Mới đây Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận số 238/TB-TTCP về việc kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng Công ty Chè Việt Nam.
Một trong những sai phạm về quản lý đất đai là việc UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án sân golf Hòa Bình trên diện tích 140,13 ha đất trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc phê duyệt quy hoạch này là chưa đúng với Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Được biết Dự án đầu tư xây dựng sân golf Hòa Bình - Geleximco do Công ty CP xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (hiện là Tập đoàn Geleximco) làm chủ đầu tư. Tổ hợp dự án của Geleximco được UBND tỉnh cấp Giấy CNĐT tháng 12/2014, với diện tích được phê duyệt 393 ha tại địa bàn xã Dân Hạ và xã Trung Minh, Thành phố Hòa Bình.
Trong đó, 263,9 ha đất quy hoạch sân golf; 59,99 ha quy hoạch nhà ở và đô thị sinh thái; 68,99 ha đất dự trữ phát triển trồng rừng và đất khác. Dự án thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức doanh nghiệp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân và Nhà nước thu hồi đối với đất do tổ chức quản lý sử dụng.
Dự án sân golf Hòa Bình – Geleximco có mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, hạng mục trung tâm là sân golf 36 hố với các tiêu chuẩn quốc tế cùng các nhà câu lạc bộ golf và các công trình phụ trợ kỹ thuật sân golf, các khu vui chơi, giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp mục tiêu là điểm đến hấp dẫn của các golfer trong nước và quốc tế.
Tháng 9/2019 sân golf được khai trương với tên gọi Hilltop Valley Golf Club. Theo đại diện Geleximco, đây là một trong những dự án quy mô và trọng điểm của tập đoàn này.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ thể hiện, hiện cơ quan này đang yêu cầu tỉnh Hòa Bình báo cáo Thủ tướng cho ý kiến về việc xây dựng sân golf Hòa Bình - Geleximco trên đất rừng. Tại thời điểm thanh tra, tỉnh Hòa Bình đã thu hồi hơn 61ha trong tổng số hơn 140ha đất trồng rừng để giao cho nhà đầu tư xây dựng sân golf.
Bên cạnh việc chuyển hàng trăm hecta đất trồng rừng thành sân golf Hòa Bình Geleximco sai quy hoạch tỉnh Hòa Bình còn phê duyệt cho xây Viện dưỡng lão và công viên tâm linh Vĩnh Hằng trên hơn 66ha đất được Thủ tướng giao cho Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình sử dụng sau cổ phần hóa. Dự án này cũng không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Một vấn đề khác, dư luận cho rằng, dự án này đã vi phạm nghiêm trọng về pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư, xây dựng; cụ thể: Diện tích đất sử dụng cho sân golf chưa được cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất và thuê đất; đặc biệt là nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Và chắc dự án này cũng chưa được cấp có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng? Trong báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình gửi Thủ tướng Chính phủ, có đoạn cho rằng, đây là diện tích đất đồi núi cằn cỗi, hiệu quả kinh doanh thấp; việc chuyển đổi diện tích đất này sang làm sân golf sẽ tạo thêm nguồn thu nhập cho ngân sách của tỉnh Hòa Bình. Vậy, nguồn thu nhập này là gì?
Được biết, ngày 15/10/2020, UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định số 2480/QĐ-UBND về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Chủ đầu tư dự án. Số tiền 350 triệu đồng vì “Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng trồng sang đất phi nông nghiệp với diện tích 44,129ha tại phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình”.
Qua nghiên cứu Quyết định xử phạt số 2480/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hòa Bình cho thấy, UBND tỉnh đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả là yêu cầu công ty thực hiện ngay việc hoàn thiện các thủ tục về đất đai để ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính (Thời gian trả tiền thuê đất tính từ ngày đưa công trình vào sử dụng từ ngày 5/8/2019). Không rõ, việc thực hiện theo quyết định trên của chủ đầu tư đến đâu, nhưng từ đó UBND tỉnh Hòa Bình vẫn “làm ngơ” để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện, kinh doanh tại dự án.
Với một dự án có nhiều sai phạm về pháp luật đất đai, đầu tư, xây dựng như đã nêu mà chủ đầu tư vẫn ngang nhiên tiến hành các hoạt động xây dựng và hiện tại dự án sân golf vẫn mở cửa và đi vào hoạt động, nhưng không có biện pháp ngăn chặn của UBND tỉnh. Dư luận cho rằng, liệu đây có phải là sự quản lý yếu kém, buông lỏng quản lý về đất đai, đầu tư, xây dựng của các cấp chính quyền tỉnh Hòa Bình, hay còn một lý do nào khác? Có hay không việc chống lưng và lợi ích nhóm trong dự án này.
Link nội dung: https://biztoday.vn/danh-trong-bo-dui-voi-du-an-san-golf-hoa-binh-geleximco-292035.html