Những nước cho F0 ra đường

Để đẩy nhanh quá trình quay trở lại cuộc sống bình thường, Anh cho phép người mắc Covid-19 vẫn có thể sinh hoạt ngoài cộng đồng, chung với những người dân khác.

Ngày 9/2, một ngày sau khi Nữ hoàng Elizabeth dương tính với Covid-19, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo tất cả quy định liên quan đến dịch bệnh Covid-19, sẽ được dỡ bỏ trong 2 tuần kế tiếp.

Đến ngày 24/2, quy định bắt buộc những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và những người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 phải tự cách ly chính thức hết hiệu lực ở Anh.

Điều này đồng nghĩa với các F0 tại Anh có thể thoải mái ra đường, đi làm, có mặt ở nơi công cộng hay đến các tụ điểm giải trí, tiếp xúc với những người khác mà không còn rào cản nào.

Sau 2 năm chống chọi dịch bệnh, nhiều nước ở châu Âu chọn cách dỡ bỏ mọi hạn chế để sớm quay về cuộc sống bình thường. Ảnh: NY Times.

Tuy nhiên, những người này vẫn được khuyến cáo nên tự cách ly trong 5 ngày và tránh tiếp xúc với những người dễ bị tổn thương.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều quốc gia ở châu Âu ra thông báo nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt, chủ động thích ứng để từng bước quay trở lại cuộc sống trước đại dịch.

Điều này cho phép những người nhiễm và không nhiễm Covid-19 được ra ngoài, hoạt động chung với nhau.

Động thái nói trên xuất phát từ suy nghĩ của chính phủ các nước này, tin rằng một đợt tăng ca bệnh do mở cửa trở lại sẽ không có khả năng gây sức ép lên hệ thống y tế của nước họ.

Không cần chứng minh âm tính

Anh đã trở thành quốc gia lớn đầu tiên ở châu Âu cho phép những người biết mình mắc Covid-19 tự do sử dụng các cửa hàng, phương tiện giao thông công cộng và đi làm.

Hồi tháng 2, thủ tướng Johnson nhận định Anh đã vượt qua thời kỳ đỉnh dịch do biến thể Omicron gây ra, với các ca mắc mới và nhập viện suy giảm. Đất nước có thể hoàn thành quá trình trở lại bình thường mà không áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

Song, chính phủ cho hay họ vẫn giữ lại một số hệ thống giám sát và lên kế hoạch dự phòng trong trường hợp có biến thể mới xuất hiện.

Yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 khi đến các địa điểm đông người không còn hiệu lực tại Hà Lan, Thụy Sĩ. Ảnh: The Guardian.

Quyết định của ông Johnson không được tất cả hoan nghênh. Giới chức y tế cho rằng hành động này mang tính vội vàng và rất dễ làm dịch bệnh bùng phát lần nữa khi người dân thay đổi hành vi cá nhân nhanh hơn so với thời điểm trước đó.

Trả lời các ý kiến phản đối, vị thủ tướng cho hay chính phủ không thể tiếp tục chi 2,7 tỷ USD mỗi tháng cho việc xét nghiệm. Trước đó, chính phủ thực hiện xét nghiệm nhanh diện rộng và yêu cầu người dân tự cách ly trong vòng 5 ngày nếu có biểu hiện bệnh.

Sau Anh, Hà Lan là nước tiếp theo bãi bỏ hạn chế.

Phát biểu ngày 15/2 trong một cuộc họp báo ở thành phố La Haye, Bộ trưởng Y tế, Phúc lợi và Thể thao Hà Lan Ernst Kuipers nhấn mạnh Hà Lan hiện ở trong một giai đoạn mới, phù hợp với cơ chế bình thường mới.

Theo kế hoạch gồm 3 giai đoạn, những địa điểm có sức chứa dưới 500 người được phép đón người thoải mái như trước khi xảy ra dịch bệnh. Yêu cầu giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 không còn hiệu lực.

Khung cảnh người dân tụ tập đông đúc trong một lễ hội hóa trang ở Hà Lan, sau khi đất nước dỡ bỏ hầu hết biện pháp kiểm dịch. Ảnh: AFP.

Song song, từ ngày 18/2, các địa điểm vốn tập trung đông người như quán bar, nhà hàng tại Hà Lan được phép mở cửa đến 1h sáng thay vì phải đóng cửa lúc 22h như quy định trước đó.

Người đến dùng bữa tại nhà hàng cũng không cần đeo khẩu trang.

Tại Latvia, mọi biện pháp hạn chế phòng dịch bệnh sẽ sớm được dỡ bỏ vào tháng 4 tới.

Trong giai đoạn đầu có hiệu lực từ 16/2, trẻ em không cần chứng nhận âm tính với Covid-19 để được hưởng các dịch vụ hay tham dự các sự kiện.

Nhiều nước dỡ bỏ hạn chế phòng dịch

Giữa tháng 2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 theo lộ trình 3 bước trong bối cảnh các địa phương đã qua "đỉnh" của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron.

Theo nghị quyết đã được Thủ tướng Scholz và thủ hiến các bang thông qua ngày 16/2, trong bước đầu tiên, các cửa hàng bán lẻ dỡ bỏ mọi kiểm soát về y tế.

Tại nhiều quốc gia châu Âu, hạn chế giữa người nhiễm và không nhiễm Covid-19 không còn. Trong khi đó, quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng vẫn được duy trì. Ảnh: Reuters.

Khách hàng đến mua không cần chứng minh đã tiêm vaccine hay phải đưa ra được giấy xét nghiệm âm tính. Quy định đeo khẩu trang vẫn bắt buộc.

Giai đoạn 2 bắt đầu vào ngày 4/3. Trong giai đoạn này, giới hạn số người được tham gia các sự kiện ngoài trời tăng lên thành 25.000 người. Tuy vậy, người có mặt tại những tụ điểm vẫn cần xét nghiệm âm tính hoặc chứng minh đã tiêm đủ 3 liều vaccine nếu muốn tham dự.

Từ giai đoạn 3 diễn ra từ ngày 20/3, Đức sẽ gỡ bỏ hầu hết quy định phòng chống dịch và chỉ duy trì một số biện pháp bảo vệ cơ bản như đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, kết hợp với xét nghiệm để bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong các viện dưỡng lão hoặc bệnh viện.

Còn tại Thụy Sĩ, các quy định bắt buộc đeo khẩu trang và trình các giấy chứng nhận liên quan đến Covid-19 tại cửa hàng, nhà hàng, địa điểm công cộng, tụ điểm giải trí và tại các sự kiện bị hủy bỏ từ ngày 17/2.

Ngoài ra, quốc gia Trung Âu này cũng không còn yêu cầu trình giấy chứng nhận tiêm chủng, khỏi bệnh Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính đối với khách nhập cảnh vào nước này.

Theo đó, người dân chỉ còn phải tuân thủ yêu cầu tự cách ly trong 5 ngày nếu phát hiện dương tính với Covid-19, cùng với quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại bệnh viện, cơ sở y tế.

Tuy nhiên, các hạn chế này dự kiến chỉ kéo dài đến cuối tháng 3.

Link nội dung: https://biztoday.vn/nhung-nuoc-cho-f0-ra-duong-275541.html