Châu Âu có những lựa chọn gì nếu bị Nga cắt khí đốt?

Giá khí đốt ở châu Âu đã leo thang chóng mặt trong thời gian gần đây khi xung đột vũ trang Nga-Ukraine khiến thị trường lo sợ rằng hoặc châu Âu sẽ “liều mình” cấm nhập năng lượng từ Nga, hoặc Moscow trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách cắt cung cấp dầu và khí đốt cho châu Âu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Tass.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Tass.

Đến thời điểm hiện tại, hai kịch bản “ác mộng” này chưa trở thành hiện thực, nhưng châu Âu đã phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Sự chuẩn bị này là không thừa, xét tới việc Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU).

Khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu chủ yếu được vận chuyển qua các đường ống, trong đó có một số đi qua Ukraine. Ngoài ra, còn có đường ống Yamal-Europe đi qua Belarus và Ba Lan tới Đức, và đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 1 chạy ngầm dưới biển Baltic tới Đức. Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy ước tính mỗi năm Nga cung cấp cho châu Âu khoảng 150-190 tỷ mét khối khí đốt, trong đó có khoảng 52 tỷ mét khối khí đốt được cung cấp qua các đường ống đi qua Ukraine.

Trong những năm gần đây, hầu hết các nước châu Âu đều đã tìm cách giảm bớt lệ thuộc vào khí đốt Nga. Năm ngoái, các đường ống đi qua Ukraine chủ yếu dẫn khí tới Slovakia và sau đó tới Áo và Italy. Tuy nhiên, với hơn 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu vẫn được đáp ứng với Nga, sự gián đoạn của nguồn cung khí đốt từ nhà cung cấp lâu năm này sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các nước EU. Theo nhận định của Công ty nghiên cứu Capital Economics, nếu Mỹ và EU cùng cấm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga, giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 160 USD/thùng và nền kinh tế khu vực Eurozone sẽ có cuộc suy thoái thứ ba kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.

Vậy trong trường hợp bị Nga cắt khí đốt, EU có thể dựa vào những nguồn thay thế nào?

CÁC LỰA CHỌN ĐỀU EO HẸP

Nếu gián đoạn xảy ra, một số quốc gia châu Âu có nguồn cung khí đốt thay thế. Do hệ thống ống dẫn khí đốt của châu Âu kết nối với nhau nên các nước có thể chia sẻ khí đốt. Tuy nhiên, vấn đề là nguồn cung thay thế có đủ để bù đắp cho sự mất mát nguồn cung từ Nga hay không, nhất là khi thị trường khí đốt toàn cầu đã thắt chặt từ trước khi nổ ra xung đột vũ trang Nga-Ukraine.

Đức – khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga ở châu Âu và mới đây đã đình chỉ quá trình phê chuẩn đường ống dẫn khí Nord Stream 2 - có thể nhập khẩu khí đốt từ Anh, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan bằng đường ống. Các nước Nam Âu có thể mua khí đốt từ Azerbaijan qua đường ống Trans Adriatic nối tới Italy và đường ông Trans-Anatolian Natural Gas Pipeline (TANAP) đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ - nước xuất khẩu khí hoá lỏng (LNG) hàng đầu thế giới, cũng muốn hỗ trợ châu Âu bằng cách kêu gọi các nhà sản xuất LNG trong nước và nước ngoài tăng cường cung cấp cho khu vực này. Nhập khẩu LNG vào Tây Âu, bao gồm từ Mỹ, đã lập kỷ lục trong năm nay. Tuy nhiên, Qatar - nước sản xuất LNG lớn nhất thế giới, đã cảnh báo rằng không một quốc gia nào có thể thay thế Nga trên phương diện cung cấp khí đốt cho châu Âu, vì phần lớn khí đốt sản xuất ra hiện nay đều đáp ứng cho các hợp đồng dài hạn đã ký với khách hàng cũ. Chưa kể, các cảng LNG của châu Âu cũng có năng lực hạn chế cho việc tăng cường nhập khẩu.

Một số nước châu Âu cũng có thể bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga, nếu xảy ra, bằng cách tăng nhập khẩu điện thông qua kết nối với các nước láng giềng hoặc tăng phát điện hạt nhân, sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh, thuỷ điện hoặc than.

Tuy nhiên, sản lượng điện hạt nhân và thuỷ điện ở châu Âu được dự báo giảm trong năm nay so với năm ngoái. Điện hạt nhân đang ngày càng đi xuống ở Bỉ, Anh, Pháp và Đức do các nhà máy đã cũ, bị đóng cửa hoặc cắt giảm hoạt động.

Về phát điện bằng than, trong những năm gần đây, châu Âu đã dịch chuyển khỏi nguồn năng lượng này nhằm tiến tới đạt các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu. Dù vậy, một số nhà máy điện than trong khu vực đã hoạt động trở lại từ giữa năm 2021 trong bối cảnh giá khí đốt liên tục tăng. Đức đã tuyên bố có thể kéo dài hoạt động của các nhà máy điện than và điện hạt nhân để giảm phụ thuộc và khí đốt Nga.

Theo Rystad Energy, tổng cộng lượng điện phát thêm từ các nguồn năng lượng ngoài khí đốt chỉ có thể bổ sung khoảng 152 terawatt giờ, so với tổng tiêu thụ điện năng của toàn EU trong năm 2021 là 3.650 terawatt giờ. Trong những cuộc khủng hoảng năng lượng trước đây, các quốc gia còn phải giảm hoạt động sản xuất công nghiệp ở một số thời điểm nhất định và yêu cầu các hộ sử dụng điện cắt giảm tiêu thụ điện, thậm chí cắt điện bắt buộc. Đó cũng là những giải pháp mà châu Âu phải tính đến nếu bị Nga cắt khí đốt.

THAM VỌNG “CAI” KHÍ ĐỐT NGA CỦA CHÂU ÂU

Tuần vừa rồi, EU công bố một lộ trình nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của khối này vào khí đốt Nga. Thông qua các biện pháp gồm mạnh nhập khẩu LNG và nhập khẩu khí đốt qua các đường ống dẫn từ các nguồn khác ngoài Nga, tăng sử dụng khí đốt tái sinh, tiết kiệm năng lượng, và tăng cường điện hoá, EU dự kiến đến năm 2030 sẽ thay thế hoàn toàn khí đốt mà khối này vẫn nhập từ Nga.

Riêng trong năm 2022, các biện pháp này có thể giúp EU giảm được 112 tỷ mét khối khí đốt nhập khẩu từ Nga, tương đương mức giảm 80%. Trong đó, 50 tỷ mét khối khí đốt sẽ được thay thế bởi các nguồn LNG mới, 10 tỷ mét khối sẽ từ các đường ống dẫn từ các nhà cung cấp khác, và 20 tỷ mét khối khí đốt được thay thế bởi năng lượng gió đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy phát điện vốn chạy bằng khí đốt.

Uỷ ban châu Âu (EC) ước tính rằng EU có đủ lượng khí đốt dự trữ để vượt qua mùa đông này, ngay cả trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga đột ngột bị cắt đứt. Trong kế hoạch trên, EC cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên bắt đầu tích trữ khí đốt để chuẩn bị sẵn sàng cho mùa đông sang năm.

Giới phân tích nhận định rằng những mục tiêu mà EU đưa ra là không dễ đạt được, bởi khu vực này đã phụ thuộc vào khí đốt Nga quá nhiều và quá lâu. Mỹ ngày 8/3 đã tuyên bố cấm nhập khẩu các loại năng lượng hoá thạch, trong đó có dầu thô và khí đốt từ Nga.

Tuy nhiên, các quan chức EU trong tuần này đã làm rõ lập trường rằng họ chưa thể tham gia cùng với Mỹ trong một biện pháp trừng phạt như vậy nhằm vào Nga. Dù sao, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine thực sự là một hồi chuông cảnh tỉnh để châu Âu có những thay đổi cần thiết nhằm giảm bớt sự phụ thuộc này. Nếu không có xung đột vũ trang, có thể châu Âu sẽ tiếp tục chần chừ trong việc “cai” khí đốt Nga.Trong vòng 15 năm qua, đã không ít lần xảy ra tranh chấp giữa Nga và Ukraine về khí đốt, dẫn tới việc Nga doạ cắt khí đốt cung cấp cho châu Âu qua nước láng giềng này, mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến giá cả.

Năm 2006, Nga dừng cung cấp khí đốt cho Ukraine trong 1 ngày. Vào mùa đông 2008-2009, gián đoạn khí đốt Nga một lần nữa khiến châu Âu hoang mang. Tiếp đó, Nga lại cắt khí đốt cung cấp cho Ukraine vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine.

Về phần mình, Ukraine cũng từng có lần dừng mua khí đốt Nga vào tháng 11/2015, và thay vào đó nhập khẩu khí đốt từ các nước EU bằng cách đảo ngược dòng khí đốt đi qua một số đường ống.

Link nội dung: https://biztoday.vn/chau-au-co-nhung-lua-chon-gi-neu-bi-nga-cat-khi-dot-273754.html