Những điều cần biết về vụ vỡ nợ có thể sắp xảy ra của Nga

Nga có thể sắp có vụ vỡ nợ trái phiếu quốc tế lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Ngày 16/3 là thời hạn để Chính phủ Nga thanh toán 117 triệu USD tiền lãi của hai lô trái phiếu phát hành bằng đồng Euro. Riêng trong tháng 3 này, Moscow có 4 đợt thanh toán nợ...

Tổng thống Nga Vladimir Putin họp Chính phủ qua video ở Moscow hôm 10/3/2022 - Ảnh: Điện Kremlin/Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin họp Chính phủ qua video ở Moscow hôm 10/3/2022 - Ảnh: Điện Kremlin/Reuters.

Nguyên nhân của một vụ vỡ nợ như vậy nằm ở việc các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột Nga-Ukraine đã phong toả phần lớn dự trữ ngoại hối của Nga, khiến Moscow không thể lấy tiền từ đó để trả nợ.

Theo hãng tin CNBC, nếu xảy ra, đây sẽ là vụ vỡ nợ đầu tiên của Chính phủ Nga kể từ vụ vỡ nợ trái phiếu trong nước vào năm 1998, và là vụ vỡ nợ trái phiếu quốc tế đầu tiên của nước này kể từ năm 1918.

Dưới đây là một số điều cần biết về vụ vỡ nợ có thể sắp xảy đến của Nga:

KHI NÀO NGA ĐẾN HẠN PHẢI TRẢ NỢ?

Ngày thứ Tư (16/3) là thời hạn để Chính phủ Nga thanh toán 117 triệu USD tiền lãi của hai lô trái phiếu phát hành bằng đồng Euro. Riêng trong tháng 3 này, Moscow có 4 đợt thanh toán nợ. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, các chuyên gia kinh tế chưa biết chính xác Nga sẽ làm gì để thực hiện các nghĩa vụ nợ này.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov nói Nga sẽ dùng dự trữ Nhân dân tệ để trang trải một số khoản nợ, vì dự trữ bằng đồng Euro và USD đang bị đóng băng do lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, Nga cũng cảnh báo rằng việc trả nợ cho các chủ nợ đến từ các quốc gia “thù địch” sẽ được thực hiện bằng đồng Rúp, trong khi đồng Rúp Nga đã giảm giá xuống mức thấp kỷ lục kể từ Nga tấn công Ukraine.

Trong một báo cáo, chuyên gia kinh tế trưởng William Jackson của Capital Economics lý giải rằng một số trái phiếu ngoại tệ của Nga, là những lô được phát hành từ năm 2018 đến nay, cho phép thanh toán bằng đồng Rúp trong trường hợp việc thanh toán không thể được thực hiện bằng các đồng tiền khác. Tuy nhiên, ông Jackson nhấn mạnh điều khoản linh hoạt này không áp dụng với những lô trái phiếu đến hạn trả lãi vào ngày 16/3.

Vì thế, theo ông Jackson, việc Nga dùng Rúp để trả nợ lần này sẽ đồng nghĩa với một vụ vỡ nợ của Chính phủ Nga. Dù vậy, sau thời gian ân hạn 30 ngày, sự vỡ nợ mới trở thành chính thức.

Theo chiến lược gia Timothy Ash của BlueBay Asset Management nói rằng điều mà các Chính phủ phương Tây muốn là làm cho Nga phải rút cạn những nguồn dự trữ còn lại để trả nợ.

“Ở thời điểm hiện tại, thông điệp của Nga có vẻ như là họ sẵn sàng trả nợ, nhưng họ không thể làm vậy vì các biện pháp trừng phạt. Vì thế, ý của Nga là nếu phương Tây muốn các chủ nợ phương Tây được Nga trả nợ, thì phương Tây phải nới/dỡ trừng phạt đối với Nga”, ông Ash nhận định trong một báo cáo.

HẬU QUẢ GÌ NẾU NGA VỠ NỢ?

Theo ông Ash, nếu Nga cương quyết không dùng số dự trữ ngoại tệ còn lại để trả nợ, mà thay vào đó dùng Rúp để trả, thì Moscow có thể có hai mục đích. “Thứ nhất là Nga muốn bảo toàn số dự trữ ít ỏi còn lại, và hai là gây tổn thất cho nhà đầu tư đến từ các quốc gia không thân thiện với Nga, với hy vọng các nhà đầu tư đó sẽ vận động để chính phủ nước họ nới trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, một vụ vỡ nợ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và dài hạn đối với Nga”, vị chiến lược gia nhận định.

Nếu Nga vỡ nợ, các tổ chức đánh giá tín nhiệm sẽ đánh tụt điểm tín nhiệm vốn đã thấp hiện nay của Nga xuống mức đáy là “default” (vỡ nợ). Và hạng điểm này có thể duy trì lâu do những khó khăn trong việc đảm bảo một quy trình tái cơ cấu nợ nhanh chóng. Trong trường hợp đó, chi phí vay vốn của Nga sẽ tăng cao kéo dài và các lựa chọn tài chính của Nga sẽ trở nên eo hẹp, ngay cả đối với các nguồn vốn từ những nước như Trung Quốc – theo ông Ash.

“Cho dù chiến tranh có kết thúc nhanh và hoà bình được lặp lại, thị trường và các tổ chức đánh giá tín nhiệm vẫn sẽ nhớ cuộc khủng hoảng này và điểm tín nhiệm của Nga sẽ phục hồi chậm, lãi suất vay vốn của Nga sẽ giảm, dẫn tới hạn chế đối với sự phát triển của kinh tế Nga trong những năm sắp tới”, ông Ash nhấn mạnh.

Về thời hạn ngày thứ Tư, ông Ash dự báo các chủ nợ của Nga sẽ được thanh toán một phần, một phần có thể bị hoãn, nhưng không rõ liệu các chủ nợ nước ngoài có tiếp cận được với tiền Nga trả hay không, và đó là loại tiền gì.

Ngoài ra, Nga và các tổ chức đánh giá tín nhiẹm cũng sẽ tranh cãi xem liệu như thế có đúng là Nga vỡ nợ hay không. Các bên thậm chí có thể phải đưa nhau ra toà vì việc này.

SẼ CÓ THÊM NHỮNG VỤ VỠ NỢ KHÁC CỦA NGA HAY KHÔNG?

Một vụ vỡ nợ của Nga về cơ bản đã được phản ánh vào giá các tài sản trên thị trường, và tình hình tài chính ổn của Chính phủ Nga cũng đồng nghĩa Moscow không phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay từ bên ngoài. Tuy nhiên, nợ của các doanh nghiệp Nga có thể bị đe doạ.

“Có lẽ, rủi ro lớn hơn nằm ở việc một vụ vỡ nợ của Chính phủ Nga có thể kéo theo các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp Nga. Các công ty Nga có số nợ quốc tế lớn gấp 4 lần nợ quốc tế của Chính phủ”, ông Ash nhấn mạnh.

“Đến hiện tại, các công ty của Nga có vẻ như tiếp tục trả được nợ, cho dù trừng phạt thắt chặt. Nhưng với thương mại gián đoạn, trừng phạt có thể gia tăng, và nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái sâu, khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp Nga cũng tăng lên”.

Hai công ty quản lý tài sản hàng đầu thế giới là BlackRock và Pimco được nhận diện là có tên trong danh sách các quỹ đầu tư nắm nợ Nga. Tuy nhiên, phần lớn các trạng thái này đã được bút toán giảm giá trị và đã phản ánh vào giá chứng chỉ quỹ.

Giới chuyên gia kinh tế bác bỏ những lo ngại về ảnh hưởng lan rộng toàn cầu nếu Nga vỡ nợ. Phát biểu hôm Chủ nhật vừa rồi, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói tổng số nợ khoảng 120 tỷ USD mà các ngân hàng toàn cầu đã cho Nga vay không phải là một mối nguy hiểm hệ thống.

Ông Jackson cũng lưu ý rằng các nhà đầu tư nước ngoài đã bút toán giảm giá trị tài sản Nga mà họ nắm giữ, và tổng lượng trái phiếu chính phủ Nga phát hành bằng ngoại tệ mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ là “tương đối nhỏ”, chỉ khoảng 20 tỷ USD.

Link nội dung: https://biztoday.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-vu-vo-no-co-the-sap-xay-ra-cua-nga-274378.html