Ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp nhằm mục đích đảo nợ?

Nếu đến kỳ hạn vay không có tiền trả nợ thì việc phát hành trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp trả nợ đúng hạn, không bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng. Đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp dùng trái phiếu để đảo nợ.

Ngân hàng nào đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất?

Với vai trò người mua chính trên thị trường, các ngân hàng thương mại đang nắm một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, trong đó chiếm tỷ lệ cao là của các doanh nghiệp bất động sản.

Báo cáo “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, do Công ty CP Chứng khoán SSI mới công bố cho thấy, các doanh nghiệp đã phát hành 723 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021, tăng 56% so với 2020.

Ngân hàng Vietcombank là một trong những nhà băng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tăng mạnh nhất với mức tăng hơn 2 lần, từ 5.335 tỷ đồng cuối năm 2020 lên 11.929 tỷ đồng khi kết thúc năm 2021.

Nguồn: BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2021 tại Vietcombank.

Thậm chí tại NamABank, mức tăng trưởng ghi nhận tới 3,7 lần, từ 648 tỷ đồng lên 2.383 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong năm qua bao gồm OCB (91%), TPBank (65%), ABBank (58%), MB (53%), VIB (49%),…

Xét về giá trị tuyệt đối, ngân hàng đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất đang là Ngân hàng Techcombank với 62.809 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cuối năm 2020. Tiếp đến là MBBank đạt gần 43.000 tỷ đồng, tương đương tăng 55% so với năm 2020. Ngân hàng VPBank với 27.782 tỷ đồng và Ngân hàng TPBank với 18.577 tỷ đồng, tăng vọt 65%.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong năm qua bao gồm ABBank (58%), VIB (49%),…

Đảo nợ qua trái phiếu doanh nghiệp trong ngân hàng?

Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu cần làm rõ vấn đề tín dụng bất động sản và chứng khoán núp bóng tín dụng tiêu dùng có không và bao nhiêu; nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp là bao nhiêu.

Cùng đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc doanh nghiệp đến giai đoạn đến hạn thường phát hành trái phiếu để đảo nợ. Thực tế hoạt động của các ngân hàng thương mại có việc này, bởi chính người trong cuộc còn băn khoăn về ứng xử trong phân loại và trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp này như thế nào để phù hợp với thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động tín dụng.

Cụ thể, theo thắc mắc từ ngân hàng thương mại‘Hiện tại các ngân hàng thương mại phát sinh khoản mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhưng sau đó trái phiếu bị thay đổi thời hạn trả nợ gốc và lãi (thực hiện hoạt động hoán đổi trái phiếu) nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có văn bản làm rõ trường hợp này khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đó có bị xác định là khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ hay không?

Trong trường hợp này các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp này như thế nào để phù hợp với tinh thần của Thông tư 11?"

Sau thông tư 11/2021/TT-NHNN, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), chính thức có hiệu lực từ ngày 15/01/2022).

Theo đó, tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp.

Thứ nhất, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.

Thứ hai, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

Thứ ba, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Cũng theo Thông tư 16, TCTD không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Đây được xem là hành động “khóa van” dòng vốn từ ngân hàng vào kênh trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, Thông tư 16, NHNN cũng đã tạo một chốt chặn: TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu của doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ.

Trả lời báo chí, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, việc một số ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có thể nhằm mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Bởi nếu đến kỳ hạn vay không có tiền trả nợ thì việc phát hành trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp trả nợ đúng hạn, không bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp "bắt tay" dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ.

Mặt khác, trái phiếu doanh nghiệp có thể là cách giúp các ngân hàng thương mại vừa "lách luật" để cho vay doanh nghiệp bất động sản, các công ty chứng khoán lại vừa tránh được lệnh siết cho vay vào lĩnh vực rủi ro, không phải trích lập dự phòng rủi ro, vừa làm sạch bảng cân đối tài chính.

Đồng thời, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cũng từng nhận định: “Việc ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp không loại trừ mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ".

Năm 2021, SSI ước tính có khoảng 1,39 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được lưu hành. Quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp tăng tốc mạnh mẽ từ mức 68% năm 2020 lên mức tương đương 88% năm 2021 so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. 

Không thể phủ nhận trái phiếu là kênh dẫn vốn hiệu quả dành cho doanh nghiệp, giúp giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng nhưng sự phát triển "nóng" của thị trường trái phiếu thời gian qua cũng phát sinh nhiều hệ lụy.

Theo chuyên gia của SSI, trong thời gian qua, các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán; một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng do vậy không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này.

Link nội dung: https://biztoday.vn/ngan-hang-o-at-mua-trai-phieu-doanh-nghiep-nham-muc-dich-dao-no-294674.html