Theo nguồn tin giấu tên được Bloomberg trích dẫn, các cuộc thảo luận tại trụ sở của WHO ở Geneva đang tập trung vào những điều kiện cuối cùng nhằm thông báo tình trạng khẩn cấp về sức khỏe y tế công cộng liên quan tới Covid-19 đã kết thúc.
WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe y tế công cộng toàn cầu liên quan tới virus SARS-CoV-2 vào ngày 30/1/2020. Gần 2 tháng sau, ngày 11/3/2020, tổ chức này tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Theo Bloomberg, tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp dịch Covid-19 không chỉ là bước ngoặt mang tính biểu tượng, mà còn tạo thêm động lực cho các quốc gia triển khai thêm nhiều chính sách y tế công cộng trong giai đoạn đại dịch.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện dần các bước để quay trở lại cuộc sống bình thường, nới lỏng quy định cách ly và đeo khẩu trang, đồng thời mở cửa biên giới. Mặc dù vậy, các quốc gia châu Á thời gian gần đây ghi nhận số ca mắc kỷ lục.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp dịch Covid-19 được WHO ban bố vào tháng 1/2020. Ảnh: Bloomberg.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo ngay cả khi số trường hợp mắc giảm xuống mức thấp hơn, căn bệnh này vẫn có khả năng gây ra hàng nghìn ca tử vong mỗi năm, không khác gì các bệnh đang lưu hành như sốt rét và lao. Không chỉ vậy, mức độ nguy hiểm của các biến chủng mới là không thể đoán trước được.
Giống như khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, quyết định kết thúc sẽ được đưa ra bởi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia.
David Heymann - nhà dịch tễ học từng làm tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ - cho biết nhiều quốc gia hiện không còn dựa vào hướng dẫn của WHO.
“Họ không phớt lờ khuyến cáo của WHO, nhưng họ phụ thuộc nhiều hơn vào các nhóm cố vấn khoa học quốc gia và khu vực”, ông Heymann nói.
Ông Heymann cho biết số liệu quan trọng đối với các quốc gia đang tính kết thúc tình trạng khẩn cấp là khả năng miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng không còn được xem là khả năng ngăn chặn virus lây lan. Ông nêu ví dụ các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 98% dân số Anh có mức miễn dịch với Covid-19 để giúp họ không bị bệnh nặng khi mắc.
Link nội dung: https://biztoday.vn/who-can-nhac-ket-thuc-tinh-trang-khan-cap-toan-cau-vi-dich-covid-19-272258.html