Công ty Cổ phần Khoáng sản Thuận Phong ngày càng lộ diện nhiều sai phạm

Ngày 5/2/2022, Tầm nhìn có bài: “Đồng Nai: Vụ tàng trữ khoáng sản không phép của Công ty CP Khoáng sản Thuận Phong cần tiếp tục làm rõ để xử lý!”. Sau khi báo đăng chúng tôi đã tìm cách liên lạc với ông Trần Văn Bền, Giám đốc Công ty đề nghị cho biết ý kiến về nội dung báo. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi là nhà báo, ông Bền đã cúp máy. Tiếp tục tìm hiểu về vụ việc này qua các kênh thông tin khác, nay chúng tôi thấy đã lộ diện nhiều sai phạm của Công ty Thuận Phong.

Như đã phản ánh, Công ty Cổ phần Khoáng sản Thuận Phong (gọi tắt là Công ty Thuận Phong) có Mã số thuế 0315214735; địa chỉ 79 đường 1Fnhà ở Melosa Khang Điền, Phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2019, Công ty được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép hoạt động không qua đấu thầu nạo vét kết hợp tận dụng cát bồi trong lòng hồ đập dâng Tà Pao, huyện Tánh Linh theo Quyết định 3613/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Công trình thủy lợi Tà Pao được khởi công năm 2010, hoàn thành năm 2013, là công trình cung cấp nước tưới cho hơn 20.340 ha đất nông nghiệp của 2 huyện Tánh Linh; cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 150.000 người dân trong vùng dự án với tổng mức đầu tư 2.128 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

3711-1-1646728264.jpeg Một trong các bãi cát của Công ty Thuận Phong ở Tánh Linh, Bình Thuận.

Liên quan đến chủ trương nạo vét lòng hồ Tà Pao, do việc thực hiện của Công ty Thuận Phong có nhiều sai phạm nên ngày 24/4/2020, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản yêu cầu Công ty tạm dừng hoạt động; giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) làm rõ tác động của việc nạo vét này có ảnh hưởng gì đến nguồn nước và việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân hạ du?

Trước yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) chủ trì cùng các Sở, ngành và đại diện UBND huyện Tánh Linh đã có cuộc khảo sát kiểm tra thực địa và ngày 13/10/2021 UBND huyện Tánh Linh có báo cáo gửi UBND tỉnh cho biết: Ghi nhận thực tế Công ty Thuận Phong đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của UBND, các Sở, ngành của tỉnh và UBND huyện Tánh Linh, như đã lắp đặt 9 camera giám sát tại 3 bãi tập kết, 1 trạm cân lắp đặt tại bãi tập kết số 3, có đường lên xuống trạm cân. Về phương tiện nạo vét trên thực địa có 3 tàu hút cát, 3 xe múc cát và 2 xe ben đúng với số lượng Công ty đã đăng ký gửi về Sở NN & PTNT; đã thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường theo hồ sơ đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt…

Qua đó, UBND huyện Tánh Linh có ý kiến về Công ty đã khắc phục các nội dung còn thiếu trong quá trình triển khai dự án; chấp hành nghiêm việc tạm dừng hoạt động dự án. Hơn nữa trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, nhu cầu cát xây dựng phục vụ thi công các công trình dự án trên địa bàn huyện Tánh Linh nói riêng và các huyện lân cận nói chung rất lớn, vì vậy UBND huyện Tánh Linh thống nhất đề nghị Sở NN & PTNT kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho phép Công ty Thuận Phong tiếp tục hoạt động trở lại theo quyết định số 3163 ngày 9/12/2019 của UBND tỉnh. Từ báo cáo của UBND huyện, sự đồng ý của Sở NN & PTNN, ngày 31/12/2021 ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký công văn số 5008 cho phép Công ty Thuận Phong được tiếp tục hoạt động nạo vét kết hợp tận dụng cát bồi trong lòng hồ đập dâng Tà Pao theo quyết định số 3613 ngày 9/12/2019 của UBND tỉnh. Theo công văn trên UBND tỉnh yêu cầu Công ty Thuận Phong có trách nhiệm thực hiện hoạt động nạo vét kết hợp với tận dụng cát bồi trong lòng hồ đập Tà Pao, huyện Tánh Linh theo đúng quyết định cho phép; thực hiện đầy đủ hướng dẫn của các sở, ngành chức năng và UBND huyện Tánh Linh. UBND tỉnh giao Sở NN & PTNT, Sở TN & MT, UBND huyện Tánh Linh, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của Công ty theo đúng nội dung cho phép tại Quyết định 3613 ngày 9/12/2019 của UBND tỉnh, kịp thời xử lý các sai phạm theo thẩm quyền hoặc đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý theo đúng quy định.

3712-2-1646728329.jpeg Quá trình khai thác cát, Công ty Thuận Phong đã gây sạt lở nghiêm trọng n hiều khu vực hai bên bờ hồ Tà Pao.

Mặc dù có sự ưu ái nói trên, nhưng từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 Công ty Thuận Phong lại tiếp tục có những dấu hiệu vi phạm khác.

4156-3-horz-1646728372.jpeg Các loại xe tải trọng lượng lớn suốt ngày đêm ra vào chở cát đi tiêu thụ

Theo ghi nhận của phóng viên tại điểm khai thác của Công ty Thuận Phong thuộc xã La Ngâu, huyện Tánh Linh thì nhiều ngày qua Công ty Thuận Phong đã tiến hành hoạt động khai thác cát một cách hết sức rầm rộ trên lòng hồ Tà Pao, trong đó chúng tôi ghi nhận được hoạt động khai thác có dấu hiệu vi phạm khi khai thác hút sát bờ, bơm cát không qua bể lắng, hàng nghìn khối cát được tập kết ở bãi 2 và 3 tại xã La Ngâu, được vận chuyển liên tục suốt ngày đêm với hàng loạt biển số xe ngoài tỉnh Bình Thuận như biển kiểm soát 60 (Đồng Nai), 59 (TP HCM)… ra vào “ăn hàng”.

Điều ngạc nhiên chúng tôi ghi nhận được tại đây dường như không có một đơn vị nào giám sát công ty khai thác, số lượng xe ra vào mua cát tại 2 điểm tập kết của Công ty Thuận Phong không được đưa lên trạm cân và đang có dấu hiệu trốn thuế. Các tài liệu chúng tôi ghi nhận đã cung cấp đến Sở TN & MT tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh; cũng như Phòng TN & MT huyện Tánh Linh. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan này dường như vẫn đang bỏ ngỏ các tài liệu được cho là rõ một một về những dấu hiệu vi phạm của Công ty Thuận Phong.

3719-5-1646728440.jpeg Bãi cát bất hợp pháp của Công ty Thuận Phong tại thôn 4, xã Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai.

Một chiều hướng khác, trước đó báo Điện tử Tầm nhìn và Tri thức cuộc sống đã thông tin về việc Công ty Thuận Phong vừa bị UBND xã Xuân Hoà, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai phát hiện tại bãi tập kết khoáng sản (cát) không phép với trữ lượng cát theo ghi nhận lên tới 5.600 m3 không xuất trình nguồn gốc, người đại diện không hợp tác với cơ quan chức năng. Qua đó, UBND xã đã có báo cáo và UBND huyện Xuân Lộc đã chỉ đạo làm rõ thì Công ty Thuận Phong chỉ xuất trình được Tờ khai thuế tài nguyên tháng 1/2022 với số lượng cát tự khai là 2.902 m3, số tiền thuế tài nguyên phải nộp là 106.648.500 đồng (bình quân 37.000 đồng/m3 như quy định), còn các loại thuế khác như: Phí bảo vệ môi trường 5.500 đồng/m3. Thuế GTGT 10%; thuế TNDN 20%/ lợi nhuận thì không thấy đề cập trong Tờ khai. Đó là chưa nói tại bãi cát Ấp 4, xã Xuân Hoà, huyện Xuân Lộc số lượng cát theo Trung tâm đo đạc huyện là 5.600m3, nhưng trong tờ khai chỉ có 2.902 m3. Như vậy, liệu còn gần 2.700 m3 Công ty Thuận Phong đã trốn thuế?. Đó là chưa kể số cát xuất tại bến khai thác hàng ngày với số xe ra vào chuyên chở hết sức tấp nập. Như vậy, dấu hiệu sai phạm của Công ty Thuận Phong ở nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực thuế là khá rõ ràng và nghiêm trọng. Thế nhưng các cấp thẩm quyền và ngành chức năng ở Bình Thuận và huyện Tánh Linh vẫn tỏ ra hết sức bàng quang?.

Cát, sỏi, đất đá, nước… là tài nguyên Quốc gia đã được đưa vào danh mục quản lý, khai thác, sử dụng một cách hợp lý, chặt chẽ bằng Bộ Luật Khoáng sản. Thế nhưng nhiều năm qua các cấp, các ngành, các địa phương xem ra còn coi nhẻ, có dấu hiệu buông lỏng trong khai thác, quản lý. Đây không phải riêng gì Bình Thuận. Chính vì thế qua vụ việc này chúng tôi kiến nghị: Bộ NN & PTNT, Bộ TN & MT cần phối hợp với các địa phương xiết chặt hơn nữa công tác quản lý, khai thác, sử dụng; không thể để một số khối lượng tài nguyên to lớn của Quốc gia rơi vào tay của một số tổ chức cá nhân.

Link nội dung: https://biztoday.vn/cong-ty-co-phan-khoang-san-thuan-phong-ngay-cang-lo-dien-nhieu-sai-pham-269964.html