Phản ánh đến cơ quan báo chí, chị H.T.L (Hà Nội) cho biết: Giữa tháng 3, chị đặt cọc số tiền 400 triệu đồng để mua 2 căn hộ số 2704, 2705 thuộc dự án Hateco Laroma (địa chỉ ở đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, Hà Nội). Số tiền này được chuyển vào tài khoản của CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand) là nhà phân phối.
Theo lịch hẹn, trong vòng 10 ngày sau thời điểm đặt cọc, khách hàng sẽ ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư của dự án là CTCP Hateco Thăng Long. Tuy nhiên, đã quá thời gian này vẫn không thấy nhân viên kinh doanh của CenLand thông báo về việc ký hợp đồng, chị L đã liên hệ với CenLand thì được biết căn hộ số 2705... đã bán rồi!
Đẩy khách hàng vào “thế đã rồi”
Theo chị L, trong khoảng thời gian vài ngày sau khi ký hợp đồng đặt cọc, chị liên tục nhận được lời đề nghị từ phía nhân viên kinh doanh của CenLand tên T. về việc chuyển sang mua căn hộ tương tự nhưng ở tầng dưới (tầng 26).
Mặc dù đã nhận tiền đặt cọc của chị H.T.L tại dự án Hateco Laroma nhưng sau đó Cenland và Hateco Thăng Long vẫn bán căn hộ cho người khác. |
“Ban đầu, tôi cũng đồng ý vì nghĩ tầng 26 hay 27 thì cũng như nhau, nhưng sau đó nhân viên T. nói nếu lấy 2 căn hộ đó thì tôi phải trả thêm 400 triệu đồng do nội thất đầy đủ rồi. Vì không có nhu cầu sử dụng nội thất của chủ đầu tư nên tôi không đồng ý đổi”, chị L kể.
Không thuyết phục được khách hàng, nhân viên kinh doanh của CenLand đã thừa nhận không thể làm hợp đồng mua bán cho chị L vì căn 2705 đã được bán cho người khác. Đồng thời, nhân viên này cho biết: “Tại thời điểm đó, CenLand chưa hoàn tất thủ tục trở thành nhà phân phối độc quyền dự án nên không nắm được hết bảng hàng”.
Chị L rất bức xúc và cho rằng sự cẩu thả trong cách làm việc của CenLand đã đẩy khách hàng vào “thế đã rồi”, không mua thì mất tiền cọc, mà mua thì không được căn hộ như ý.
Trao đổi với VnBusiness, đại diện phía CenLand cho biết: Để xảy ra trường hợp trên là sự nhầm lẫn không đáng có, CenLand sẽ rà soát và làm việc chặt chẽ với tất cả các bộ phận liên quan để đảm bảo quy trình luôn được minh bạch, chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng. Trong mọi trường hợp phát sinh, CenLand sẽ luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết, chủ động tìm giải pháp, giảm thiểu tối đa rủi ro cho khách hàng (nếu có).
Tuy nhiên, khi chị L yêu cầu CenLand giải quyết, đền bù thoả đáng thì chính vị giám đốc dự án trả lời sẽ giải quyết cho khách hàng, và nhấn mạnh “nếu chị vẫn không đồng ý nữa thì bên em cũng đành chịu thôi!”.
Sau nhiều lần thương lượng, chị L miễn cưỡng chọn 2 căn hộ khác ở tầng 14 và chấp nhận mua với giá cao hơn so với 2 căn lựa chọn trước đó. “Kể từ tháng 4, chủ đầu tư áp dụng giá bán mới cao hơn nhiều so với thời điểm tôi đặt cọc. Trừ đi hết các chính sách khuyến mại được hưởng, tôi phải trả thêm khoảng 300 triệu đồng”, chị L cho hay.
CenLand thiếu chuyên nghiệp hay Hateco “ngáng đường”?
Được biết, dự án Hateco Laroma do CTCP Hateco Thăng Long – thành viên thuộc Tập đoàn Hateco do ông Trần Văn Kỳ làm Chủ tịch HĐQT. Theo như chia sẻ của một nhân viên bán hàng: “Thực tế chủ đầu tư đã giao bảng hàng cho chúng tôi rồi, nhưng sau đó một lãnh đạo của Hateco lấy lại căn hộ 2705 để làm suất ngoại giao. Việc này, chúng tôi không thể kiểm soát được. Thực chất là chúng tôi cũng rất khó chịu và phải nhịn”.
Phối cảnh dự án Hateco Laroma do CTCP Hateco Thăng Long làm chủ đầu tư và CenLand là nhà phân phối |
Đại diện CenLand cho biết thêm, trong suốt quá trình làm nhà phân phối dự án, chưa từng gặp một chủ đầu tư như Hateco, bởi liên tiếp thay đổi giá bán mà không cần có lộ trình, kế hoạch, “thích là đổi” và là một chủ đầu tư “không cần tiền” khiến CenLand gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình bán hàng tại dự án Hateco Laroma.
Để làm sáng tỏ thông tin phía CenLand phản ánh, VnBusiness đã liên hệ với phía chủ đầu tư, tuy nhiên đến nay, Hateco không có câu trả lời.
Theo tìm hiểu của VnBusiness, đây không phải là lần đầu tiên, CenLand bị khách hàng “tố” lừa dối, lợi dụng lòng tin. Điển hình, năm 2020 tại dự án Vườn Sen (Bắc Ninh), CenLand chỉ là đơn vị phân phối nhưng lại tự nhận mình và Dabaco Group là chủ đầu tư dự án và nhận tiền đặt cọc của khách hàng khi chưa được phép mở bán. Khi phát hiện ra bị lừa dối, nhiều khách hàng đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng và yêu cầu doanh nghiệp trả tiền.
Về phía Hateco Thăng Long, theo dữ liệu VnBusiness có được, doanh nghiệp này thành lập tháng 8/2016 với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng, Trong đó, CTCP Đầu tư Hạ tầng và Công trình Kiến trúc Hà Nội – tiền thân của CTCP Tập đoàn Hateco (Hateco Group) – nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 80% vốn điều lệ. Phần còn lại được sở hữu bởi Hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ Láng Trung (13,294%) và ông Trần Văn Kỳ (6,706%).
Đến tháng 11/2017, Hợp tác xã Láng Trung đã thoái hết vốn. Cơ cấu cổ đông của Hateco Thăng Long thời điểm này gồm 2 cổ đông là Hateco Group (nắm giữ 88,294% vốn điều lệ) và ông Trần Văn Kỳ (nắm giữ 6,706% vốn điều lệ). Cập nhật đến cuối tháng 9/2020, Hateco Thăng Long nâng vốn điều lệ lên 320 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.
Quá trình hoạt động kinh doanh giai đoạn 2016-2020, Hateco Thăng Long liên tục báo lỗ, và có xu hướng lỗ nặng qua các năm. Cụ thể, năm 2016 lỗ 3 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 8,9 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 24,5 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 15 tỷ đồng và năm 2020 lỗ 17,4 tỷ đồng.
Dù liên tục thua lỗ, nhưng trong năm 2020, Hateco Thăng Long vẫn tổ chức 2 đợt phát hành trái phiếu vào tháng 5 và tháng 7 với tổng giá trị là 100 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ. Lãi suất danh nghĩa/thực tế là 9%/năm, được trả lãi định kỳ 1 lần/tháng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhan-vien-cenland-va-hateco-thang-long-bat-tay-de-qua-mat-khach-hang-tai-du-an-hateco-laroma-292969.html