Tổng thống Mỹ đề nghị chấm dứt qui chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn với Nga

Ngày 10/3 (sáng 11/3 theo giờ Việt Nam), các phương tiện truyền thông dẫn lời quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đề nghị chấm dứt qui chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Nga.

Ảnh minh họa. Nguồn: Los Angeles Times

Theo hãng tin Reuters và tờ Washington Times, Tổng thống Biden sẽ công bố quyết định trên trong ngày 11/3 (theo giờ Bờ Đông của Mỹ) và đây là bước đi nhằm phản ứng lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Tin cho hay, với việc chấm dứt qui chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR), Mỹ sẽ tăng mạnh thuế nhập khẩu nhằm vào hàng hóa của Nga.

Theo luật định, đề nghị của Chính quyền Tổng thống Biden chấm dứt qui chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Nga cần phải được Quốc hội Mỹ xem xét. Hiện nay, dư luận trong giới nghị sĩ lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ ủng hộ một bước đi như vậy của Nhà Trắng.

Qui chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) của Mỹ, hay qui chế “Tối huệ quốc” theo cách gọi của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là qui định đặc biệt điều tiết các mối quan hệ với các đối tác thương mại nước ngoài của Mỹ, theo đó các đối tác được đối xử bình đẳng về thương mại trên lãnh thổ một nước thứ ba. Đây là một nguyên tắc rất cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế hiện đại.

Trong quan hệ thương mại với Mỹ, chỉ có một số ít đối tác không hưởng quy chế NTR. Việc các khoản thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ một nước hưởng quy chế PNTR sẽ thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu từ một nước không hưởng quy này.

Một cơ sở lọc dầu của Nga. Ảnh: TheMoscowtimes.com/TTXVN

Nếu được lưỡng viện Quốc hội Mỹ phê chuẩn, việc dừng qui chế PNTR sẽ là bước đi cứng rắn nhất của Mỹ nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine.

Trước đó, Washington và các đồng minh cũng đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt chống Nga. Mới nhất, ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và cho đến nay việc xuất khẩu năng lượng của nước này vẫn chưa bị áp đặt trừng phạt. Mặc dù Mỹ không phải là nhà mua dầu hàng đầu của Nga, song các đồng minh của nước này dường như phải chịu sức ép đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Tập đoàn Shell của Anh thông báo rút khỏi các dự án ở Nga và sẽ không mua dầu mỏ và khí đốt của nước này, đồng thời gửi lời xin lỗi vì đã mua 1 chuyến dầu thô của Nga hồi tuần trước.

Giới phân tích cho rằng quyết định trên của Mỹ sẽ làm gia tăng tác động của của chiến dịch quân sự đối với kinh tế toàn cầu sau khi thế giới đã phải trải qua việc thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang do tác động của đại dịch COVID-19. Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Về phần mình, ngày 9/3, Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moskva đã lường trước và có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine.

Hãng tin TASS dẫn tuyên bố của ông Peskov nêu rõ: "Các biện pháp trừng phạt (của phương Tây) có thể lường trước được. Nhiều biện pháp trừng phạt khác nhau đã được phân tích và xem xét kỹ lưỡng". Moskva cũng đã triển khai các biện pháp ứng phó để giảm thiểu tác động của các gói trừng phạt khác nhau. Nga đã triển khai một số quyết định, bao gồm các biện pháp đáp trả trong lĩnh vực kinh tế cũng như các biện pháp tạm thời để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.

Chính phủ Nga cũng cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ các công ty đang bị trừng phạt để giúp họ duy trì việc làm và tiền lương. Chính phủ Nga khẳng định có đủ nguồn lực để đảm bảo hệ thống tài chính ổn định trong bối cảnh hứng chịu các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa từ bên ngoài.

Ngày 10/3, Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Stephane Dujarric, kêu gọi các biện pháp trừng phạt Nga không được phép gây tổn hại tới lợi ích của người dân nước này. Tại họp báo, trả lời câu hỏi về khả năng các biện pháp trừng phạt Nga gây cản trở việc vận chuyển vaccine ngừa COVID-19, ông Dujarric nói: "Quan điểm của LHQ là các biện pháp trừng phạt cần tránh gây tổn hại cho người dân".

Link nội dung: https://biztoday.vn/tong-thong-my-de-nghi-cham-dut-qui-che-quan-he-thuong-mai-binh-thuong-vinh-vien-voi-nga-271648.html