Cá nhân trong nước đẩy mạnh mua ròng 1.066 tỷ đồng trong tuần 28/2-4/3

Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng 1.066 tỷ đồng trong tuần 28/2-4/3, gấp 4 lần so với tuần trước đó.

Thị trường chứng khoán biến động tương đối tích cực trong tuần giao dịch từ 28/2-4/3. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.505,33 điểm, tương ứng tăng 6,44 điểm (0,43%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 10,43 điểm (2,37%) lên 450,59 điểm. UPCoM-Index tăng 0,63 điểm (0,56%) lên 113,29 điểm.

Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 33.370 tỷ đồng/phiên, tăng 2,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 2% lên mức 31.843 tỷ đồng/phiên.

Giao dịch của các cá nhân trong nước diễn ra tích cực hơn và phần nào giúp VN-Index có được một tuần đi lên. Trong khi đó, cả tổ chức trong nước và khối ngoại tiếp tục trạng thái bán ròng.

Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng.

Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước đẩy mạnh mua ròng 1.066 tỷ đồng ở sàn HoSE trong tuần từ 28/2-4/3, gấp 4 lần so với tuần trước đó. Nếu chỉ tính về giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng 1.411 tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

HPG đứng đầu danh sách mua ròng của cá nhân trong nước với 808 tỷ đồng. Tiếp sau đó, DGC và VIC được mua ròng lần lượt 387 tỷ đồng và 322 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VPB bị bán ròng mạnh nhất với 700 tỷ đồng. Một cổ phiếu ngân hàng khác là MBB cũng bị bán ròng rất mạnh với 263 tỷ đồng.

Tổ chức trong nước vẫn giao dịch có phần tiêu cực khi bán ròng 277 tỷ đồng, tăng gần 10% so với tuần trước. Tuy nhiên, nếu nhìn vào giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này tiếp tục mua ròng 477 tỷ đồng. Kể từ 1/3, dữ liệu tự doanh công ty chứng khoán không còn được công bố mà được cộng gộp vào dữ liệu giao dịch của tổ chức trong nước. Theo thông báo của HoSE, theo quy định tại Điều 37 Nội dung công bố thông tin về giao dịch chứng khoán của sở giao dịch chứng khoán - Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, thông tin giao dịch tự doanh không thuộc nhóm thông tin giao dịch chứng khoán HoSE phải công bố.  HoSE cho biết đây là nhóm thông tin Sở cung cấp theo gói dịch vụ cho một số khách hàng. Tuy nhiên, tới đây HoSE sẽ ngừng cung cấp thông tin này để phục vụ việc rà soát, phát triển sản phẩm mới.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

MBB được tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất với 225 tỷ đồng. FLC và HPG được mua ròng lần lượt 165 tỷ đồng và 148 tỷ đồng. Trong khi đó, DGC bị bán ròng mạnh nhất với 564 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng bị bán ròng 441 tỷ đồng.

Đối với giao dịch khối ngoại, dòng vốn này đẩy mạnh bán ròng hơn 789 tỷ đồng, gấp 57% so với tuần trước đó, tương ứng khối lượng bán ròng là 13,5 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng lên đến gần 1.888 tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

Khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất mã VPB với 840 tỷ đồng. Tiếp sau đó, chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND được mua ròng 444,5 tỷ đồng. Cả hai mã này đều được khối ngoại mua ròng mạnh thông qua thỏa thuận với giá trị lần lượt 612 tỷ đồng và 506 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 957 tỷ đồng. VIC và CTG bị bán ròng lần lượt 330 tỷ đồng và 289 tỷ đồng.

Link nội dung: https://biztoday.vn/ca-nhan-trong-nuoc-day-manh-mua-rong-1066-ty-dong-trong-tuan-282-43-268666.html