Hai gọng kìm chống tham nhũng của Singapore

Đảng Hành động Nhân dân (PAP) của Singapore thực hiện chiến lược cải cách toàn diện với 2 gọng kìm: Loại bỏ động cơ tham nhũng và giảm thiểu cơ hội tham nhũng.

“Để chống tham nhũng vặt hiệu quả ở bất cứ quốc gia nào, nhà hoạch định chính sách cần có ý chí chính trị nhằm xác định nguyên nhân và có cải cách phù hợp”, Jon Quah - giáo sư khoa học chính trị đã nghỉ hưu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, người có 45 năm nghiên cứu về tham nhũng - chia sẻ với Zing.

Nhận định trên được giáo sư Quah rút ra sau khi nghiên cứu chính Singapore - đất nước có tình trạng tham nhũng tràn lan dưới thời thuộc địa Anh.

Hai gọng kìm của Singapore

Nghiên cứu của giáo sư Quah cho thấy sau khi lên nắm quyền vào năm 1959, đảng PAP quyết đẩy mạnh chiến lược cải cách toàn diện với 2 gọng kìm. Do ban đầu chưa đủ khả năng tài chính để nâng lương công chức, gọng kìm đầu tiên của chính quyền PAP là củng cố khung pháp lý để giảm cơ hội tham nhũng và tăng mức phạt đối với hành vi tiêu cực.

Năm 1960, Đạo luật Phòng chống Tham nhũng (POCA) của Singapore ra đời với nhiều cải thiện so với sắc lệnh tương ứng thời thuộc địa. Mức phạt được gia tăng, định nghĩa tham nhũng được làm rõ, và quy định buộc tội phạm tham nhũng phải trả lại toàn bộ tiền nhận hối lộ.

Ông Lý Quang Diệu và thành viên nội các Singapore đã mặc quần áo trắng trong lễ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 6/1959 để thể hiện "sự trong sạch và ngay thẳng", vị cố thủ tướng viết trong hồi ký. Ảnh: Straits Times.

Đặc biệt, POCA trao thẩm quyền rộng và đảm bảo ngân sách hoạt động cho Cục Điều tra Hành vi Tham nhũng (CPIB) - cơ quan chống tham nhũng duy nhất và độc lập của Singapore. Do trực thuộc Văn phòng Thủ tướng và có thẩm quyền rộng, CPIB có thể có được sự hợp tác từ cả tổ chức nhà nước và tư nhân trong quá trình tác nghiệp.

Theo POCA, cán bộ CPIB có quyền vào bất cứ nơi nào có dính líu tới các giao dịch bị nghi vấn để tìm và tịch thu chứng cứ, cũng như bắt giữ nghi can… Họ còn có thể rà soát tình trạng tài chính của công chức cùng vợ chồng, con cái đối phương.

Để duy trì độ hiệu quả, POCA thường xuyên được sửa đổi khi có vấn đề mới. Chẳng hạn, năm 1963, luật này được điều chỉnh để cán bộ CPIB có thêm quyền triệu tập và xét hỏi nhân chứng.

Năm 1966, POCA có thêm 2 sửa đổi quan trọng. Đầu tiên là quy định người chưa nhận hối lộ nhưng có ý định tham nhũng vẫn có thể bị kết tội. Thứ hai, công dân Singapore làm việc cho đại sứ quán hay cơ quan nhà nước ở nước ngoài nếu tham nhũng cũng bị xử lý như ở trong nước.

Chỉ khi kinh tế tăng trưởng tích cực, Singapore mới có thể thực hiện gọng kìm thứ hai của chiến lược chống tham nhũng là giảm động cơ tiêu cực bằng cách cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc.

Tháng 3/1972, mọi công chức Singapore bắt đầu được nhận lương tháng 13 để tương đương khoản thưởng trong khu vực tư nhân. Khoảng thời gian sau, thu nhập công chức Singapore được tăng nhiều lần vào các năm 1973, 1979, 1982, 1989 và 1994.

Năm 1994, Singapore bắt đầu tính lương bộ trưởng và công chức cấp cao dựa trên mức trung bình của 4 người có thu nhập cao nhất trong 6 ngành tư nhân - kế toán, ngân hàng, kỹ thuật, pháp luật, doanh nghiệp sản xuất địa phương và tập đoàn đa quốc gia.

Mục đích của chính phủ Singapore khi dùng công thức trên là đảm bảo mức thu nhập của các vị trí cao trong nhà nước bắt kịp với thị trường việc làm tư nhân, qua đó giảm thiểu động cơ tiêu cực.

Bằng cách đồng thời củng cố cơ quan chống tham nhũng và tăng lương công chức, Singapore từ chỗ tham nhũng nghiêm trọng đã lột xác, trở thành một trong những nước “trong sạch” nhất thế giới. 10 năm qua, đảo quốc luôn thuộc top 7 trong xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) của tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Tăng lương công chức không phải "liều thuốc thần" chống tham nhũng

Khi đề cập tới giải pháp giảm tham nhũng vặt - hành vi tiêu cực ở quy mô nhỏ do công chức cấp thấp thực hiện, một đề xuất thường được đưa ra là tăng lương cho công chức. Nguyên nhân là khi đứng trước nỗi lo cơm áo gạo tiền, công chức có thu nhập thấp sẽ khó giữ sự trong sạch.

Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về hiệu quả đồng nhất của cách làm này.

“Có một số bằng chứng, nhưng (việc tăng lương) chắc chắn không phải là liều thuốc thần”, giáo sư luật Matthew Stephenson chuyên nghiên cứu pháp luật chống tham nhũng thuộc Trường Luật Harvard - trả lời Zing. “Các nghiên cứu về vấn đề này thực ra có kết quả rất không đồng nhất”.

Giáo sư Stephenson nhắc tới một nghiên cứu được công bố năm 2015 được thực hiện tại vùng Tây Phi. Kết quả nghiên cứu này đã đi ngược lại các giả định thường thấy về quy luật của tham nhũng.

Những chiếc container nhập khẩu tại cảng Tema của Ghana vào năm 2018. Ảnh: New York Times.

Năm 2010, Ghana tăng gấp đôi tiền lương cho cảnh sát với hy vọng rằng một khi đời sống đã cải thiện, họ sẽ giảm thói vòi vĩnh. Động thái này rất được hoan nghênh vì trước đó, 91% người dân cho rằng cảnh sát Ghana tham nhũng, căn cứ vào các khảo sát của tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Theo lý thuyết kinh tế học, có hai lý do nạn vòi tiền của cảnh sát Ghana nhiều khả năng sẽ được cải thiện sau đợt tăng lương gấp đôi.

Đầu tiên, người nhận hối lộ có rủi ro mất việc nếu bị phát hiện. Lương càng cao thì tổn thất từ việc bị sa thải sẽ càng lớn. Ngoài ra, người làm công chức được cho là sẽ tự đặt ra một mục tiêu thu nhập. Khi lương thấp hơn mục tiêu ấy, họ có thể sẽ vòi tiền để bù chênh lệch.

Theo Economist, cựu Tổng thống Ghana John Mahama năm 2015 từng nói "không còn lý gì" để tham nhũng khi mà lương đã cao hơn. Ảnh: John Dramani Mahama.

Nhưng thực tế tại Ghana diễn ra không như logic trên.

Khoảng thời gian trước và sau đợt tăng lương, một dự án của tổ chức USAID có thực hiện đợt khảo sát lớn đối với tài xế xe tải tại Ghana và nước láng giềng Burkina Faso.

Khi tham gia khảo sát, những tài xế có giấy tờ hợp lệ được dặn ghi chép lại số lần bị dừng xe, cũng như số tiền trả cho cảnh sát và quan chức hải quan trên chặng đường dài gần 1.000 km từ thủ đô Ouagadougou, Burkina Faso tới thành phố cảng Tema, Ghana.

Dữ liệu của hơn 2.100 chuyến xe tải trong năm 2006-2012 được hai nhà kinh tế học người Mỹ, Jeremy Foltz và Kweku Opoku Agyemang, phân tích và công bố trong nghiên cứu năm 2015.

Ông Foltz và Opoku Agyemang phát hiện cảnh sát Ghana nhũng nhiễu hơn sau đợt tăng lương, kể cả khi so với hải quan Ghana và cảnh sát Burkina Faso (hai nhóm không được tăng thu nhập). Họ lập nhiều chốt chặn hơn, đòi nhiều tiền hơn trước và giữ xe lâu hơn.

“Kết quả này cho thấy việc tăng lương mà không đi kèm thay đổi bối cảnh và động cơ của công chức liên quan có thể sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn đối với nạn tham nhũng”, hai nhà nghiên cứu kết luận.

Ông Foltz và Opoku Agyemang cũng đưa ra một số lý giải. Mức lương mới có thể đã gián tiếp khiến cảnh sát Ghana cho rằng mình có địa vị cao hơn và “xứng đáng” nhận tiền lót tay nhiều hơn. Hoặc có thể rủi ro bị bắt quả tang ở Ghana thấp nên cảnh sát vẫn tiếp tục hành vi tiêu cực.

Link nội dung: https://biztoday.vn/hai-gong-kim-chong-tham-nhung-cua-singapore-294370.html