Giá xăng 'nhảy múa', tác động đến đời sống như thế nào?

Xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng trong nền kinh tế nhưng trước biến động của tình hình thế giới đã tăng liên tục trong các kỳ điều hành gần đây, gây ảnh hưởng không nhỏ cho đời sống, sản xuất nền kinh tế.

Theo quy định của Luật Giá, xăng, dầu thành phẩm nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Giá xăng dầu tăng làm gia tăng áp lực cũng như tăng kỳ vọng về lạm phát. Theo đó, tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, mặt hàng xăng dầu thành phẩm chiếm khoảng 3,6%, giả định giá xăng dầu tăng 5% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 0,18%, tăng 10% làm CPI tăng 0,36% tùy thuộc vào mức tăng của giá xăng dầu.

Giá xăng dầu tăng kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI tăng theo. Ảnh minh họa.

Đồng thời, xăng dầu còn tác động đến nhóm giao thông vận tải như vận tải hành khách bằng đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi… và vận chuyển hàng hóa; làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI tăng theo.

Thời gian qua, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục xu hướng tăng là nguyên nhân chính tác động làm tăng chi phí đầu vào, qua đó tác động tăng giá xăng dầu trong nước và gây áp lực lên điều hành giá xăng dầu nói riêng, điều hành giá nói chung.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trên thực tế, việc tăng giá xăng dầu có thể điều tiết bằng một số giải pháp. Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với giá xăng dầu thế giới.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua tiếp tục được thực hiện công khai, minh bạch và nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng quy định. Bên cạnh đó, công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng linh hoạt, hiệu quả, góp phần giảm mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Bộ Công Thương cũng đang triển khai một số giải pháp cần thiết như đảm bảo nguồn cung; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

“Về điều hành giá, chúng tôi tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt dự báo; tiếp tục cân đối sử dụng công cụ tài chính là Quỹ Bình ổn giá một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá.

Bộ Tài chính cũng vừa có tờ trình gửi Chính phủ dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể, giảm 2.000 đồng/lít xăng; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1000 đồng/lít; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần quản lý tốt nguồn cung; trong đó, cân đối giữa nguồn cung ứng sản xuất trong nước và nhập khẩu để bù đắp phần còn thiếu của sản xuất trong nước. Nếu trường hợp giảm thuế môi trường thì giá trong nước sẽ thấp hơn các nước trong khu vực do đó chúng ta cần phải kiểm soát tốt vấn đề buôn lậu xăng dầu.

Ngoài ra, tiếp tục chú trọng thông tin, tuyên truyền về điều hành giá xăng dầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Link nội dung: https://biztoday.vn/gia-xang-nhay-mua-tac-dong-den-doi-song-nhu-the-nao-274379.html