Tóm tắt lại vụ việc tại Hội nghị "Giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước quý 1/2022" do Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Công sứ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia, cho biết 5 doanh nghiệp Italia ký kết hợp đồng mua 100 container hạt điều tương đương 20 triệu USD với 6 doanh nghiệp hạt điều Việt Nam thông qua một công ty môi giới - chủ là Việt kiều ở Mỹ.
74 container đã được giao sang Italia. Trong số 74 container có 35 container hạt điều chúng ta mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc, 39 container còn lại có bộ chứng từ gốc là cơ sở xem xét nếu container chưa tới cảng Italia thì có thể chở ngược lại Việt Nam, còn nếu đã tới Italia chúng ta có thể xử lý được.
Còn 35 container bị mất quyền kiểm soát ở tất cả các cơ quan: ở cảng, hải quan, cảnh sát kinh tế, luật sư, các cơ quan hữu quan… Do đó, Thương vụ đã làm việc với các bên nên đã giữ lại tất cả những container này và không giao cho bên nào.
Thông tin tiếp, ông Thanh cho biết tới thời điểm này nhóm lừa đảo không thể lấy được 1 container hạt điều nào của Việt Nam, đồng nghĩa với doanh nghiệp Việt Nam không mất một container hạt điều nào.
Ngoài ra, trong 74 container hạt điều này đến bây giờ chúng ta đã bán lại được cho các công ty ở Hà Lan, Đức, Italia khoảng 20 container gồm cả container có giấy tờ và chưa có giấy tờ.
“Thương vụ giải quyết bằng việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ đặt cọc 110-150% tuỳ theo hãng tàu hoặc có bảo lãnh của ngân hàng trong thời hạn 2-6 năm họ sẽ cho ta đổi giấy tờ, chứng từ để xuất khẩu đi”, ông Thanh chia sẻ.
Trong vòng hai ngày qua, Thương vụ Việt Nam tại Italia đã đi hơn 2.000 km để điều tra các doanh nghiệp nhập khẩu từ phía Bắc tới phía Nam Italia.
Kiểm tra 5 doanh nghiệp Italia đã ký hợp đồng mua điều với doanh nghiệp Việt Nam đều cho thấy đây là những doanh nghiệp rất nhỏ, có đăng ký doanh nghiệp, có mã số thuế nhưng không thể tìm được những lãnh đạo doanh nghiệp này.
Điển hình, Thương vụ đến một khu làng tìm doanh nghiệp, thì chủ doanh nghiệp là người con nhưng hầu như mấy năm nay không về đó. Còn người có vẻ là bố thì không nhận là bố, từ chối trả lời, mọi thứ đều không biết.
Hay Thương vụ cũng tới thành phố cảng – nơi có địa chỉ doanh nghiệp nhưng khi tìm hiểu thì công ty đó 10 năm nay không hoạt động hoặc thuê luật sư doạ dẫm hoặc lảng tránh…
Ông Thanh một lần nữa khẳng định, chúng ta chưa mất một hạt điều nào nhưng thiệt hại chắc chắn là có như chi phí vận chuyển, lưu kho lưu bãi…
Bài học từ vụ này, ông Thanh cho rằng không phải do doanh nghiệp xuất khẩu điều hay Hiệp hội điều yếu kém quá mà do thật thà quá, có lòng tin quá. Theo ông Thanh, trong giao dịch cần có chút nghi ngờ và cần xác minh các nghi ngờ này để giải toả, khi đó mới tin tưởng để làm ăn.
Trong vụ việc này chúng ta quá tin vào công ty môi giới. Công ty môi giới đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu được vài lô hàng nên doanh nghiệp xuất khẩu đã có lòng tin, vì thế 6 doanh nghiệp đều ký qua môi giới mà không biết người nhận hàng là ai, không có liên lạc trực tiếp.
Ông Thanh nhận định, môi giới rất cần thiết trong giao thương quốc tế nhưng dù tin đến đâu cũng cần kiểm soát, điều tra môi giới. Nếu ký hợp đồng với môi giới có thể trích phần trăm hoa hồng theo tỷ lệ nào đó nhưng phải cho địa chỉ giao dịch của người mua (địa chỉ công ty, số điện thoại, email…), biết mặt và nói chuyện trực tiếp.
Ngoài ra, DP là phương thức thanh toán quốc tế song vấn đề là áp dụng cho khách hàng nào, thực hiện thế nào và đặc biệt phải đặt cọc tối thiểu nếu hợp đồng lớn phải đặt 10-30%, phần còn lại thanh toán theo DP, LC. Vì khi có đặt cọc doanh nghiệp phải có mã số, có tài khoản, có người đại diện… Và khi đặt cọc doanh nghiệp Việt Nam mới tiến hành sản xuất, thu gom…
Bên cạnh đó, “doanh nghiệp cần nhờ các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Thương vụ nước ngoài tại Việt Nam, đại diện tại nước sở tại, Việt Kiều, qua công ty tư vấn để kiểm tra, xác minh. Nếu để sự việc xảy ra rồi mới nhờ Thương vụ khi đó có thể lấy lại được hoặc mất trắng”, ông Thanh khuyến cáo.
Nếu hợp đồng lớn, theo ông Thanh doanh nghiệp cần cử người sang để gặp người mua đàm phán, trao đổi…
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần có những hội thảo nghiệp vụ sâu hơn, liên tục tới doanh nghiệp về những vấn đề tương tự bởi hiện nay doanh nghiệp vẫn còn lơ là về vấn đề này.. Nước nào cũng đầy những doanh nghiệp lừa đảo nên cần thận trọng hơn với tất cả các doanh nghiệp, bạn hàng và đối tác...
"Nếu doanh nghiệp nhỏ không đủ điều kiện thuê tư vấn thì có thể 3-4 doanh nghiệp tập hợp lại thuê chung một tư vấn trong quá trình kết nối, đàm phán, giao dịch và thực hiện hợp đồng", ông Thanh gợi ý.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại cũng đồng tình, đối với hoạt động ngoại thương, lừa đảo là một phần tất yếu. Do đó các doanh nghiệp xuất khẩu nếu thấy những thương vụ mua bán của mình chưa chắc chắn cần liên hệ trực tiếp với các thương vụ tại nước sở tại để thẩm tra, thẩm định thông tin để giảm thiểu rủi ro nhất có thể.
Trong rất nhiều trường hợp khi xảy ra rủi ro doanh nghiệp mới gọi tới Thương vụ để nhờ trợ giúp, khi đó đã muộn, vì vậy theo ông Phú, chúng ta cần “phòng còn hơn chống”, tránh vụ việc đi quá xa.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vu-lua-dao-100-container-hat-dieu-tai-italia-doanh-nghiep-viet-nam-that-tha-qua-286425.html