Theo nước Chủ tịch luân phiên EU hiện nay là Pháp, ngoài những khía cạnh khác nhau của cuộc xung đột tại Ukraine, vấn đề tăng cường quan hệ với Ucraina cũng được đặt ra. Đây sẽ là một trong những trọng tâm thảo luận của một loạt Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ngay trong tháng 3 này. Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky đã coi việc kết nạp nước này ngay lập tức vào khối là một minh chứng cho sự ủng hộ và tình đoàn kết.
Ảnh minh họa: KT
“Liên minh châu Âu sẽ mạnh mẽ hơn nếu có chúng tôi trong đó, điều này là chắc chắn. Chúng tôi đã chứng minh được sức mạnh của mình và giờ là lúc hãy chứng minh, các bạn cũng đang ở bên chúng tôi, chứng minh rằng các bạn sẽ không để chúng tôi đơn độc, chứng minh các bạn là những người châu Âu thực sự”, ông Zelensky nói.
Dù việc kết nạp Ukraine từ lâu đã không phải là vấn đề nhận được sự đồng thuận của Liên minh châu Âu, song chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã làm thay đổi các lập trường. Trong khi hầu hết các quốc gia thành viên Đông Âu của Liên minh châu Âu như Cộng hòa Séc, Latvia hay Litva gần như ngay lập tức ủng hộ, thì Pháp, vốn không mấy mặn mà với việc kết nạp các thành viên mới, đặc biệt là từ Tây Balkan, cũng cho thấy sự cởi mở hơn. Điện Elyseé cuối tuần qua cho biết, vận mệnh của châu Âu đã thay đổi cùng với cuộc xung đột này. Liên minh châu Âu sẽ phải suy nghĩ lại về việc xây dựng liên minh với tất cả các đối tác, những nước có chung nhu cầu hòa bình và an ninh. Các nước Balkan và 3 nước thuộc Đối tác phía Đông (Ukraine, Gruzia và Moldova) chắc chắn sẽ cần được hội nhập sâu hơn.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tỏ ra thận trọng hơn: “Hội đồng châu Âu cần xem xét nghiêm túc yêu cầu xin gia nhập của Liên minh châu Âu, một bước đi mang tính biểu tượng chính trị mạnh mẽ. Một yêu cầu mà tôi nghĩ là hợp pháp. Liên minh châu Âu cần đưa ra các định hướng và quyết định một cách công bằng”.
Theo Chuyên gia Olivier Costa tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, dưới sức ép của Ukraine, Liên minh châu Âu có thể sớm sẽ thông qua quy chế ứng cử viên cho Kiev. Tuy nhiên điều này chỉ mang tính trấn an và không nói lên điều gì nhiều tương tự như trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia ứng cử viên từ năm 1987. Bối cảnh đặc biệt mà yêu cầu của Ukraine được đưa ra cũng không đủ để khiến nước này trở nên khác biệt so với các ứng cử viên khác.
Tư cách thành viên Liên minh châu Âu là một quá trình lâu dài và khắt khe, buộc các nước ứng viên phải đáp ứng được hàng nghìn quy định về dân chủ hay kinh tế thị trường. Đối với những quốc gia đang khủng hoảng như Ukraine, việc đáp ứng được những quy định này chỉ trong vài năm là điều rất khó và châu Âu sẽ rất thận trọng để tránh không làm ảnh hưởng tới các dự án châu Âu trong tương lai. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng, tư cách thành viên đầy đủ có thể không phải là tất cả và Liên minh châu Âu có thể cung cấp cho các nước thuộc Liên Xô trước đây một hình thức hỗ trợ khác./.
Link nội dung: https://biztoday.vn/eu-bat-dau-thao-luan-ve-tu-cach-thanh-vien-cua-ukraine-267684.html