Quốc Cường Gia Lai giải trình về việc mua 2 dự án của Công ty Tân Thuận

Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai giải trình với cơ quan điều tra về quá trình hợp tác và sở hữu 2 dự án từ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận.

Nắm 90% dự án Khu dân cư Ven Sông

Cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận).

quoc cuong gia lai giai trinh ve viec mua 2 du an cua cong ty tan thuan hinh 1

Dự án KDC cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong, thuộc Khu IV của KDC Ven Sông sau khi về tay Quốc Cường Gia Lai và hoàn thành đã có tên Lavida Plus nằm ngay đại lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: Lavidaplus.

Trong vụ án này, Công an TP.HCM đã đề nghị truy tố Trần Công Thiện (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận), Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) cùng 8 đồng phạm.

Công an TP.HCM cũng đã mời bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Công ty QCGL) làm việc, giải trình về quá trình hợp tác, mua bán 2 dự án là Khu dân cư (KDC) Ven Sông (quận 7) và KDC Phước Kiển (huyện Nhà Bè) từ Công ty Tân Thuận.

Theo bà Như Loan, đối với dự án KDC Ven Sông, doanh nghiệp này mua lại 45% vốn góp của Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh Gia Lai. Từ đấy Công ty QCGL bắt đầu hợp tác với Công ty Tân Thuận tại dự án thuộc Khu IV của KDC Ven Sông với tỷ lệ Công ty QCGL 45% - Công ty Tân Thuận 55%.

Công ty Tân Thuận đã 3 lần họp với Sở Xây dựng TP.HCM xin chấp thuận đầu tư dự án nhưng Sở trả lời rằng doanh nghiệp này không đủ điều kiện vốn đối ứng 20% tổng mức đầu tư dự án nên không thực hiện được.

Do vậy, Công ty QCGL đề xuất, hoặc Công ty Tân Thuận mua lại 45% vốn góp của QCGL, hoặc chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty QCGL. Công ty Tân Thuận chỉ đồng ý chuyển nhượng thêm 45% vốn góp và giữ lại 10% để đổi lấy sản phẩm sau khi dự án hoàn thành.

Sau khi Công ty Tân Thuận xin được chủ trương chuyển nhượng 45% vốn góp (trong tổng số 55% đang nắm giữ), ngày 18/3/2016, Công ty QCGL và Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng 45% vốn góp cho Công ty QCGL với giá hơn 186 tỷ đồng. Lúc này Công ty QCGL nắm 90% giá trị khu đất, Công ty Tân Thuận nắm 10% nhưng về mặt pháp lý thì Công ty Tân Thuận vẫn đứng tên sở hữu khu đất.

Đến năm 2017, Công ty QCGL đề nghị Công ty Tân Thuận bỏ ra 10% chi phí để triển khai dự án nhưng công ty này không đồng ý. Do vậy, doanh nghiệp của bà Như Loan đề nghị Công ty Tân Thuận chuyển nhượng dự án để Công ty QCGL làm chủ đầu tư triển khai dự án cho phù hợp với quy định.

Tháng 11/2017, UBND TP.HCM có văn bản chấp thuận cho Công ty Tân Thuận về việc chuyển nhượng dự án từ Công ty Tân Thuận cho Công ty QCGL. Ngày 28/11/2017, hai doanh nghiệp này tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven Sông từ Công ty Tân Thuận sang Công ty QCGL để thực hiện dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại dịch vụ Tân Thuận (tên cũ là dự án KDC cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong).

Từ đây, dự án tại Khu IV thuộc KDC Ven Sông gần như đã thuộc về Công ty QCGL. Sau khi hoàn thành dự án, Công ty QCGL đổi tên dự án thành Lavida Plus.

Hủy hợp đồng, nhận về hơn 21 tỷ tiền lãi

Còn đối với dự án KDC Phước Kiển, Tổng giám đốc Công ty QCGL giải trình rằng, khoảng năm 2016 khi làm thủ tục cho dự án KDC 91 ha tại huyện Nhà Bè thì bà biết dự án KDC Phước Kiển diện tích 50 ha của Công ty Tân Thuận đã được UBND huyện Nhà Bè duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Trong đó Công ty Tân Thuận đã đền bù được khoảng 32 ha, còn 18 ha chưa thỏa thuận đền bù và đã hết thời hạn đầu tư.

 
quoc cuong gia lai giai trinh ve viec mua 2 du an cua cong ty tan thuan hinh 2

Việc hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất tại dự án KDC Phước Kiển mang về cho Công ty Quốc Cường Gia Lai hơn 21 tỷ đồng tiền lãi.

Do Công ty Tân Thuận đã hoàn thành thủ tục pháp lý bước đầu, đã đền bù được gần 2/3 diện tích thì việc xin chấp thuận chủ trương sẽ thuận lợi hơn. Ngày 8/8/2016, bà Như Loan ký công văn gửi Công ty Tân Thuận đề nghị hợp tác đầu tư thực hiện dự án KDC Phước Kiển theo tỷ lệ 75% - 25% hoặc xin chuyển nhượng 100% cho Công ty QCGL.

Ngày 24/4/2017, hai công ty đàm phán, thỏa thuận các điều khoản cơ bản và thống nhất giá trị khu đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng (hơn 32 ha) có giá 1,107 triệu đồng/m2, tổng giá trị là 358 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn là Công ty QCGL 70% và Công ty Tân Thuận 30%.

Ngày 19/5/2017, hai doanh nghiệp tiếp tục đàm phán và Công ty QCGL đồng ý nhận chuyển nhượng hơn 32 ha đất với giá 1,290 triệu đồng/m2 theo đề nghị của Công ty Tân Thuận.

Ngày 5/6/2017, bà Như Loan - đại diện Công ty QCGL và ông Trần Công Thiện - đại diện Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất đã đền bù tại dự án KDC Phước Kiển. Công ty QCGL thanh toán hơn 374 tỷ đồng tiền chuyển nhượng đất và hơn 23 tỷ đồng tiền thuế VAT.

Cuối năm 2017, bà Như Loan được mời đến dự họp với ông Phan Văn Tân - Phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM. Tại đây, ông Tân cho bà Như Loan xem công văn số 13026 của Sở Tài nguyên - Môi trường kèm thuyết minh kết quả thể hiện đơn giá đất nông nghiệp để làm dự án thương mại là 1,768 triệu đồng/m2.

Vì vậy, khi Văn phòng Thành ủy đề nghị điều chỉnh lại giá chuyển nhượng đất KDC Phước Kiển từ 1,290 triệu đồng/m2 lên 1,768 triệu đồng/m2 theo giá thị trường thì bà Loan đồng ý với điều kiện cho Công ty QCGL được trả chậm trong thời gian 18 tháng số tiền hơn 155 tỷ đồng tăng thêm.

Sau buổi làm việc này, Công ty QCGL và Công ty Tân Thuận ký tiếp phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá từ 1,290 triệu đồng/m2 lên thành 1,768 triệu đồng/m2 tại dự án KDC Phước Kiển.

Tuy nhiên đến khoảng tháng 4/2018, dư luận cho rằng Công ty Tân Thuận bán rẻ đất KDC Phước Kiển cho Công ty QCGL nên Văn phòng Thành ủy liên tiếp 3 lần mời Tổng giám đốc Công ty QCGL đến làm việc và đề nghị hủy bỏ hợp đồng ban đầu.

Nguyên nhân được đưa ra là sau khi Công ty QCGL nhận chuyển nhượng phần đất tại KDC Phước Kiển thì việc thỏa thuận đền bù cho diện tích còn lại (18 ha) gặp khó khăn, có thể kéo dài đến năm 2022 nên sẽ phát sinh nhiều chi phí chứ không như dự kiến ban đầu.

Bà Như Loan đồng ý hủy hợp đồng và đề nghị phải trả thêm tiền lãi suất ngân hàng đối với số tiền mà Công ty QCGL đã thanh toán cho Công ty Tân Thuận. 

Sau khi hủy hợp đồng, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan nhận lại hơn 397 tỷ đồng tiền mua đất và hơn 21 tỷ đồng tiền lãi suất ngân hàng.

Theo cơ quan điều tra, đối với số tiền lãi hơn 21 tỷ đồng tiền lãi, bà Như Loan xin nộp lại phần chênh lệch lãi suất giữa tiền Công ty Tân Thuận thu được từ thực tế gửi tiết kiệm và thỏa thuận lãi suất khi 2 công ty hủy hợp đồng. Số tiền còn lại, Tổng giám đốc Công ty QCGL đề nghị cơ quan điều tra xem xét không nộp lại do đây là tiền lãi phát sinh từ số tiền của Công ty QCGL chuyển cho Công ty Tân Thuận.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xem xét, xử lý trách nhiệm sau đối với bà Nguyễn Thị Như Loan trên cơ sở kết luận giám định của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và kết quả điều tra. Đồng thời, truy thu số tiền hơn 21 tỷ đồng Công ty QCGL nhận từ Công ty Tân Thuận liên quan đến việc hủy Hợp đồng số 203 nêu trên.

Lê Giang

Link nội dung: https://biztoday.vn/quoc-cuong-gia-lai-giai-trinh-ve-viec-mua-2-du-an-cua-cong-ty-tan-thuan-269396.html