Phát hiện "cả tá" tồn tại, hạn chế
Thông tin từ Thanh tra tỉnh Thái Bình, đơn vị này đã hoàn tất thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong tổ chức thực hiện mua sắm tài sản công, theo phương thức tập trung tại Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính.
Theo quyết định thanh tra, thời kỳ thanh tra được tính từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/7/2021.
Qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Thái Bình nhận thấy việc thực hiện mua sắm tập trung đã làm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vi phạm.
Theo thông báo kết luận thanh tra do Phó Chánh thanh tra tỉnh Thái Bình Phạm Công Dịch ký, việc tổng hợp nhu cầu đăng ký mua sắm tài sản là một trong những tồn tại đầu tiên được nêu.
Cụ thể, Thanh tra tỉnh Thái Bình nêu rõ, việc tổ chức mua sắm tài sản tập trung mỗi năm thành 2 đợt là không đúng quy định; đợt 1 năm 2020 tổng hợp nhu cầu mua sắm tài sản không đúng giá trị dự toán mua sắm tài sản của các cơ quan.
Trách nhiệm chính được xác định thuộc về Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính; trách nhiệm chung thuộc Sở Tài chính đối với những tồn tại này.
Thanh tra tỉnh Thái Bình cũng phát hiện, việc thẩm định giá tài sản; lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu ở Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính còn tồn tại.
Trong quá tình thẩm định giá, các đơn vị tư vấn thực hiện chưa đầy đủ quy trình, thủ tục thẩm định giá theo quy định. Một số tài liệu trong hồ sơ thẩm định giá không có đầy đủ thông tin, nội dung, căn cứ.
Trách nhiệm trực tiếp được Thanh tra chỉ ra thuộc về các đơn vị tư vấn thẩm định giá; Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn và với vai trò là chủ đầu tư.
Mặt khác, một số hồ sơ thẩm định giá tài sản của Hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh chưa đầy đủ thủ tục, chưa ưu tiên sử dụng thông tin từ các kết quả trúng thầu mua sắm tập trung trước đó. Trách nhiệm này thuộc về Hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh.
Đáng chú ý, trong việc chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, Thanh tra tỉnh Thái Bình cũng phát hiện nhiều "sạn".
Theo đó, 11/16 E-HSMT có nội dung hạn chế sự tham gia của nhà thầu; 8/16 E-HSMT yêu cầu nhà thầu phải cung cấp bản gốc giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác… là chưa đảm bảo theo quy định.
Thanh tra phát hiện một số E-HSMT có tồn tại như Tổ chuyên gia không ban hành quy chế làm việc, thiếu tờ trình phê duyệt E-HSMT, tờ trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Để xảy ra các tồn tại, hạn chế, vi phạm nêu trên, trách nhiệm chính thuộc các đơn vị tư vấn, các Tổ chuyên gia tư vấn lựa chọn nhà thầu; Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn và với vai trò là chủ đầu tư.
Đặc biệt, Thanh tra tỉnh Thái Bình nêu rõ, việc thẩm định E-HSMT của các đơn vị tư vấn không kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, vi phạm của E-HSMT đã nêu trên.
Ngoài ra, tại 8/16 gói thầu, Tổ thẩm định không có người có trình độ chuyên môn liên quan đến gói thầu; có báo cáo thẩm định không đính kèm bản chụp chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu của thành viên tổ thẩm định.
Cơ quan thanh tra chỉ rõ, trách nhiệm chính thuộc về các đơn vị tư vấn thẩm định hồ sơ mời thầu, cán bộ thẩm định; Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn ký hợp đồng với đơn vị tư vấn và với vai trò là chủ đầu tư.
Trích dẫn văn bản căn cứ vào thông tư đã hết hiệu lực
Thanh tra tỉnh Thái Bình nhận thấy, việc thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu còn có vấn đề.
Theo đó, việc thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu của các đơn vị tư vấn không kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, vi phạm trong quá trình đánh giá E-HSDT.
Báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu tại một số gói thầu còn tồn tại như trích dẫn văn bản căn cứ vào thông tư đã hết hiệu lực; không đúng về thời gian của thỏa thuận khung; thiếu một số thông tin.
Bên cạnh đó, trong việc giám sát thực hiện thỏa thuận khung, hợp đồng của các nhà thầu được lựa chọn, Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính không đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản và nhà thầu cung cấp tài sản nộp các hợp đồng mua sắm tài sản (2018, 2019 để lưu giữ.
Đồng thời không lưu giữ các biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản theo hướng dẫn của Sở Tài chính.
Mặt khác, Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính tổ chức thực hiện mua sắm bổ sung tài sản theo thỏa thuận khung tại 4 gói thầu (mua sắm tập trung nội thất văn phòng, hội trường, bàn ghế học sinh đợt 2 năm 2018; mua sắm tập trung máy in, máy chiếu, máy photocopy năm 2019; mua sắm tập trung thiết bị nội thất đợt 1 năm 2020; mua sắm tập trung máy vi tính đợt 1 năm 2020) mà không xin ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh là không đúng theo Nghị định của Chính phủ.
Hơn nữa, đơn vị còn để xảy ra tồn tại trong việc nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản ở một số gói thầu như hợp đồng, biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản, biên bản thanh lý hợp đồng không có ngày, tháng.
Biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản không có thành phần tham gia là những nhân sự chủ chốt tham gia gói thầu đã được nhà thầu cam kết trong E-HSDT.
Trước hàng loạt tồn tại, vi phạm nêu trên, Thanh tra tỉnh Thái Bình kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính, Hội đồng thẩm định giá tài sản cấp tỉnh, Sở Tài chính và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra các hạn chế, tồn tại, vi phạm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình sau đó đã đồng ý với các kiến nghị của Thanh tra tỉnh Thái Bình.
Link nội dung: https://biztoday.vn/thai-binh-he-lo-loat-sai-pham-trong-mua-sam-tai-san-cong-tai-trung-tam-tu-van-va-dich-vu-tai-chinh-269423.html