Sắt thép, xi măng 'phi mã', nhà thầu xây dựng 'bỏ của chạy lấy người'

Giá xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng liên tục tăng khiến nhiều công trình xây dựng đội giá cao ngất, không ít doanh nghiệp, nhà thầu phải bỏ cuộc.

Giá thép, xi măng tăng chóng mặt

Từ ngày 15/3, hàng loạt công ty thép thông báo tăng giá thép cuộn và thép cây các loại. Có thể kể đến: Công ty cổ phần Sản xuất thép Việt Đức tăng thêm 600.000 đồng/tấn thép, giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên... cũng tăng giá bán mỗi tấn thép thêm 600.000 đồng.

Tính từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép trong nước đã có 4 lần tăng liên tiếp ở mức 1,8 - 2,2 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, đưa giá thép tại một số doanh nghiệp vượt 19 triệu đồng/tấn.

Bên cạnh đó, hàng loạt công ty xi măng cũng thông báo tăng giá xi măng bao và rời từ ngày 20/3.

Công ty Cổ phần Vissai Ninh Bình thực hiện điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm xi măng bao và rời do Công ty sản xuất thêm 100.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT). Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Long tăng giá bán xi măng PCB40 các loại lên thêm 120.000 đồng một tấn. Riêng Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng Group tăng giá bán các loại xi măng bao và rời (cả đường thủy và đường bộ) mang thương hiệu Thành Thắng và Thịnh Thành lên đến 150.000 đồng một tấn.

Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) cũng tăng giá bán xi măng bao và xi măng bao jumbo thêm 100.000 đồng mỗi tấn. Mức điều chỉnh trên sẽ áp dụng từ ngày 23/3.

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, trong nửa cuối tháng 3 có đến 14 doanh nghiệp thông báo tăng giá sản phẩm. Mức tăng phổ biến là 100.000 đồng một tấn.

Chi phí xây nhà đội lên cao ngất

Giá xi măng, sắt thép tăng cao khiến nhiều người dân có nhu cầu xây nhà ở hoặc đang chuẩn bị xây nhà rơi vào thế khó. Anh Nguyễn Viết Hiệp (38 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Đầu năm nay tôi dự tính xây thêm dãy trọ 2 tầng, nhưng vì nguyên vật liệu đang lên giá cao quá nên chưa khởi công”.

Anh Hiệp cho biết, khoảng giữa năm 2020 gia đình anh cũng xây một công trình nhà ở, giá thép lúc bấy giờ chỉ khoảng 80.000 đồng/cây thép phi 10. Đồng thời chỉ phải thanh toán trước nửa tiền là đại lý sẽ cam kết không tăng giá bán cho đến hết công trình. Nhưng thời điểm hiện tại đã là 120.000 đồng/cây mà phải thanh toán hết mới được cam kết không tăng giá.

Cũng theo anh Hiệp, giá xi măng Hoàng Thạch trên thị trường thời điểm giữa năm 2020 là 88.000 đồng/tạ thì nay đã là 120.000 đồng/tạ.

Với việc các nguyên vật liệu này tăng giá, tùy thuộc vào công trình lớn hay nhỏ mà chi phí xây dựng có thể bị đội lên đến trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng nếu xây nhà to đẹp. Điển hình như trường hợp của gia đình ông Phạm Thịnh (Cầu Giấy, Hà Nội).

Ông cho biết, khoảng tháng 4 năm ngoái ông khởi công xây dựng căn nhà 6 tầng tại quận Cầu Giấy với chi phí dự toán ban đầu khoảng gần 4 tỷ đồng chi phí xây dựng thô. Hiện nay công trình vừa mới hoàn thành, nhưng vì giá xi măng, sắt thép liên tục tăng trong thời gian vừa qua nên chi phí thực bị đội lên thêm 1 tỷ đồng, thành gần 5 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng căn nhà 6 tầng mới hoàn thiện của gia đình ông Thịnh bị đội lên gần 1 tỷ đồng.

“May là còn xong sớm nên chi phí chỉ bị đội lên khoảng gần 30%, chứ nếu đến giờ vẫn chưa xong thì còn bị đội lên nữa”, ông Thịnh nói.

Tình trạng giá vật liệu tăng phi mã cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải "bỏ của chạy lấy người". Anh Hoàng Gia Khánh, trưởng phòng kinh doanh một công ty xây dựng lớn tại Hà Nội chia sẻ, giá xi măng, sắt thép ảnh hưởng trực tiếp đến hợp đồng xây dựng thi công của từng công trình bởi đây là những nguyên vật liệu chủ yếu để xây nên một công trình.

Đối với tất cả các đối tác, chúng tôi đều có hạng mục “đàm phán lại” trong hợp đồng bởi giá cả nguyên vật liệu thường không cố định. Tuy nhiên, việc đàm phán lại thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn bởi giá nguyên vật liệu tăng cao, đôi bên không đạt được thỏa thuận dẫn đến hủy hợp đồng”, anh Khánh cho biết.

Gần đây nhất, trong tháng 3 này công ty anh Khánh đã phải hủy 2 hợp đồng xây dựng, mỗi hợp đồng trị giá khoảng 1 tỷ đồng.

"Sau khi đã trúng thầu với mức giá ban đầu, trước khi khởi công xây dựng, chúng tôi sẽ đàm phán lại với đối tác về giá thành nguyên vật liệu. Tại thời điểm đàm phán lại, nếu như các nguyên liệu như thép, xi măng từ các nhà máy báo về tăng khoảng 5-6% chẳng hạn thì giá trị hợp đồng tương ứng cũng phải tăng lên 5-6%. Không đạt được thỏa thuận này nên chúng tôi buộc phải bỏ đi hai công trình, vì nếu không tăng giá trị hợp đồng thì làm chắc chắn là thua lỗ nên không thể nhận”, anh Khánh nói.

Link nội dung: https://biztoday.vn/sat-thep-xi-mang-phi-ma-nha-thau-xay-dung-bo-cua-chay-lay-nguoi-277031.html