Gần như không có ai khác trên thế giới này có được tầm ảnh hưởng bao quát như vậy đến các ngành công nghiệp có khả năng xác định tương lai nền kinh tế toàn cầu, từ truyền thông xã hội, vũ trụ, xe điện, phương tiện tự hành, và trí tuệ nhân tạo.
Giờ đây, CEO của Tesla - công ty ôtô điện có thị phần số một thế giới - và công ty du hành vũ trụ SpaceX, đang trên đà tiếp quản một trong những nền tảng mạng xã hội lớn mà ông tin rằng là một trong những chìa khóa chính của tương lai nền dân chủ: Twitter.
Bất kể yêu thích hay ghét bỏ Elon Musk, không ai có thể phủ nhận được việc ông không chỉ là người giàu nhất thế giới, mà còn có thể là nhân vật quyền lực nhất, theo CNN.
Đổi mới Twitter
Twitter đã trải qua một chặng đường dài kể từ những ngày đầu tiếp cận người dùng mạng. Nền tảng này đã có những cải tiến lớn trong việc kiểm duyệt nội dung và tạm khóa các tài khoản có hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng khác hoặc phát tán thông tin sai lệch.
Tuy nhiên, Musk tin rằng Twitter đã khắt khe quá mức.
Tỷ phú Elon Musk mới đây tuyên bố mua lại Twitter. Ảnh: Reuters. |
"Tôi nghĩ rằng chúng ta không muốn cứ phải xóa mọi thứ và rất thận trọng để không bị khóa tài khoản vĩnh viễn", Musk nói vào đầu tháng này tại một hội nghị TED.
Ông gợi ý sau khi tiếp quản Twitter sẽ hạ thấp tiêu chuẩn kiểm duyệt nội dung, cũng như xem xét việc phục hồi những tài khoản đã bị khóa vì vi phạm các điều khoản của Twitter trước đây.
Nội dung từng bị cảnh báo vì bị cho là chứa thông tin sai lệch có thể được xem xét lại.
“Nếu nghi ngờ, hãy để bài đăng đó được xuất hiện”, tỷ phú Musk nói tại hội nghị TED. “Nếu một bài viết không rõ ràng đúng sai, tôi sẽ giữ lại nó. Tuy nhiên, trong trường hợp bài viết có quá nhiều tranh cãi, tôi không nhất thiết muốn quảng bá bài viết đó”.
Twitter có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Facebook hoặc TikTok, nhưng giá trị của nó nằm ở chỗ tập trung nhiều nhân vật ưu tú trong giới chính trị và truyền thông, những người sử dụng nền tảng này như kênh phát ngôn chính của họ.
Twitter là nơi tin tức và mọi sự vụ được cập nhật theo thời gian thực. Các cuộc thảo luận mang tính quốc gia có thể nổ ra trên nền tảng này vào bất cứ ngày nào.
Đó là công cụ truyền thông chính của ông Donald Trump trong những năm vận động tranh cử và trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, trước khi bị khóa tài khoản vì có liên quan đến vụ bạo loạn Điện Capitol vào ngày 6/1/2021.
Kể từ khi bị Twitter cấm cửa, ông Trump đã phải vật lộn để thành lập và quảng bá nền tảng riêng tương tự, Truth Social. Cựu tổng thống cũng tuyên bố sẽ không sử dụng lại Twitter dù có được mở lại tài khoản.
Elon Musk tại lễ khai trương Gigafactory của Tesla, ngoại ô Berlin, ngày 22/3. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, nhiều người tin rằng ông cuối cùng sẽ trở lại nền tảng này nếu được phép, vì đã đạt được những thành công to lớn trong việc chọn Twitter làm kênh phát ngôn.
Ông Musk được cho là sẽ sớm đưa ra quyết định, và điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc chạy đua tiếp theo vào ghế tổng thống Mỹ.
Con người của những tiên phong
Trong số nhiều tham vọng của mình, Musk mong muốn thay đổi cơ bản cách di chuyển của con người hiện tại, cũng như tạo ra những đích đến hoàn toàn mới. Sao Hỏa là một trong số đó.
Cho đến nay, SpaceX - thuộc sở hữu tư nhân của ông - đã rất xuất sắc trong việc quảng bá về sứ mệnh cao cả đó. Công ty thậm chí còn đánh bại Blue Origin của Jeff Bezos và giành được hợp đồng gần 3 tỷ USD với NASA để đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng.
Công ty hiện thường xuyên đưa các phi hành đoàn lên Trạm Vũ trụ Quốc tế và là công ty đầu tiên mở chuyến bay lên vũ trụ mà phi hành đoàn toàn bộ là khách du lịch hồi tháng 8 năm ngoái.
SpaceX vẫn còn một chặng đường dài phía trước, thế nhưng nó đã xoay xở để phát triển từ một dự án phụ nghe có vẻ kỳ quặc của vị tỷ phú thành một công cụ đáng tin cậy của ngành hàng không vũ trụ Mỹ.
Ông Elon Musk trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, Florida, Mỹ, ngày 19/1/2020. Ảnh: Reuters. |
Một nhà phân tích của tổ chức đầu tư Morgan Stanley cho rằng SpaceX, hơn cả Tesla, có thể giúp Musk trở thành nhân vật đầu tiên trên thế giới sở hữu hàng nghìn tỷ USD.
Với Tesla cũng vậy, tham vọng của Musk về một tương lai hoàn toàn chỉ có ôtô điện và có thể tự lái đang ngày càng hiện rõ. Tiếp quản Tesla vào năm 2008, Musk đã đưa công ty tham gia vào thị trường ôtô đông đúc của Mỹ và biến nó thành một doanh nghiệp toàn cầu trị giá nghìn tỷ USD. Cho đến nay, Tesla đang đứng vững vị trí số một toàn cầu trong ngành ôtô điện tính theo giá trị vốn hóa thị trường.
Musk đã không ngừng thúc đẩy tầm nhìn của mình, bất chấp những bước đầu đầy chông gai của Tesla trong lĩnh vực xe “bán tự hành”. Công nghệ "tự hành hoàn toàn" của công ty đã được mô tả là chưa tối ưu. Phần mềm này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Dù Tesla đã trải qua rất nhiều nghiên cứu trễ hạn hoặc thất bại cho đến nay, không gì có thể ngăn cản ông Musk tiếp tục tham vọng của mình.
Vị tỷ phú vẫn tiếp tục nói về một tương lai mà toàn quốc đều sử dụng xe tự hành và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông có thể giảm tới 99%.
Với những thành công không thể phủ nhận cho đến nay, Elon Musk đang điều hành và phát triển nhiều doanh nghiệp có thể xác định tương lai của thế giới.
Và với giá trị tài sản ròng 257 tỷ USD, theo Bloomberg, Musk có khả năng ảnh hưởng đến các vấn đề toàn cầu. Twitter chỉ đơn giản là công cụ mới nhất mà vị tỷ phú tài ba này nhắm đến.
Link nội dung: https://biztoday.vn/elon-musk-dang-tro-thanh-nguoi-quyen-luc-nhat-the-gioi-297659.html