Khảo sát địa chất lệch với hiện trạng thực tế
Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, kết quả khảo sát địa chất để lập DA đầu tư không đúng với hiện trạng địa chất thực tế. Cụ thể, có 3/7 hố khoan tại tuyến kênh chính khu tràn dâng kết quả khảo sát xác định địa chất "trạng thái nửa cứng, cứng" không đúng địa chất thực tế là “nền đất yếu, có tính nén lún cao, sức chịu tải nhỏ và tính thấm cao”. Bên cạnh đó, có 1/9 hố khoan tại tuyến kênh nhánh N2 xác định địa chất "trạng thái nửa cứng, cứng" không đúng địa chất thực tế trong phạm vi độ sâu đến 4m là “trạng thái dẻo mềm, có tính nén lún cao, sức chịu tải nhỏ; trạng thái bão hòa, kết cấu rời rạc - chặt vừa...”.
Trong phạm vi kênh chính đi qua vị trí có ao, hồ hiện hữu nhưng đơn vị tư vấn (Công ty Anh Khoa Nghệ An) không xem xét lại các kết quả khảo sát, đánh giá trước các rủi ro có thể xảy ra khi thi công thực tế hoặc khoan khảo sát địa chất ngay tại vị trí đi qua ao, hồ để xác định địa tầng của các lớp đất nhằm đưa ra giải pháp thiết kế cho phù hợp thực tế.
Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng chưa làm rõ, chưa đánh giá các điều kiện địa chất công trình có liên quan đến tính ổn định (thấm, chịu lực, lún, trượt...) của các công trình để sơ bộ xác định biện pháp xử lý đối với những vấn đề địa chất công trình phức tạp theo quy định về nội dung và khối lượng khảo sát địa chất công trình giai đoạn báo cáo đầu tư.
Đồng thời, việc khảo sát lập thiết kế cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định tại điểm 2.2.2, Khoản 2, Phần II Thông tư số 06/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ Xây dựng hướng dẫn khảo sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình. Chưa cung cấp đầy đủ số liệu để xác định phương án tổng mặt bằng, san nền, các công trình hạ tầng kỹ thuật chủ yếu, xử lý nền, móng, kết cấu chịu lực chính của công trình, kiến nghị phương pháp thăm dò và xác định khu vực có điều kiện địa chất bất lợi cần khảo sát trong bước thiết kế tiếp theo... theo quy định của Bộ Xây dựng.
Chiều sâu hố khoan địa chất tại đoạn Km0+820 - Km1+500 tuyến kênh chính khu tưới tràn dâng là 6m không phù hợp với việc lập thiết kế cơ sở (phương án chọn trong DA đầu tư), đoạn này chiều sâu đào móng kênh>10m; chiều sâu hố khoan địa chất tại đoạn Km0+00 đến Km0+230 tuyến Kênh nhánh N2 khu tưới tràn dâng là 4m không phù hợp với việc lập thiết kế cơ sở, đoạn này có chiều sâu đào móng kênh >8,0m, là không đúng quy của Bộ Xây dựng và quy định về nội dung, khối lượng khảo sát địa chất công trình giai đoạn DA đầu tư tại tiết 1, điểm 6.3.4.6, khoản 6 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6477:2010: Độ sâu các hố khoan, đào, xuyên thấp hơn đáy kênh từ 1 - 2m.
Liên tục phải điều chỉnh và thi công không đúng theo thiết kế bản vẽ!
Đối với việc khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, khi lập, phê duyệt đề cương, nhiệm vụ khảo sát và thực hiện khảo sát bước lập thiết kế bản vẽ thi công các tuyến kênh, chủ đầu tư và tư vấn thiết kế (Công ty Đường Việt) còn chủ quan, chưa xem xét hết nhiệm vụ khảo sát và kết quả khảo sát của bước thiết kế trước để xây dựng nhiệm vụ khảo sát bước thiết kế sau phù hợp với việc thiết kế. Trong hồ sơ nhiệm vụ khảo sát bước lập thiết kế bản vẽ thi công chỉ xác định khoan khảo sát địa chất 9 hố khoan tại khu vực tràn dâng, xác định không khoan khảo sát địa chất tại các tuyến kênh, mà sử dụng kết quả khảo sát địa chất bước thiết kế cơ sở kém chất lượng, có vi phạm để làm căn cứ lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công các tuyến kênh.
Bên cạnh đó, trong DA đầu tư có xác định hiện trạng khu vực gần tuyến Kênh nhánh N4 có 315m kênh hiện hữu của người dân, nhưng trong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã không đề cập đến hiện trạng này và có giải pháp thiết kế liên quan đến việc sử dụng lại tuyến kênh cũ, dẫn đến trong thời gian thi công kênh nhánh N4 phải phá dỡ kênh cũ (có ảnh hưởng đến việc tưới 6ha lúa người dân đang canh tác trong thời gian thi công), phải bổ sung thiết kế để thi công hoàn trả kênh cũ.
Việc khảo sát địa chất để lập DA đầu tư, lập thiết kế cơ sở, việc lập nhiệm vụ khảo sát bước thiết kế bản vẽ thi công, việc sử dụng kết quả khảo sát để lập thiết kế bản vẽ thi công có nhiều vi phạm, sai phạm như trên, dẫn đến hậu quả là phương án thiết kế một số đoạn tuyến Kênh khu tưới tràn dâng không phù hợp thực tế địa chất công trình nên không thi công xây dựng công trình theo thiết kế bản vẽ thi công, phải điều chỉnh DA đầu tư 2 lần, điều chỉnh thiết kế 3 lần. Trong quá trình thực hiện điều chỉnh thiết kế, biện pháp thi công, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện thiếu tính hệ thống, đồng bộ nên phải thay đổi phương án thiết kế, gia hạn tiến độ nhiều lần, kéo dài thời gian thi công tăng thêm 733 ngày tính từ ngày phải thi công hoàn thành theo hợp đồng ban đầu (14/11/2019) đến ngày UBND tỉnh có ý kiến cho gia hạn hợp đồng (31/12/2021).
Trong việc thi công, giám sát, nghiệm thu khối lượng thi công, tại kênh nhánh N4 đoạn Km0+00 đến Km0+250, việc thi công không đúng theo thiết kế bản vẽ thi công: Không thi công kênh hở có tấm đan, không đào đất hạ taluy hai bên kênh, thi công đường vận hành có cao độ ngang tấm đan nắp kênh. Thực tế thi công lắp ghép đốt kênh đúc sẵn, đắp đất kín lên đoạn kênh này 4m (kênh nằm sâu dưới đất), là không theo phương án thiết kế kênh hở với mục tiêu dễ dàng trong quản lý khai thác và vận hành, dễ nạo vét, sửa chữa khi có hư hỏng, dễ bố trí các công trình lấy nước.
Việc điều chỉnh trên chủ đầu tư và đơn vị thi công đã lập biên bản hiện trường ngày 22/6/2020, nhưng đến tháng 10/2021 Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT mới lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung thiết kế, Chi cục Thủy lợi thẩm định và Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT quyết định phê duyệt.
Việc thực hiện thi công theo biên bản xử lý hiện trường rồi thực hiện điều chỉnh thiết kế sau và việc chủ đầu tư chưa báo cáo người quyết định đầu tư (UBND tỉnh) về nội dung điều chỉnh thiết kế xây dựng do ban quyết định thực hiện nêu trên là không đảm bảo quy định tại Khoản 2, Điều 17 Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt DA và thiết kế, dự toán xây dựng công trình.
Ngoài ra, phần khối lượng thi công không đúng theo thiết kế với giá trị thiếu 173 triệu đồng; thi công ngoài thiết kế, không lập hồ sơ với giá trị tăng do nhà thầu và chủ đầu tư tính toán là 296 triệu đồng là không đúng theo quy định về quản lý DA đầu tư xây dựng.
DA công trình thuỷ lợi Suối Đá, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G'long được phê duyệt tại Quyết định số 988/QĐ-UBND ngày 12/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh; quy mô đầu tư chia thành 2 khu vực tưới với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Mục tiêu của DA là đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới cho 1.000ha cây trồng nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, tăng số lượng canh tác của lúa nước từ 1 vụ lên 2 vụ/năm và tạo nguồn để cấp nước sinh hoạt ổn định cho hơn 1.750 hộ dân trong khu vực. DA được khởi công xây dựng từ ngày 20/11/2017, thời gian thi công là 720 ngày; khu tưới trạm bơm nghiệm thu hoàn thành hạng mục ngày 11/3/2020, bàn giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi ngày 30/6/2021; khu tưới tràn dâng chưa hoàn thành, hiện tại công trình đang tiếp tục điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công - dự toán tại khu tưới tràn dâng; chủ đầu tư đã 2 lần xin gia hạn thời gian thi công, UBND tỉnh đồng ý gia hạn đến ngày 31/12/2021. |
Link nội dung: https://biztoday.vn/hang-loat-sai-pham-tai-du-an-cong-trinh-thuy-loi-suoi-da-268169.html