Giữa bối cảnh phức tạp do tình hình tại Ukraine, nước Nga dường như đang tìm đến 'lục địa đen' để tránh các đòn trừng phạt từ Mỹ và EU.
Trong khi Mỹ và châu Âu vẫn tìm cách tăng cường các lệnh trừng phạt đối với nước Nga, Moscow cũng nỗ lực để đa dạng hóa các thị trường xuất - nhập khẩu và hướng đến châu Phi, sau hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi đầu tiên được tổ chức tại Sochi năm 2019 dưới sự đồng chủ trì của Tổng thống Putin và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi với một loạt cam kết được đưa ra trong tuyên bố chung nhưng không được chú ý thêm như mong đợi.
Theo Vladimir Padalko, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, nước này đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới các cơ quan đại diện thương mại (thương vụ) tại châu Phi.
Ông Vladimir Padalko cho biết, cuộc họp của cơ quan này hôm 4/3 đã thảo luận cách thức để tăng xuất nhập khẩu và các biện pháp hỗ trợ khả thi cho các doanh nghiệp và tổ chức Nga để thâm nhập thị trường châu Phi. Đây cũng là nội dung nằm trong chương trình nghị sự của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga vài năm nay.
“Trong cuộc họp, các đại biểu đã đề xuất mở rộng mạng lưới cơ quan đại diện thương mại tại các nước châu Phi. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Phát triển Kinh tế triển khai việc này”, ông Padalko nói.
Châu Phi – thị trường đầy hứa hẹn
Theo các báo cáo chính thức, người Nga thường cho rằng châu Phi là một thị trường đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, Moscow chỉ có 4 cơ quan đại diện thương mại ở châu Phi - cụ thể là ở Maroc, Algeria, Ai Cập và Nam Phi.
Các nghiên cứu và thông tin từ một số cuộc phỏng vấn cũng chỉ ra rằng, các chuyên gia Nga ủng hộ việc tăng cường quan hệ kinh tế với châu Phi, và cho rằng các sản phẩm phổ biến như trái cây, chè, cà phê đến từ các nước EU có thể được thay thế bằng các sản phẩm tương tự từ các nước châu Phi.
Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh của Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga Alexander Dianov, nhận xét: "Hiện có 4 thương vụ ở châu Phi và chỉ có văn phòng ở Nam Phi hoạt động hiệu quả. Rõ ràng cần phải làm gì đó để hỗ trợ các doanh nghiệp Nga. Nếu có yêu cầu nghiêm túc từ cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi sẵn sàng mở rộng hiện diện về mặt địa lý của mình”.
Thượng nghị sĩ Igor Morozov, Trưởng ban Điều phối Hợp tác Kinh tế với châu Phi (AfroCom), thì chia sẻ quan điểm trên: “Không thể phát triển nền kinh tế quốc gia mà không phát triển các thị trường mới. Chỉ có hơn 20 công ty đang thực hiện các dự án nguyên liệu thô ở nhiều khu vực khác nhau tại châu Phi, với hình thức chuyển giao truyền thống thông qua hợp tác quân sự-kỹ thuật, xuất khẩu ngũ cốc, phân hóa học, dầu thành phẩm, với tổng kim ngạch 17 tỷ USD (số liệu năm 2020)! ”
Ông Morozov cho rằng, trong bối cảnh những thay đổi về địa chính trị cùng áp lực từ các lệnh trừng phạt, có thêm các đối tác và đồng minh mới là điều quan trọng đối với Nga. “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nga cần phải có sự tham gia vào thị trường Châu Phi với quy mô lớn. [Chính phủ] cần phải xem xét lại quy mô xuất khẩu của nền kinh tế vùng: ngành vận tải, máy móc và thiết bị nông nghiệp, cơ khí chế tạo và thiết bị định vị, lĩnh vực khai khoáng, xử lý nước và công nghệ thông tin”, ông nói.
“Rõ ràng là đã hơn ba mươi năm Nga rời khỏi châu Phi, những công ty nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Liên minh châu Âu đã tăng cường cơ hội đầu tư đáng kể”.
Thượng nghị sĩ thẳng thắn thừa nhận, châu Phi là một trong những khu vực hứa hẹn và phát triển nhanh nhất trên thế giới, với các cường quốc hàng đầu đang tích cực cạnh tranh với nhau. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Liên minh châu Âu đang tăng cường kim ngạch thương mại với các nước châu Phi, lên tới hơn 300 tỷ USD mỗi năm. Ví dụ, Mỹ, đang thực hiện Chương trình châu Phi Thịnh vượng, tiếp tục thúc đẩy các khoản đầu tư và sản phẩm công nghệ cao sang các thị trường ưu tiên.
Những hạn chế
Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, [chính phủ] cũng cần tạo điều kiện tăng tính cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, Trung tâm Xuất khẩu Nga (REC) cũng không có quỹ đầu tư trực tiếp để tài trợ cho các dự án ở châu Phi.
Polina Slyusarchuk, Trưởng phòng Intexpertise (Nhóm tư vấn tập trung vào châu Phi có trụ sở tại St.Petersburg), đặt câu hỏi liệu Nga có chiến lược dài hạn ở đó hay không.
“Nga đang muốn hiểu sâu hơn về môi trường kinh doanh và khám phá các cơ hội hợp tác và thương mại ở châu Phi. Nhưng vào thời điểm quan trọng này, người Nga phải quyết định cung cấp những gì mà các đối tác nước ngoài chưa thể đáp ứng tại thị trường châu Phi, để đổi lấy hàng tiêu dùng nhập khẩu cần thiết”, bà nhấn mạnh.
Hiện tại, quan hệ giữa các nước ở khu vực với Nga tương đối tốt, ngay cả đối với những nước từng là đồng minh của Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh (trường hợp của Ai Cập và Morocco). Trên thực tế, Nga đã là một trong mười nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất cho châu Phi.
Trong vài năm trở lại đây, các công ty Nga đã tích cực tăng cường nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Nam Phi, Kenya, Morocco và một số nước khác đã cung cấp trái cây cho thị trường Nga, dù được mô tả là kém chất lượng.
Các thành viên của các cơ quan đại diện ngoại giao của Nga tại châu Phi đã thông tin về các tiềm năng chưa được khai thác, việc châu Phi quan tâm thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ sở nông nghiệp, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác, đồng thời kêu gọi sự hợp tác rộng rãi hơn giữa giới kinh doanh châu Phi và các doanh nghiệp Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và các lãnh đạo Châu Phi trong cuộc họp thượng đỉnh tại Sochi năm 2019. (Ảnh: Press UZ)
Tuy nhiên, trong cuộc họp đầu tháng 3, các đại biểu đã đề cập đến thuế nhập khẩu cao, thủ tục chứng nhận phức tạp, giá thành sản phẩm cao, logistics đắt đỏ, các vấn đề an ninh và bảo hành, và khoảng trống thông tin như là những rào cản đối với hợp tác kinh tế và thương mại giữa Nga và châu Phi.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp Nga và châu Phi còn thiếu nhận thức về tình trạng thị trường hiện tại, cùng với các cơ hội thương mại và đầu tư. Các bên không có đủ mức độ tin cậy đối với các đối tác tiềm năng. Những vấn đề này phải được giải quyết nhanh chóng thông qua việc thiết lập một hệ thống liên lạc hiệu quả.
Trong khi đó, theo sắc lệnh về các biện pháp kinh tế đối ngoại đặc biệt, nhằm đảm bảo an ninh của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh hạn chế hoặc cấm nhập khẩu và xuất khẩu một số sản phẩm và nguyên liệu thô cho đến ngày 31/12/2022.
Tài liệu cung cấp danh sách hàng hóa bị hạn chế xuất nhập khẩu và nhập khẩu, được cho là cần thiết để đảm bảo an ninh và hoạt động nông nghiệp và công nghiệp của Moscow không bị gián đoạn.
Nhất quán phát triển quan hệ hơn nữa
Ngày 9/3, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Senegal, đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi, Tổng thống Macky Sall đã có cuộc điện đàm về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Donbass và sự phát triển của mối quan hệ giữa Moscow và châu Phi.
“Theo yêu cầu của Tổng thống Sall, Tổng thống Vladimir Putin đã thông báo về các khía cạnh chính của hoạt động quân sự đặc biệt nhằm bảo vệ các nước cộng hòa miền Đông, chú trọng đến yếu tố nhân đạo.
Đặc biệt, ông Putin nhấn mạnh rằng các lực lượng Nga sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để sơ tán an toàn các công dân nước ngoài”, văn phòng báo chí Điện Kremlin đã ra tuyên bố sau cuộc trao đổi.
Điện Kremlin cho biết thêm, các nhà lãnh đạo đã khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện nhất quán các thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Sochi năm 2019 và việc phát triển hơn nữa các mối quan hệ kinh tế giữa hai bên.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần hai đang được triển khai tích cực và hiện chưa xác định được thời điểm tổ chức, nhưng dự kiến hội nghị sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tranh-bao-trung-phat-nuoc-nga-huong-den-chau-phi-284732.html