Xây dựng khung pháp lý về tài sản số

Ngày nay, hàng loạt đồng tiền ảo, hay còn gọi là tiền mã hóa (cryptocurrency) như bitcoin, ethereum… đã trở nên phổ biến, có sàn giao dịch riêng, vốn hóa hàng chục tỷ USD. Cùng với đó, thị trường tài sản ảo, nhất là NFT (Non-fungible token) đang phát triển mạnh, có giá trị thương mại tăng hàng tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu…

Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 10 nhà khởi nghiệp, sáng tạo trong lĩnh vực blockchain với số vốn hóa trên 100 triệu USD. Giá trị của blockchain đã được minh chứng qua các giá trị tạo ra, đã được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, như: quản lý dữ liệu, quản lý tài chính và tài sản… Nhưng với tiền ảo hay tài sản ảo, một trong những giá trị từ blockchain, từ trước đến nay vẫn loay hoay hoạt động do chưa có khung pháp lý cụ thể. Hệ lụy của việc chưa có quy định pháp lý này có thể thấy rõ qua số liệu thống kê từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an): “Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 1 triệu người sở hữu và tham gia với số tiền giao dịch hàng ngày lên tới vài trăm tỷ đồng. Đặc biệt với các dự án GameFi ứng dụng công nghệ blockchain, với đặc tính ẩn danh của các đồng tiền số, hầu như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này thường không đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, gây thất thu thuế đáng kể và phức tạp trong quản lý, nhất là với các dự án bị phát hiện lừa đảo”.

Hiện khung pháp lý về tiền số, vật phẩm số vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất chính sách pháp lý cũng như phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện biện pháp quản lý phù hợp, mặc dù trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt theo Quyết định số 1255/QĐ-TTg về Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử từ ngày 21-8-2017.

Trước thực tế phát triển của lĩnh vực này, việc gấp rút xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về tài sản số, tiền số là cấp thiết.

Link nội dung: https://biztoday.vn/xay-dung-khung-phap-ly-ve-tai-san-so-297947.html