sẻ.

Về lâu dài, xung đột hiện tại có thể ảnh hưởng đến các quyết định về ngân sách của một số quốc gia. Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, tuyên bố ông sẽ tăng chi tiêu quân sự lên tới 2% GDP của nước này.

Ở Nga, ngân hàng trung ương và chính phủ đã thực hiện một loạt hành động, bao gồm tăng gấp đôi lãi suất chính lên 20% để tăng sức hấp dẫn của đồng RUB, cấm người dân chuyển tiền sang tài khoản ở nước ngoài, đồng thời đóng cửa thị trường chứng khoán để kiềm chế thiệt hại.

 

Link nội dung: https://biztoday.vn/kinh-te-toan-cau-chao-dao-vi-xung-dot-o-ukraine-267679.html