Dù chưa hoàn thiện các quy định về pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng nhưng Sân golf Hòa Bình – Geleximco vẫn “vô tư” mở cửa kinh doanh. |
Như đã thông tin tại bài viết trước, ngày 14/5/2013, UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định số 571/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án Sân golf Hòa Bình - Geleximco (sau dự án đổi tên khác, lấy tên thương mại là Sân golf Hill Top Valley Hòa Bình). Ngày 14/9/2016, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho dự án Sân golf Hòa Bình – Geleximco. Dự án được UBND tỉnh Hòa Bình giao cho Công ty CP xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn Geleximco) là Chủ đầu tư.
Mặc dù, dự án chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai như: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, nộp tiền sử dụng đất, nhưng dự án vẫn được triển khai và đi vào hoạt động. Đặc biệt, ngày 21/8/2020, Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận Thanh tra số 1452/KL-TTCP trong đó có nội dung: UBND tỉnh Hòa Bình phê quyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án sân golf trên diện tích 140,13ha đất trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình là trái với Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Với tổng diện tích của dự án sân golf là 199,14 ha, những trong đó có 140,13 ha nằm trong đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình. Việc chồng chéo và sử dụng đất lâm nghiệp như đã nêu ở trên đã được Thanh tra Chính phủ phát hiện, nêu trong Kết luận Thanh tra. Sau đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh diện tích của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình. Không rõ Thủ tướng Chính phủ có ý kiến gì về vấn đề này chưa?, nhưng việc UBND tỉnh Hòa Bình “mạnh dạn” cho chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng sân golf đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Được biết, ngày 18/9/2014 UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 1327/QĐ-UBND về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất và phương án trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; cụ thể là dự án xây dựng Sân golf Hòa Bình – Geleximco. Trong quyết định này, UBND tỉnh đã giao cho chủ đầu tư sân golf trồng rừng thay thế 159,95 ha, với các loại cây trồng rừng được quy định; việc hoàn thành trồng rừng trong 3 năm kể từ khi dự án sân golf được cấp thẩm quyền phê duyệt. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Chủ đầu tư đã trồng rừng bổ sung được bao nhiêu ha trong thời gian qua, trồng ở đâu và đã trồng đúng theo quyết định phê duyệt chưa?, trong khi dự án sân golf đã đưa vào sử dụng một phần. Chúng tôi cho rằng, UBND tỉnh Hòa Bình có trách nhiệm kiểm tra việc trồng rừng nêu trên và trả lời trước công luận.
Một vấn đề khác, dư luận cho rằng, dự án này đã vi phạm nghiêm trọng về pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư, xây dựng; cụ thể: Diện tích đất sử dụng cho sân golf chưa được cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất và thuê đất; đặc biệt là nghĩa vụ tài chính về đất đai, theo như ý kiến của bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Giá và công sản (Sở Tài chính Hòa Bình) xác nhận, dự án này chưa hoàn thiện hồ sơ để tính xác định nghĩa vụ tài chính (điều này có nghĩa là tỉnh chưa thu tiền sử dụng đất từ dự án này mặc dù đã đi vào hoạt động một phần từ cuối năm 2019 – PV).
Và chắc dự án này cũng chưa được cấp có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng? Trong báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình gửi Thủ tướng Chính phủ, có đoạn cho rằng, đây là diện tích đất đồi núi cằn cỗi, hiệu quả kinh doanh thấp; việc chuyển đổi diện tích đất này sang làm sân golf sẽ tạo thêm nguồn thu nhập cho ngân sách của tỉnh Hòa Bình. Vậy, nguồn thu nhập này là gì?
Được biết, ngày 15/10/2020, UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định số 2480/QĐ-UBND về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Chủ đầu tư dự án. Số tiền 350 triệu đồng vì “tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng trồng sang đất phi nông nghiệp với diện tích 44,129ha tại phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình”.
Qua nghiên cứu Quyết định xử phạt số 2480/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hòa Bình cho thấy, UBND tỉnh đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả là yêu cầu công ty thực hiện ngay việc hoàn thiện các thủ tục về đất đai để ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính (Thời gian trả tiền thuê đất tính từ ngày đưa công trình vào sử dụng từ ngày 5/8/2019). Không rõ, việc thực hiện theo quyết định trên của chủ đầu tư đến đâu, nhưng từ đó UBND tỉnh Hòa Bình vẫn “làm ngơ” để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện, kinh doanh tại dự án.
Với một dự án có nhiều sai phạm về pháp luật đất đai, đầu tư, xây dựng như đã nêu mà chủ đầu tư vẫn ngang nhiên tiến hành các hoạt động xây dựng và hiện tại dự án sân golf vẫn mở cửa và đi vào hoạt động, nhưng không có biện pháp ngăn chặn của UBND tỉnh. Dư luận cho rằng, liệu đây có phải là sự quản lý yếu kém, buông lỏng quản lý về đất đai, đầu tư, xây dựng của các cấp chính quyền tỉnh Hòa Bình, hay còn một lý do nào khác? Có hay không việc chống lưng và lợi ích nhóm trong dự án này?
Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang quyết liệt chỉ đạo những sai phạm gây ra tham nhũng, lãng phí trong quản lý đất đai, xây dựng trên cả nước, thì vụ việc này, cũng cần phải điều tra, làm rõ.
Link nội dung: https://biztoday.vn/dau-la-nhung-sai-pham-tai-du-an-san-golf-hoa-binh-geleximco-292034.html