Trước khi có sự xuất hiện của dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Công ty cổ phần và kinh doanh Golf Long Thành vào năm 2011, tại khu phố Rạch Chiếc (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), nước vẫn còn trong xanh nên người dân vẫn dùng để ăn uống, giặt giũ.
Còn bây giờ, nước rạch hứng chịu sự ô nhiễm do nước thải nên họ phải đào giếng, dùng đủ mọi cách lọc phèn. Giữa một đô thị lớn nhưng internet luôn bị cắt vì đơn vị cung cấp không thỏa thuận được với sân golf để sử dụng chung hạ tầng. Mọi việc mua bán, sang nhượng, xây dựng nhà ở đều bị “dự án sân golf mở rộng” treo lơ lửng khiến cuộc sống người dân gần như rơi vào cảnh “ăn nhờ ở đậu”.
Nỗi sợ từ chủ đầu tư
Khi tiếp xúc, biết chúng tôi là nhà báo, không ít người dân tỏ ra ngần ngại nhắc về chủ đầu tư. Họ sợ sẽ bị chặn con đường và lối ra duy nhất kết nối họ với thế giới bên ngoài.
“Nếu chặn con đường này thì tụi tôi chỉ có nước... bay thôi! Trước lúc có dự án này, khu phố có một con đường đê kéo dài cả cây số để đi lại, kết nối tận Tân Mai. Nhưng đến khi dự án triển khai, con đê bị san ủi, người chết tụi tôi toàn phải khiêng ra nghĩa địa. Chỉ vài năm nay đường đi đỡ hơn, nhưng thực tế thì dân khu phố này vẫn phải đi nhờ qua đất của dự án để sang tổ 21 mới có đường ra Tân Mai” - một phụ nữ lớn tuổi cho biết.
Theo phản ánh, khu phố này hiện có 218 hộ dân nhưng do chịu cảnh “quy hoạch treo” kéo dài nên nhiều người đã phải đi tìm nơi ở mới, giờ chỉ còn 113 hộ bám trụ. Khu phố không có nước máy, nước sông thì ô nhiễm do hứng chịu ô nhiễm từ sân golf thải ra, họ không còn cách nào khác là phải dùng nước giếng khoan, giếng đào và bằng mọi cách lọc từ than củi, cát sỏi để cho đỡ phèn mà sử dụng.
Con đường dẫn vào ấp Rạch Chiếc, nơi người dân sinh sống
Chỉ căn nhà để hoang (số 10, ấp Rạch Chiếc, xã Phước Tân, huyện Long Thành), một người kể lại: “Đó là căn nhà của ông Hoàng Trung Thực, trước đây bị hỏng mái, kèo bọng hư cả nhưng xin sửa chữa thì không ai cho nên ông cứ để vậy ở tạm. Mấy năm trước, có đợt mưa lớn khiến mái nhà nặng quá khiến cả mái nhà sụp xuống, đè ông Thực gãy mấy xương sườn nhưng hàng xóm không ai hay biết. Đến khi phát hiện, mọi người xúm lại dỡ mái thì nạn nhân đã gần chết. Bây giờ ông Thực chuyển về Q8 ở, căn nhà đóng cửa im ỉm.
Sau cái đận đó, bà con kiến nghị rần rần thì chính quyền xã Phước Tân và chủ đầu tư mới đồng ý cho sửa nhà. Nhưng trước khi sửa phải chụp hình nhà cũ, làm đơn đưa lên phường Phước Tân rồi đợi họ xuống kiểm tra, đồng ý thì mới được làm”.
Anh T. sống trong khu dân cư Rạch Chiếc cho biết: “Thảm cảnh và bất công nhất mà người dân ở đây đang phải chịu là việc chính quyền địa phương không cho bán nhà, đất. Mọi giao dịch đều không được chính quyền địa phương công nhận, giao ranh, giao đất hay sang tên nên người dân trong khu phố muốn bán thì chỉ có một chỗ duy nhất để bán là chủ đầu tư là Công ty cổ phần và kinh doanh Golf Long Thành. Ai kẹt tiền mang giấy tờ đến phòng kinh doanh của chủ đầu tư họ đều mua hết, nhưng không mua với giá thị trường mà là giá của họ đưa ra”.
Cần xem xét lại giá đền bù
Gia đình ông Hà Văn Phước (ngụ ấp Rạch Chiếc, P.Phước Tân) cho hay: “Giá đền bù hiện tại khu vực này rất thấp. Mặc dù quy định của Nhà nước là chủ đầu tư (CĐT) dự án phải thương lượng bồi thường với người có đất, tài sản trên đất. Quy định đó tưởng có lợi cho người dân nhưng trên thực tế lại như “cái ách mang vào cổ”. Vì đã nằm trong quy hoạch của họ thì không bán cho chủ đầu tư thì bán cho ai? Mình bán họ đưa ra giá thu mua thấp vậy, mình đồng ý thì bán, không đồng ý thì thôi. Thoạt nhìn tưởng thuận mua vừa bán, nhưng thực tế họ ép vì không bán cho họ thì biết bán cho ai”.
Người dân còn bám trụ nơi đây phải sử dụng nước giếng khoan đầy phèn
Chỉ sang căn nhà số 45 ấp Rạch Chiếc, người trong gia đình ông Phước than thở: “Đó, căn nhà đó rộng 100m2 đất thổ cư, bán cho họ chỉ được có 250 triệu đồng. Thằng cháu tôi (ông Nguyễn Đại Điền) ở đây chịu hết nổi nên bán căn nhà sát bên hồi tháng 6-2020, CĐT dự án cũng chỉ mua 350 triệu đồng/tổng diện tích. Cái ấp Rạch Chiếc này rộng khoảng 7ha, trước đây rất sầm uất, tới hơn 200 hộ sinh sống nhưng từ khi có dự án, nhiều người chịu không nổi phải dứt áo ra đi. Không đi không được vì đường không có, phải lấy nước giếng khoan nhiễm phèn nấu ăn, internet thì CĐT không cho kéo trụ qua dự án nên nhiều khi mất cả tuần, lũ trẻ học online đành... chờ.
Cuộc sống chúng tôi ở đây chẳng khác gì đày đọa, mà giờ bán đi thì với giá đền bù CĐT chi trả, tụi tôi cũng không biết đi đâu mà mua. Giá ngoài Tân Mai, Tam Phước hiện gấp 5-6 lần giá đền bù mà tụi tôi nhận được. Đất thổ giá thấp, đất ruộng giá cũng thấp. Năm trước, gia đình tôi bán 1,1ha đất mà CĐT chỉ trả 550 triệu/1.000m2, trong khi giá đất ruộng Nhà nước đền bù trong các dự án khác hiện cũng rất cao, thấp nhất cũng khoảng 1,3 triệu đồng/m2.
Trưng ra cho chúng tôi thấy những quyết định phê duyệt giá đất để bồi thường khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất để đầu tư hạ tầng đường dây diện 220 KV Sông Mây - Tam Phước (TP.Biên Hòa), anh T. cho biết: “Giá đất thuộc loại đất rừng trồng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản... đường Võ Nguyên Giáp đoạn từ Chu Mạnh Trinh đến hết ranh giới phường Phước Tân vị trí 1 (từ mốc lộ giới đến hết mét thứ 50) là 2.620.000 đồng/m2, từ sau mét thứ 50 (vị trí 2) là 2.096.000 đồng/m2. Loại bèo nhất từ sau mét thứ 100 đến hết chiều sau thửa đất (thuộc vị trí 3) cũng lên tới 1.310.000 đồng/m2. Ngoài tiền bồi thường, người dân còn có thêm tiền hỗ trợ. Còn đất ở đô thị thuộc vị trí 2, hẻm đất thì khung giá Nhà nước cũng bồi thường tới 6.746.000 đồng/m2.
Dẫn chứng thêm, anh T. đưa ra một quyết định số 2281/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai ký ngày 6-7-2020 phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường cho dự án chống ngập úng tại khu vực suối Bà Lúa và suối Cầu Quan tọa lạc trên địa bàn phường Phước Tân và Long Bình Tân, An Hòa (TP.Biên Hòa): “Giá đất ở đô thị đường Võ Nguyên Giáp (đoạn từ QL51 đến đầu cầu số 3) vị trí 1 đã bồi thường tới 23.062.000m2, vị trí 2 đường đất là 9,6 triệu đồng/m2, vị trí 4 đường đất cũng là 3.125.600 đồng/m2. Anh thử coi xem tất cả các quyết định phê duyệt giá đất để bồi thường này có quyết định nào giá đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản thấp như ở khu vực này không?”.
Vị trí 1 hiện nay đối với đất nông nghiệp là 2,6 triệu đồng/m2, thấp nhất là vị trí thứ 4 đối với đất nông nghiệp cũng là 1.015.000 đồng. Vậy mà ở đây CĐT dự án này vẫn mua với giá bèo nhèo như vậy đó. Đơn giản là dân không bán cho họ thì không biết bán cho ai, mà bán cho họ thì phải chấp nhận bán với giá bèo, không thì cứ giữ lấy đất mà sống cảnh “sống mòn” như vậy nè” - anh T. chốt lại một cách đầy chua chát và bế tắc.
Theo người dân địa phương, giá nhà đất nơi đây vẫn ngang với nhiều năm trước
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án Khu đô thị du lịch sinh thái của Công ty CP đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành rộng 843ha được UBND tỉnh Đồng Nai thỏa thuận địa điểm đầu tư theo văn bản số 7079/UBND-CNN ngày 17-10-2011. Dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến các xã Tam Phước, Phước Tân thuộc TP.Biên Hòa với mục tiêu là đầu tư khu đô thị sinh thái (không có sân golf).
Sau đó, năm 2012, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký duyệt thông báo số 75 thu hồi đất thuộc các xã Tam Phước, Phước Tân và xã Tam An của huyện Long Thành. Chỉ riêng diện tích thu hồi tại xã Phước Tân, Tam Phước khoảng 7,8 triệu m2.
Vào năm 2018, UBND tỉnh Đồng Nai mới có quyết định số 3135/ QĐ-UBND ngày 4-9-2018 chấp thuận nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành được thực hiện đầu tư dự án. Theo Quyết định trên, dự án có mục tiêu với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 15,5% (765 tỷ đồng).
Ngày 2-7-2012, ông Trần Minh Phúc - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 4792/ UBND-KT với nội dung “chấp thuận cho Công ty CP đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành - chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái tại xã Tam Phước, Phước Tân, TP.Biên Hòa và xã Tam An (huyện Long Thành) được phép tự thỏa thuận với các hộ dân có đất nằm trong quy hoạch của dự án và được thực hiện khấu trừ tiền bồi thường, tái định cư vào tiền thuê đất, tiền sử dụng đất... Đơn vị CĐT cũng đã có công văn số 87/CV-GLT ngày 20-5-2012 để xin được tự thực hiện việc thỏa thuận bồi thường với các hộ dân có đất trong dự án.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng có quyết định số 1615/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khu đô thị du lịch sinh thái (nay đã trở thành khu đô thị mới KN Biên Hòa) với nội dung cho phép chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường với các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất và tài sản trong ranh dự án.
Nhằm tìm hiểu về tiến độ bồi thường, diện tích bồi thường của dự án, chúng tôi liên hệ với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP.Biên Hòa nhưng một cán bộ tại đây cho biết, họ cũng không biết được gì vì thực tế đây là dự án CĐT tự thỏa thuận bồi thường. Do CĐT không báo cáo nên ngay cả Ban Bồi thường GPMB TP.Biên Hòa cũng không nắm được số liệu của dự án.
Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND tỉnh Đồng Nai cần vào cuộc, giám sát việc tự thỏa thuận giá đền bù với người dân có đất, tài sản bị ảnh hưởng bởi dự án trên để đảm bảo quyền lợi của người dân, tránh việc người dân bị chủ đầu tư ép giá, thu hồi đất với giá thấp hơn khung giá thu hồi đất của Nhà nước trong một số dự án phục vụ dân sinh.
Link nội dung: https://biztoday.vn/song-mon-canh-san-golf-long-thanh-293667.html