Cụ thể, cung cấp thông tin tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3 của Bộ Công Thương vào chiều 30/3, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ ban hành một số quy định nhằm khuyến khích để phát triển năng lượng tái tạo trong đó có điện gió, điện mặt trời.
Theo báo Tổ quốc, đối với điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020. Ngày 17/7/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT hướng dẫn việc thực hiện triển khai các dự án điện mặt trời trên toàn quốc.
Sau khi có chính sách hướng dẫn thì các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển rất nhiều các dự án điện mặt trời. Cuối năm 2020 số lượng rất lớn điện mặt trời đã được đưa vào lưới điện, trong đó có 2 loại, một loại điện mặt trời trên mặt đất khoảng 9.000 MW và điện mặt trời trên mái nhà khoảng 8.000MW.
Chủ trương về phát triển điện mặt trời nhằm tăng cường khả năng phát triển năng lượng tái tạo góp phần làm giảm tác hại của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Hiện nay điện mặt trời đang tập trung tại một số địa phương có địa hình phù hợp, nhiều tiềm năng về cường độ ánh sáng như các tỉnh nam miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ.
Liên quan đến những sai phạm trong việc phát triển các dự án điện mặt trời thời gian qua, báo Tiền phong đưa tin, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, vừa qua nhiều nhà đầu tư tham gia lĩnh vực điện mặt trời, cả mặt đất lẫn mái nhà. Do phát triển trong thời gian ngắn nhưng đã có sự phát triển "nóng" nên nảy sinh một số vướng mắc, xuất hiện quá tải cục bộ ở một số địa phương.
Về trách nhiệm của Bộ Công Thương, ông Hùng cho biết dẫn Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và Thông tư 18 của Bộ Công Thương hướng dẫn triển khai điện mặt trời mái nhà, nêu rõ những dự án này có công suất dưới 1 MW, đấu nối vào lưới điện phân phối dưới 35kV và các tấm pin phải lắp trên mái các công trình xây dựng.
Về thỏa thuận đấu nối, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ căn cứ vào các quy định để thỏa thuận, đấu nối với các chủ đầu tư, để được đấu nối vào lưới điện. Tuy nhiên, theo quy định thì những dự án dưới 1 MW thì Bộ Công Thương không có thỏa thuận về quy hoạch, cũng như không cần phải cấp giấy phép hoạt động điện lực.
“Theo Quyết định 13, Bộ Công Thương có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để triển khai, thực hiện các dự án cũng như kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh khắc phục những sai phạm.Tuy nhiên, thời gian thực hiện rất ngắn nên bộ chưa có điều kiện để kiểm tra đồng bộ và có những chấn chỉnh kịp thời, cũng như chưa sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm khi xây dựng chính sách làm thế nào, đảm bảo cho đúng quy hoạch để quản lý, kiểm soát trong các dự án việc vượt công suất”, ông Hùng cho biết.
Tuấn Minh (tổng hợp)
Link nội dung: https://biztoday.vn/hang-loat-sai-pham-trong-cac-du-an-dien-mat-troi-bo-cong-thuong-noi-gi-283282.html