Cho tới gần đây, dầu thô và khí đốt của Nga vẫn nằm ngoài các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra để đáp trả việc Nga tấn công quân sự Ukraine. Đó là do mối lo về ảnh hưởng kinh tế nếu ngành năng lượng Nga bị đưa vào diện trừng phạt, đặc biệt là ảnh hưởng đối với châu Âu – khu vực có mức độ phụ thuộc lớn vào dòng chảy dầu khí từ Nga.
Tuy nhiên, dưới sức ép từ Quốc hội Mỹ - nơi các dự luật cấm dầu Nga đang được các nghị sỹ thúc đẩy mạnh mẽ - Tổng thống Joe Biden ngày 8/3 đã hành động. Ông Biden đã công bố lệnh cấm nhập khẩu năng lượng hoá thạch, bao gồm dầu thô và khí đốt, từ Nga vào Mỹ.
“Chúng tôi đi đến quyết định này trên cơ sở tham vấn chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trên thế giới, nhất là ở châu Âu”, ông chủ Nhà Trắng nói tại một cuộc họp báo. “Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với châu Âu và các đối tác để phát triển chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc của họ vào năng lượng Nga”.
Dưới đây là 6 điều cần biết về lệnh cấm mà ông Biden vừa công bố, tổng hợp từ đánh giá của hai hãng tin Bloomberg và Reuters:
Dầu thô, các sản phẩm dầu lọc hoá, khí hoá lỏng (LNG) và than đều nằm trong lệnh cấm vừa đưa ra. Lệnh cấm này không bao gồm uranium, mặt hàng mà Nga đóng góp 16% nhập khẩu của Mỹ trong năm 2020.
Lệnh cấm cũng đưa ra một thời hạn 45 ngày để hoàn tất các chuyến hàng đã ký hợp đồng. Ngoài ra, các cá nhân và tổ chức của Mỹ cũng bị cấm tham gia vào các hoạt động đầu tư nước ngoài có vốn rót vào ngành năng lượng của Nga.
Nếu nhìn vào những con số, thì ảnh hưởng của lệnh cấm này không lớn. Từ trước khi có lệnh cấm, các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã tự nguyện hạn chế nhập khẩu dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao từ Nga. Trong năm ngoái, dầu Nga chỉ chiếm 3% tổng nhập khẩu dầu thô của Mỹ. năm nay, tốc độ nhập khẩu dầu Nga vào Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017, theo dữ liệu của Kpler.
Nếu tính cả dầu thô và các sản phẩm lọc hoá, Mỹ nhập khẩu 672.000 thùng dầu từ Nga trong năm 2021, chiếm 8% tổng nhập khẩu các mặt hàng này – theo ông Andrew Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates.
Về khí đốt, lệnh cấm của Mỹ chỉ mang tính biểu tượng vì Mỹ đã trở thành một nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới và đã không nhập khí đốt Nga từ năm 2019.
Về than, Mỹ nhập khoảng 307.000 tấn than từ Nga trong cả năm ngoái.
Lệnh cấm của Mỹ là một đòn giáng vào địa vị của Nga với tư cách nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới, nhưng chưa chắc đã gây tác động tiêu cực về mặt kinh tế đối với Nga, trừ phi các quốc gia khác cũng theo Mỹ cấm nhập năng lượng hoá thạch từ Nga.
“Quyết định của ông Biden về cấm nhập dầu Nga là đáng lưu ý, nhưng nếu châu Âu cũng cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga thì đó mới là một sự trừng phạt thực sự, xét tới việc châu Âu có mức độ phụ thuộc tương đối cao và nguồn cung năng lượng từ Nga”, ông Jason McMann, trưởng bộ phận phân tích rủi ro chính trị thuộc Morning Consult, nhận định.
Nga là nguồn cung cấp 27% nhập khẩu dầu thô của châu Âu trong năm 2019 – theo Uỷ ban châu Âu (EC). Ngoài ra, tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom cung cấp khoảng 1/3 toàn bộ khí đốt được tiêu thụ ở châu Âu.
Giới phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ đã buộc phải đưa ra quyết định này.
Một dự luật trong Quốc hội Mỹ với mục tiêu cấm nhập khẩu dầu Nga đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ. Tuy nhiên, bằng cách hành động độc lập, ông Biden sẽ dễ dàng rút lại lệnh cấm đó sau này. Sức ép khiến ông phải hành động gia tăng sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đề nghị Quốc hội Mỹ cấm nhập dầu Nga trong một cuộc gọi với các nghị sỹ Mỹ hôm 5/3.
Theo một cuộc khảo sát được Đại học Quinnipiac công bố kết quả vào hôm 7/3, cứ 10 người Mỹ được hỏi thì có 7 người ủng hộ việc cấm nhập khẩu dầu Nga cho dù việc này có thể đẩy giá xăng ở Mỹ lên cao hơn.
Giá xăng ở Mỹ hiện đang ở mức cao kỷ lục. Ngày 8/3, giá xăng bình quân toàn quốc ở Mỹ đạt 4,173 USD/gallon – theo dữ liệu từ AAA. Mức giá này phá vỡ kỷ lục cũ 4,114 USD/gallon theiets lập vào tháng 7/2008.
Trước khi lệnh cấm của Mỹ đối với năng lượng Nga được ông Biden đưa ra, Anh đã tuyên bố hạn chế nhập khẩu dầu Nga để tiến tới cuối năm nay không còn nhập dầu từ Nga nữa. Ngoài ra, EU cũng công bố một kế hoạch nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hoá thạch từ Nga, trong đó dự kiến giảm 80% nhập khẩu khí đốt từ Nga ngay trong năm 2022.
Ngày 8/3, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York có lúc tăng 7%, đạt 128 USD/thùng, trước khi kết thúc phiên giao dịch với mức tăng 3,6%, đạt 123,7 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc tăng 7,7%, đạt 132,75 USD/thùng. Lúc đóng cửa, giá dầu Brent tăng 4,3%, đạt 123,21 USD/thùng.
Giá dầu lập đỉnh của phiên khi ông Biden tuyên bố lệnh cấm nhập dầu Nga. Vào đầu tuần này, khả năng Mỹ đưa ra lệnh cấm như vậy đã đẩy giá dầu WTI lên gần 130 USD/thùng và giá dầu Brent lên gần 140 USD/thùng, cao nhất kể từ 2008.
Nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nói rằng nỗ lực vượt mốc 130 USD/thùng của giá dầu WTI đã thất bại hai lần, khiến một số nhà đầu tư bán ra. “Mọi người đang đặt câu hỏi liệu việc ông Biden công bố lệnh cấm có phải là ‘thời điểm mua theo tin đồn, bán theo tin tức’ hay không”, ông Kilduff nói. “Việc lệnh cấm chính thức được đưa ra đã củng cố ý định ‘bán theo tin tức’, vì giờ đây mọi thứ đã sáng tỏ hơn rồi”.
Từ trước khi có lệnh cấm này, các nhà giao dịch đã tránh mua bán dầu Nga vì những khó khăn khi thanh toán và mối lo vướng vào các biện pháp trừng phạt. “Các ước tính rất khác nhau, nhưng có thể nói rằng lệnh cấm mà Mỹ áp lên dầu Nga sẽ không có nhiều tác động so với những gì đã diễn ra”, chuyên gia Tamas Varga của PVM Oil nhận xét.
Link nội dung: https://biztoday.vn/6-dieu-can-biet-ve-viec-my-cam-nhap-khau-dau-nga-270453.html