Xung đột Nga-Ukraine: Thay đổi trật tự tiền tệ, chia rẽ nền kinh tế thế giới, kế hoạch 'pháo đài nước Nga' có sụp đổ?

Trong khi các chuyên gia dường như đồng ý rằng một sự thay đổi cơ bản đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu, họ vẫn chưa thống nhất về nhận định thế giới sẽ ra sao sau Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Một số người tin rằng xung đột Nga-Ukraine sẽ gây ra sự phân tán kinh tế và sự sụp đổ của đồng USD như đồng tiền dự trữ của thế giới. (Nguồn: AP)

Tác giả Tom Rees nhận định trong bài báo trên trang SMH (Australia) ngày 25/4 rằng, việc đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (BOR) và việc vũ khí hóa đồng USD có thể khiến kế hoạch “Pháo đài nước Nga” của Tổng thống Vladimir Putin sụp đổ, gây ra những lo lắng về sự chia rẽ nền kinh tế thế giới.

Hậu quả từ các lệnh trừng phạt

Một số chuyên gia tài chính toàn cầu, bao gồm cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lo ngại tác động của các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây có nghĩa là nền kinh tế toàn cầu đang chia rẽ thành các phe sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, với một bên do Mỹ dẫn đầu và một bên là Trung Quốc, với những hậu quả không nhỏ.

Họ tin rằng nền kinh tế thế giới đang chia thành hai phần. Nga sẽ buộc phải rời xa tài chính, công nghệ và USD của phương Tây, đồng thời xích lại gần Trung Quốc hơn.

Dự báo về kinh tế toàn cầu sau xung đột Nga - Ukraine, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF nói: “Chiến sự cũng làm tăng nguy cơ nền kinh tế thế giới bị chia cắt lâu dài hơn thành các khối địa chính trị với các tiêu chuẩn công nghệ khác biệt, hệ thống thanh toán xuyên biên giới và tiền tệ dự trữ”.

Ông cho biết: “Sự thay đổi kiến tạo” này diễn ra, khi thương mại và tiêu chuẩn tách rời thành các khối, sẽ là một ‘thảm họa’ đối với nền kinh tế toàn cầu. Đó sẽ là “một thách thức lớn đối với khuôn khổ dựa trên luật lệ đã điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế và quốc tế trong 75 năm qua”.

Trong khi các chuyên gia dường như đồng ý rằng một sự thay đổi cơ bản đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu, họ vẫn chưa thống nhất về nhận định thế giới sẽ ra sao sau Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine.

Một số người tin rằng chiến dịch của Nga sẽ gây ra sự phân tán kinh tế và sự sụp đổ của đồng USD như đồng tiền dự trữ của thế giới. Trong khi đó, không ít người lại phủ nhận ý tưởng cho rằng một cơn địa chấn đang diễn ra.

Dario Perkins, Giám đốc điều hành vĩ mô toàn cầu tại TS Lombard, cho biết: “Chúng tôi luôn nghĩ rằng sự phân chia nền kinh tế toàn cầu thành các khối thương mại khác nhau - Mỹ, châu Á và ở giữa là châu Âu - sẽ xảy ra.

Một số xu hướng sẽ được đẩy mạnh, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác đang xích lại gần nhau hơn. Các nước này bắt đầu sử dụng Nhân dân tệ trong thương mại song phương thay vì USD".

Các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga của phương Tây ngày càng lan rộng và tàn khốc. Có những lo ngại rằng điều này có thể buộc Moscow và một số nước phải tìm kiếm các giải pháp thay thế hệ thống tài chính toàn cầu do phương Tây thống trị.

Ngoài các biện pháp trừng phạt cá nhân chống lại Tổng thống Putin và giới chức trong chính phủ, phương Tây còn nhắm vào các tổ chức tài chính và BOR.

Từng được coi là một lựa chọn "hạt nhân", một số ngân hàng Nga đã bị loại khỏi hệ thống nhắn tin thanh toán toàn cầu SWIFT, khiến họ khó thực hiện các khoản thanh toán xuyên biên giới. Trong khi đó, phương Tây đóng băng một nửa dự trữ ngoại tệ và vàng của BOR, cản trở khả năng nâng đỡ đồng Ruble và hệ thống ngân hàng của Moscow.

Theo kế hoạch “Pháo đài nước Nga” của ông Putin, Moscow sẽ thực hiện các biện pháp nhằm cách ly khỏi các lệnh trừng phạt. Nước này đã xây dựng được một kho dự trữ ngoại hối trị giá 640 tỷ USD.

Việc đóng băng các nguồn dự trữ này được coi là một động thái thay đổi cuộc chơi. Nó đã khiến đồng Ruble lao dốc và các biện pháp kiểm soát vốn trong nước “chao đảo”.

Một số chuyên gia lo ngại việc vũ khí hóa tài chính và USD sẽ gây ra những hậu quả lâu dài. Các ngân hàng Nga đang chuyển sang những lựa chọn thay thế SWIFT để thanh toán xuyên biên giới.

BOR có hệ thống riêng. Cơ quan này đã bán hàng cho Ấn Độ và nhận về Ruble, trong khi Trung Quốc cũng có một giải pháp thay thế có thể cạnh tranh với SWIFT.

Các nhà cho vay của Moscow đã chuyển sang công ty thanh toán khổng lồ UnionPay của Trung Quốc để giúp họ phát hành thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng sau khi Visa và Mastercard gia nhập cuộc di cư khỏi Nga. Các công ty thanh toán lớn này chiếm 70% thị trường thẻ ghi nợ của Nga.

Các ngân hàng Nga và Mir - một hệ thống thanh toán mà Moscow thành lập sau khi sáp nhập Crimea - hy vọng sẽ hợp tác với UnionPay để phát hành thẻ. Tuy nhiên, các báo cáo vào tuần trước cho thấy, UnionPay đang trở nên “lạnh nhạt” với Mir vì lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Vị thế của USD có lung lay?

Lo ngại về sự chia rẽ cũng đã làm dấy lên cuộc tranh luận kéo dài về việc liệu USD có nguy cơ mất vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới hay không.

Chuyên gia Zoltan Pozsar tại Credit Suisse cho biết khi tuyên bố về một ‘trật tự (tiền tệ) thế giới mới’ sau khi khoản dự trữ của BOR bị đóng băng: “Sau khi chiến dịch quân sự này kết thúc, ‘tiền’ sẽ không bao giờ quay trở lại như xưa”.

USD đã chiếm ưu thế trên toàn cầu kể từ sau Thế chiến II, trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới. Đây là đồng tiền được các ngân hàng trung ương nắm giữ nhiều nhất, như một phần của dự trữ ngoại hối để giúp tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu.

Các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đã tích lũy gần 13 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, chiếm khoảng 60% tổng dự trữ. Tuy nhiên, như các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã chỉ ra, những nguồn dự trữ đó có thể đột nhiên trở nên vô dụng nếu chúng bị phương Tây làm tê liệt.

Theo kế hoạch ''Pháo đài nước Nga', Moscow sẽ thực hiện các biện pháp nhằm cách ly khỏi các lệnh trừng phạt. (Nguồn: Reuters)

USD cũng rất quan trọng đối với thương mại toàn cầu, được sử dụng trong mọi giao dịch, từ lập hóa đơn trong kinh doanh quốc tế đến mua hàng hóa, chẳng hạn như dầu.

Tuy nhiên, Nga tuyên bố một số người mua đã đồng ý thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble trong khi Saudi Arabia được cho là đang cân nhắc chấp nhận đồng Nhân dân tệ để bán dầu cho Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh căng thẳng với Washington.

Ông Perkins nói: “Đây là ‘vũ khí’ mà Mỹ ngày càng sử dụng nhiều hơn. Luôn có những cảnh báo rằng, không thể lặp đi lặp lại biện pháp này, bởi cuối cùng sẽ đến một thời điểm trạng thái của USD bị thay đổi”.

Theo chuyên gia này, hiện đang có một "bước ngoặt", nhưng nhấn mạnh rằng sự di chuyển khỏi đồng USD sẽ rất chậm.

Tuy nhiên, những người khác nghi ngờ về một sự thay đổi lớn như vậy đang diễn ra. Giáo sư Barry Eichengreen tại Đại học California, Mỹ, nói: “Mối đe dọa đối với tình trạng của USD là thấp do thiếu một giải pháp thay thế đáng tin cậy”.

Theo ông: “Mỹ đã cùng với các nước khu vực đồng Euro, Anh, Nhật Bản, và một số nước khác, áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc là “một sự thay thế kém hấp dẫn” đối với hầu hết các quốc gia”.

Trong khi đó, Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng của UBS Global Wealth Management, nói, khái niệm tiền tệ dự trữ sẽ trở nên ít quan trọng hơn vì thương mại thế giới “có khả năng trở nên ít toàn cầu hóa hơn theo thời gian.

Nếu bạn thực hiện thương mại toàn cầu ít hơn, thì tầm quan trọng của đơn vị tiền tệ lập hóa đơn toàn cầu sẽ ít hơn và các ngân hàng trung ương không cần phải nắm giữ quá nhiều dự trữ ngoại hối”.

Ông tin rằng nền kinh tế toàn cầu không trải qua quá trình phân tán mà là hiệu ứng nội địa hóa, trong đó số hóa làm giảm nhu cầu thương mại vật chất và sản xuất tiến gần hơn với người tiêu dùng, chẳng hạn như năng lượng sạch thay vì khí đốt nhập khẩu.

“Quy trình bản địa hóa là thứ không nhất thiết phải chia thế giới thành hai”, chuyên gia Paul Donovan nhận định.

Link nội dung: https://biztoday.vn/xung-dot-nga-ukraine-thay-doi-trat-tu-tien-te-chia-re-nen-kinh-te-the-gioi-ke-hoach-phao-dai-nuoc-nga-co-sup-do-296844.html