Cử tri Pháp sẽ chọn một "Macron cao ngạo" hay một "Le Pen dân tộc chủ nghĩa"? (Nguồn: AFP)
Cuộc bỏ phiếu đang diễn ra vào hôm nay (24/4) tại Pháp sẽ tìm ra chủ nhân của Điện Élyseé trong 5 năm tới. Liệu Emmanuel Macron, vị Tổng thống ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) theo quan điểm trung dung, tiếp tục nắm quyền hay phải "nhường" ghế cho bà Marine Le Pen, một người theo quan điểm cực hữu và hoài nghi châu Âu.
Theo các cuộc thăm dò dư luận trong những ngày gần đây, đương kim Tổng thống Macron đang có một vị trí dẫn đầu vững chắc và tỷ lệ ủng hộ đang tăng nhẹ. Trong khi đó, bà Le Pen - mặc dù đã nỗ lực làm dịu hình ảnh của mình và dung hòa một số chính sách của đảng Tập hợp quốc gia - vẫn không được lòng nhiều cử tri.
Tuy nhiên, hiện không thể loại trừ hoàn toàn một chiến thắng bất ngờ của bà Le Pen, trong bối cảnh số lượng lớn cử tri chưa quyết định hoặc không chắc chắn liệu họ có đi bầu trong cuộc bỏ phiếu tổng thống hay không.
Khả năng về một "biến động chính trị"?
Các hòm phiếu mở từ lúc 8h sáng (13h theo giờ Việt Nam) và đóng lúc 8h tối theo giờ địa phương. Kết quả dự đoán ban đầu sẽ được đưa ra ngay sau khi kết thúc bỏ phiếu.
Nếu ứng cử viên đảng cực hữu đăng quang, điều này có thể được xem như một cơn “địa chấn chính trị”. Chiến thắng của bà Le Pen có thể mang lại cảm giác “chấn động” giống như cuộc bỏ phiếu của Anh rời EU (Brexit) hoặc việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 2016.
Chuyên gia Bernard Sananes của hãng thăm dò Elabe nói: “Mỗi người trong số họ đều có một điểm yếu rất lớn. Ông Emmanuel Macron bị hơn 50% cử tri coi là kiêu ngạo trong khi bà Marine Le Pen vẫn là ứng cử viên đáng sợ đối với một nửa cử tri”.
Ông Macron, 44 tuổi, người chiến thắng trong cuộc đua tương tự cách đây 5 năm, đã cảnh báo về "cuộc nội chiến" nếu bà Le Pen - người thậm chí kêu gọi các chính sách như cấm đeo khăn trùm đầu của người Hồi giáo ở nơi công cộng - được bầu chọn.
Trong khi đó, bà Le Pen, 53 tuổi, đã tập trung chiến dịch của mình vào vấn đề chi phí sinh hoạt tăng cao ở nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới, mà nhiều người Pháp cho rằng đã trở nên tồi tệ hơn với sự gia tăng giá năng lượng toàn cầu.
Bà cũng không đồng tình với phong cách lãnh đạo ngạo mạn của Macron, điều mà bà cho là thể hiện sự khinh thường của giới tinh hoa đối với dân thường.
Bà Marine Le Pen trong đợt vận động tranh cử ở Somme ngày 21/4. (Nguồn: AFP)
Trong những ngày chạy đua cuối cùng, bà Le Pen đến thăm các tài xế xe tải tại một trạm dừng nghỉ ở tỉnh Somme, một vùng mà bà giành được 42% phiếu bầu trong vòng một. Ăn trưa cùng khoảng 30 tài xế xe tải, bà chỉ trích ông Macron là người cao ngạo.
Tờ Libération trích dẫn nhận định của một tài xế có mặt tại buổi gặp, cho rằng “bà Marine Le Pen bảo đảm bảo vệ tầng lớp trung lưu. Trong khi ông Macron thì đứng về phía người giàu còn bà Le Pen giúp đỡ người nghèo… Tổng thống mãn nhiệm không hề tôn trọng người dân”.
Người tài xế này cho rằng nếu bà Le Pen thắng cử, lương của ông hiện ở mức 1.700 Euro/tháng sẽ tăng thêm.
Lăng kính của truyền thông
Trong khi đó, trang nhật báo Libération ngày 22/4 đưa ra đánh giá của hai người đoạt giải Nobel kinh tế Jean Tirol và Esther Duflo về chương trình tranh cử của bà Le Pen và những tác động nếu ứng viên cực hữu thắng cử.
Cả hai đồng thuận rằng các chính sách bài ngoại và mâu thuẫn của bà Le Pen chỉ làm gia tăng bất bình đẳng. Bà Esther Duflo, giảng viên tại Đại học MIT (Mỹ), cảnh báo mối nguy hiểm về chính trị cũng như xã hội trong chương trình của bà Le Pen và việc bà không hề đứng về phía người lao động như đã hứa.
Bà Esther Duflo nói: “Bà Marine Le Pen cố gắng thể hiện trong bài phát biểu của mình sự liên kết giữa các nguyện vọng phổ biến, những điều rất chính đáng và mang tính khát vọng nhưng thực chất lại không phải vậy.
Đây không phải là chiến lược duy nhất ở trên thế giới, chúng ta có thể thấy điều tương tự ở Donald Trump tại Mỹ hay Viktor Orbán ở Hungary”.
Trong khi đó, tờ Le Figaro lại cho rằng những người ủng hộ Tổng thống mãn nhiệm Macron thích đánh vào tâm lý sợ hãi, tạo ra lo lắng trước kịch bản phe cực hữu thắng cử, ngay cả khi ông Macron không muốn dùng chiêu này trong cuộc tranh luận hôm 20/4.
Tờ báo cánh hữu đặt ra câu hỏi liệu “tai nạn bầu cử” có lặp lại khi so sánh trường hợp của bà Le Pen với Brexit và chiến thắng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay không. Theo Le Figaro, hệ thống bầu cử của Pháp ít bất ổn hơn của Mỹ do áp dụng hình thức phổ thông đầu phiếu.
Kết quả các cuộc thăm dò thường sát với tỷ lệ bầu cử thực tế mà bà Le Pen nhận được, nên sẽ không có chuyện “che giấu” phiếu bầu như trường hợp của ông Trump.
Về phần mình, tờ Figaro nhận định rằng xu hướng người dân bỏ phiếu trắng hoặc không đi bỏ phiếu chủ yếu ở cử tri cánh cực tả, thực ra lại có lợi cho ông Macron.
Nếu như phiếu bầu cho ông Trump là phiếu bầu cộng đồng, thì lá phiếu cho bà Le Pen là lá phiếu của một tầng lớp nhất định. Bà Le Pen có nguy cơ không nhận được ủng hộ từ các cử tri thuộc tầng lớp bình dân để có thể chiến thắng ông Macron.
Nổi bật trên trang nhất các báo của Pháp là thông tin về cuộc đua giữa đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và ứng cử viên đảng cực hữu Marine Le Pen. (Nguồn: Getty)
Tờ La Croix và Les Echos đều bày tỏ quan ngại về nguy cơ việc ứng cử viên cực hữu lên lãnh đạo có thể dẫn đến những thiệt hại to lớn đối với cán cân quyền lực tự do tôn giáo và các nguyên tắc cơ bản trong tình đoàn kết với các nước nạn nhân của chiến tranh như Ukraine. Nước Pháp sẽ phải chứng kiến cảnh chia rẽ vào bạo lực hơn bao giờ hết.
Les Echos nhấn mạnh đến việc phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa hai ứng cử viên và không phải vì một trong hai ứng cử viên là người theo quan điểm cực hữu thì bên còn lại sẽ thắng mà cử tri phải đi bầu để tránh làm suy yếu tiếng nói của dân Pháp.
Link nội dung: https://biztoday.vn/bau-cu-tong-thong-phap-co-hoi-chac-thang-cua-ong-macron-hay-con-dia-chan-mang-ten-le-pen-295991.html