Chỉ số S&P 500 và Nasdaq khép lại ba tuần tăng giá liên tiếp

Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong phiên giao dịch 8/4, khi giới đầu tư tiếp tục bị tác động bởi kế hoạch nâng lãi suất và cắt giảm bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giao dịch viên tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ ngày 12/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 137,55 điểm, hay 0,4%, lên 34.721,12 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 11,93 điểm, hay 0,3%, xuống 4.488,28 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 186,30 điểm, hay 1,3%, và đóng phiên ở mức 13.711 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,3%, chỉ số S&P 500 giảm 1,3%, trong khi chỉ số Nasdaq lùi 3,9%. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã khép lại ba tuần tăng giá liên tiếp, trong khi chỉ số Dow Jones giảm tuần thứ hai liên tiếp, theo số liệu của Dow Jones Market Data.

Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán Phố Wall tăng điểm với cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn dẫn đầu đợt tăng giá mạnh trên thị trường, giữa bối cảnh các quan chức Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga do liên quan đến cuộc khủng khoảng ở Ukraine.

Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ liên tục giảm điểm trong hai phiên sau đó, sau khi những phát biểu mới nhất của Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Lael Brainard và biên bản cuộc họp của Fed đã củng cố đồn đoán về khả năng ngân hàng trung ương này sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Nhưng sau hai phiên giảm điểm này, thị trường chứng khoán Mỹ đã lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch 7/4, nhờ hoạt động mua vào của giới đầu tư.

Tại một hội nghị hôm 5/4, bà Brainard cho biết bà hy vọng việc tăng lãi suất có định hướng và cắt giảm nhanh chóng bảng cân đối kế toán của Fed sẽ đưa chính sách tiền tệ của Mỹ về "vị trí trung lập hơn" vào cuối năm nay, với việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa nếu cần.

Kristina Hooper, chiến lược gia trưởng về thị trường toàn cầu tại công ty quản lý đầu tư Invesco (Mỹ), cho biết bình luận của bà Brainard cho thấy “Fed có xu hướng quyết liệt hơn trong chính sách tiền tệ vào thời gian tới. Điều đó chắc chắn có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán vì lo ngại rằng điều này làm tăng khả năng suy thoái kinh tế”.

Bên cạnh đó, theo biên bản cuộc họp tháng Ba của Fed, một số quan chức của ngân hàng này đã ủng hộ việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong thời gian tới để chống lạm phát. Các quan chức cũng thảo luận về việc giảm lượng nắm giữ trái phiếu của Fed 95 triệu USD mỗi tháng vào cuộc họp từ ngày 3-4/5 sắp tới.

Những thông tin từ biên bản cuộc họp càng đầu sâu mối lo ngại những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Fed có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) mới đây cảnh báo "cuộc chiến" chống lạm phát của Fed sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái nhẹ tại Mỹ vào cuối năm tới.

Matthew Luzzetti, nhà kinh tế của Deutsche Bank lưu ý Fed khó có thể đạt mục tiêu giúp nền kinh tế "hạ cánh mềm", thay vào đó, chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Trong một phát biểu, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận rằng đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” không phải là nhiệm vụ dễ dàng trong bối cảnh hiện tại.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng tập trung vào những diễn biến trong cuộc khủng hoảng Ukraine, vốn là nhân tố chính đẩy giá hàng hóa tăng cao và có thể làm xấu đi bức tranh lạm phát vốn đã đáng lo ngại.

Giới phân tích cho rằng với số liệu về chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba sẽ được công bố vào tuần tới, các cuộc thảo luận về chính sách của Fed sẽ tiếp tục chi phối tâm lý trên thị trường./.

Link nội dung: https://biztoday.vn/chi-so-sandp-500-va-nasdaq-khep-lai-ba-tuan-tang-gia-lien-tiep-287654.html