Biểu tình ở thủ đô Colombo của Sri Lanka hôm 17/4 - Ảnh: Getty/CNBC.
Người dân nước này đang đối mặt với một loạt khó khăn, từ mất điện liên miên cho tới khan hiếm hàng hóa thiết yếu như xăng dầu và thuốc men.
Theo hãng tin CNBC, Chính phủ của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn vì bị cho là sai lầm trong quản lý kinh tế. Nước này cũng đã dừng việc thanh toán các khoản nợ quốc tế, trong một nỗ lực nhằm bảo toàn dự trữ ngoại hối ít ỏi còn sót lại.
Giới quan sát quốc tế cho rằng sai lầm trong quản lý kinh tế của các chính phủ nối tiếp nhau đã làm suy yếu nền tài chính công của Sri Lanka. Chi tiêu công vượt quá thu ngân sách, sản lượng hàng hóa và dịch vụ không đạt tới mức đủ. Tất cả đều góp phần dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi ông Rajapaksa lên cầm quyền vào năm 2019 - chỉ vài tháng trước khi Covid-19 trở thành đại dịch - và mạnh tay cắt giảm thuế. Đại dịch đã “đè bẹp” nhiều phần của nền kinh tế Sri Lanka, đặc biệt là ngành du lịch, một đầu tàu kinh tế của nước này. Tỷ giá hối đoái nhiều biến động cũng làm suy giảm dòng kiều hối mà lao động Sri Lanka làm việc ở nước ngoài gửi về nước.
Lo ngại về tình hình quốc khố của Sri Lanka cũng như khả năng trả nợ nước ngoài của nước này, các tổ chức đánh giá tín nhiệm đã giảm điểm tín nhiệm của nước này từ năm 2020 trở đi, và rốt cục đã khiến Sri Lanka mất khả năng huy động vốn từ thị trường tài chính quốc tế.
Để giữ vững nền kinh tế, Chính phủ Sri Lanka phải rút dần dự trữ ngoại hối, khiến dự trữ này “bốc hơi” hơn 70% chỉ trong vòng 2 năm.
Đến tháng 3 năm nay, dự trữ ngoại hối của Sri Lankia chỉ còn vỏn vẹn 1,93 tỷ USD, thậm chí không đủ để trang trải 1 tháng nhập khẩu, dẫn tới sự khan hiếm trên diện rộng tất cả mọi mặt hàng thiết yếu từ xăng dầu tới thực phẩm.
Một báo cáo của JPMorgan Chase ước tính tổng nợ mà Sri Lanka phải trả trong năm nay có thể lên tới 7 tỷ USD và thâm hụt cán cân vãng lai sẽ là 3 tỷ USD.
Đối mặt với tình hình kinh tế ngày càng xấu, Chính phủ của Tổng thống Rajapaksa chọn cách chờ đợi, thay vì hành động nhanh chóng và tìm kiếm sự sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nguồn khác. Trong suốt nhiều tháng, phe đối lập và giới chuyên gia đã hối thúc Chính phủ Sri Lanka hành động, nhưng nhà chức trách vẫn giữ vững lập trường với hy vọng ngành du lịch và dòng kiều hối sớm hồi phục.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters vào đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính mới được bổ nhiệm của Sri Lanka, ông Ali Sabry, nói rằng các quan chức chủ chốt trong Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã không hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề nên không muốn nhờ tới sự giúp đỡ của IMF. Ông Sabry, cùng với vị Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, đã thành lập một ê-kíp mới để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, cũng ít nhiều nhận thức được cuộc khủng hoảng đang hình thành, Chính phủ Sri Lanka đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia khác, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc. Tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Sri Lanka đã tới New Delhi để dàn xếp một hạn ngạch tín dụng và hoán đổi tiền tệ 1,9 tỷ USD với Ấn Độ.
Một tháng sau, Tổng thống Rajapaksa đề nghị Trung Quốc tái cơ cấu số nợ khoảng 3,5 tỷ USD mà Sri Lanka nợ Bắc Kinh. Trước đó, vào cuối năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp cho Sri Lanka một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ bằng đồng Nhân dân tệ trị giá 1,5 tỷ USD.
Ngày 18/4, ông Sabry sẽ bắt đầu thảo luận với IMF về một gói vốn vay trị giá lên tới 3 tỷ USD trong vòng 3 năm. Ngoài sự giúp đỡ của IMF - thường đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt về tài khóa mà bên đi vay phải tuân thủ - Sri Lanka có thể vay thêm 1 ty USD từ các tổ chức đa phương khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tổng cộng, Sri Lanka cần khoảng 3 tỷ USD trong 6 tháng tới để phục hồi nguồn cung các mặt hàng thiết yếu.
Giới thạo tin nói rằng Ấn Độ để ngỏ khả năng hỗ trợ Sri Lanka thêm 2 tỷ USD để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài ra, Sri Lanka cũng tìm kiếm một hạn ngạch tín dụng 500 triệu USD từ Ấn Độ để mua xăng dầu. Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc đang tính cấp cho Sri Lanka một hạn ngạch tín dụng 1,5 tỷ USD và một khoản vay khác trị giá 1 tỷ USD.
Ngoài thỏa thuận hoán đổi tiền tệ vào cuối năm ngoái, từ đầu đại dịch đến nay Trung Quốc cũng đã cấp cho Sri Lanka 1,3 tỷ USD vốn vay.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vi-sao-sri-lanka-vo-no-292657.html