Số tài sản bị tịch thu "không thấm vào đâu"
Cứ mỗi tuần kể từ khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra vào ngày 24/2, EU lại áp đặt một vòng trừng phạt mới với Nga, đưa gần 700 chính trị gia cấp cao, doanh nhân và tướng lĩnh quân đội của nước này vào danh sách đen.
Một du thuyền của tỷ phú Nga bị tịch thu tại Pháp. Ảnh: Reuters
Trong số đó có 42 nhà tài phiệt “sừng sỏ”, chẳng như chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea, ông Roman Abramovich và ông trùm ngân hàng Mikhail Fridman. Những cá nhân này bị đóng băng tài khoản ngân hàng hoặc tài sản. Nhưng theo các quan chức EU và dữ liệu của chính phủ nhiều nước EU, chỉ một phần nhỏ trong số tài sản kếch xù mà họ nắm giữ bị ảnh hưởng do có những ràng buộc pháp lý và châu Âu gặp nhiều khó khăn khi thực thi lệnh trừng phạt.
Đức, nền kinh tế lớn nhất của EU, đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về bất kỳ tài sản nào của các cá nhân hay tổ chức của Nga bị đóng băng cho đến nay. Tuần trước, nước này đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để thực thi các lệnh trừng phạt. Bộ Kinh tế Đức cho biết, họ dự kiến sẽ báo cáo tiến độ trong một đến hai tuần.
Áo và Ireland không cho biết hai nước này có đóng băng bất cứ tài sản nào của các nhà tài phiệt Nga hay không. Cộng hòa Síp và Malta – những nước mà thời gian gần đây đều cấp “hộ chiếu vàng” cho các cá nhân giàu có, trong đó có người Nga, cũng chưa có bất cứ thông báo gì. Một số quốc gia khác cho biết, họ mới chỉ đóng băng được một phần nhỏ trong số những tài sản bị áp lệnh trừng phạt.
Bộ Tài chính Hà Lan thông báo đã đóng băng số tiền khoảng 390 triệu euro (428 triệu USD) trong các giao dịch và tiền gửi ngân hàng. Theo ước tính của chính phủ Hà Lan, con số này chỉ chiếm khoảng 1% tài sản của các cá nhân bị trừng phạt có trong tài khoản ngân hàng, quỹ tín thác, các tổ chức tài chính khác ở Hà Lan và các trung tâm tài chính liên kết ở nước ngoài.
Italy được coi một trong những quốc gia tích cực thực thi lệnh trừng phạt nhất trong EU, đến thời điểm hiện tại đã thu giữ nhiều du thuyền và biệt thự với tổng giá trị khoảng 800 triệu euro. Tuy nhiên người đứng đầu lực lượng cảnh sát phụ trách mảng thuế Giuseppe Zafarana cho biết, con số đó chưa thấm vào đâu do phần lớn tài sản của các nhà tài phiệt được cho là cất giữ trong tài khoản ngân hàng của bên thứ 3 hoặc những quy tín thác không có chủ sở hữu rõ ràng.
Nhà chức trách Tây Ban Nha cho biết, nước này cũng không đóng băng bất kỳ tài khoản ngân hàng nào, nhưng đã tạm giữ ít nhất ba du thuyền sang trọng có liên quan đến các cá nhân trong danh sách đen.
Bỉ dường như là quốc gia EU thành công nhất cho đến nay. Bộ tài chính nước này thông báo họ đã đóng băng khoảng 2,7 tỷ euro tài khoản ngân hàng và 7,3 tỷ euro giao dịch tài chính, song không xác định được tài sản nào thuộc về các nhân vật trong danh sách đen cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Mỹ - quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Nga cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đóng băng tài sản do rào cản pháp lý. Các nhà tài phiệt Nga được cho là phân bố hầu hết tài sản của họ bên ngoài EU và Mỹ.
Lỗ hổng trong lệnh trừng phạt của EU
Ngay cả trước khi Nga tấn công Ukraine, EU đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với nhiều nhà tài phiệt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014. Tuy vậy, khối này đã vấp phải nhiều khó khăn trong việc thực thi các lệnh trừng phạt vì điều đó phụ thuộc vào các quốc gia thành viên – vốn thiếu công cụ pháp lý hoặc đội ngũ nhân sự, một quan chức cấp cao của EU cho biết.
David Savage, một chuyên gia nghiên cứu lệnh trừng phạt tại công ty luật Stewarts, cho biết: "Việc thực thi lệnh trừng phạt trên toàn EU không nhất quán. Những gì được đồng ý thực hiện ở cấp EU không nhất thiết được yêu cầu thực hiện ở cấp quốc gia”.
Để giải quyết vấn đề đó, Ủy ban châu Âu đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm "đóng băng và thu giữ" trong tháng 3 này nhằm thực thi các biện pháp trừng phạt đối với các nhà tài phiệt. Tuy nhiên, cho đến nay, lực lượng này vẫn chưa xác định được bất kỳ tài sản nào cần phải được phong tỏa khẩn cấp vì số tài sản đó có thể được bán hoặc chuyển khỏi EU, một quan chức cấp cao của EU tiết lộ.
Tỷ phú Nga Roman Abramovich. (Ảnh: AP)
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết, các nước thành viên EU có nghĩa vụ báo cáo việc thực thi lệnh trừng phạt, song không nêu rõ liệu những biện pháp này có được thực hiện hay không và cũng không cung cấp số liệu cụ thể về tài sản đã bị đóng băng cho đến nay.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất thành lập "Kho lưu trữ trao đổi thông tin trừng phạt" vào cuối năm 2021 để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này. Nhưng theo người phát ngôn của EC, kho lưu trữ này vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Ngay cả khi có ý chí chính trị để hành động, châu Âu cũng không dễ dàng tịch thu được tài sản của các nhà tài phiệt Nga. Sau 4 vòng trừng phạt, EU vẫn đang nỗ lực bịt những lỗ hổng” mà những cá nhân bị trừng phạt có thể lợi dụng để giấu tiền thông qua bên thứ 3, quỹ tín thác hoặc giao dịch tiền ảo.
Và ngay cả khi tất cả các nước thành viên thực thi lệnh cấm này, những biện pháp trừng phạt của EU thường không đi xa hơn việc đóng băng tài khoản. Ở hầu hết các quốc gia, điều đó đồng nghĩa với việc tài sản không thể được bán, nhưng vẫn có thể được sử dụng. Về mặt lý thuyết, một nhà tài phiệt có thể sống trong một biệt thự “bị đóng băng”.
Bất chấp sự ra đời của lực lượng “đóng băng và thu giữ” tài sản việc tịch thu hoặc quốc hữu hóa một tài sản, thậm chí là thu lợi từ việc bán nó không phải là điều dễ dàng. Ủy ban châu Âu cho biết: “Ở hầu hết các quốc gia thành viên, việc đó là không thể và cần phải kết án hình sự mới được tịch thu tài sản”./.
Link nội dung: https://biztoday.vn/don-trung-phat-cua-chau-au-co-khien-gioi-tai-phiet-nga-dieu-dung-279894.html