Theo Báo cáo tài chính mới đây của Habeco, chỉ sau một năm, tổng tài sản của công ty đã giảm 7,76% (giảm 596 tỷ đồng) so với năm 2020. Hiện tổng tài sản của Habeco chỉ còn hơn 7.087 tỷ đồng, trong đó tài sản dài hạn giảm sâu với hơn 438 tỷ đồng và chỉ chiếm 38,74% tỷ trọng tải sản của công ty này.
Năm 2021, Habeco giảm tới 50% lợi nhuận sau thuế
Trong khi đó, tính đến hết năm 2021, tổng nợ phải trả của Habeco là 2.252,9 tỷ đồng tăng 15,62% so với năm 2020. Trong đó, công ty vay nợ thuê tài chính dài hạn là 147,9 tỷ đồng, đặc biệt nợ ngắn hạn tăng mạnh 20,55% lên con số 2.104,99 tỷ đồng. Theo Habeco, năm 2021 công ty đã thanh toán công nợ với nhà cung cấp và trả người bán ngắn hạn xuống còn hơn 400 tỷ đồng.
Cũng trong năm qua, Habeco có doanh thu thuần đạt hơn 6.950 tỷ đồng. Tuy nhiên đây là con số cho thấy doanh thu thuần giảm đáng kể tới 6,74% (hơn 502 tỷ đồng) so với năm 2020. Cùng với đó là lợi nhuận sau thuế của Habeco cũng giảm mạnh gần 51% so với năm trước, nhưng lại tăng 21,7% so với kế hoạch mà doanh nghiệp đưa ra trong năm qua.
Nguyên nhân giảm được Habeco đưa ra là do năm 2020, Habeco có khoản thu nhập khác từ chi phí dự phòng phải trả của các năm trước. Năm 2021 do Nghị định 100 và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tiếp tục có tác động lớn đến sự sụt giảm lợi nhuận sau thuế của công ty.
Theo số liệu thống kê, doanh thu thuần của Habeco từ 2018 đến 2021 đã giảm tới 23.6% với hơn 2.150 tỷ đồng, và đặc biệt lợi nhuận năm 2021 giảm thấp nhất trong bốn năm qua. Liệu doanh nghiệp có đang đi đúng hướng khi doanh thu và lợi nhuận ngày một sụt giảm càng khiến cho nhiều nhà đầu tư lo lắng.
Được biết, Habeco có 26 công ty thành viên, trong đó có 16 công ty chiếm tỷ lệ sở hữu trên 50%, 6 công ty có tỷ lệ sở hữu từ 20 - 50% và 4 công ty có tỷ lệ sở hữu dưới 20%.
Công ty Habeco do ông Trần Đình Thanh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị nắm giữ hơn 85 nghìn cổ phần và ông Ngô Quế Lâm làm Tổng Giám đốc nắm giữ gần 60 nghìn cổ phần.
Trước đó, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều nhiều thiếu sót và sai phạm trong quản lý và sử dụng vốn, chính sách giá mua bia, chính sách tiêu thụ sản phẩm... tại Habeco.
Cụ thể, Habeco đã không thực hiện mua nguyên vật liệu chính thông qua đấu thầu mà thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho lô hàng trên 5 tỉ đồng. Habeco cũng không tổ chức đấu thầu mua nguyên liệu malt, chỉ chào hàng hạn chế, sau đó chọn giá chào thấp nhất để làm giá mua, số lượng mua không dành toàn bộ cho nhà cung cấp có giá thấp nhất mà phân bổ cho nhiều nhà cung cấp theo giá thấp nhất.
Ông Trần Đình Thanh hiện đang là Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco) thay ông Đỗ Xuân Hạ vào năm 2018.
Trong phân bổ sản lượng bia Hà Nội gia công cho các đơn vị thành viên, về nguyên tắc, Habeco thực hiện dựa trên kế hoạch tiêu thụ tại các khu vực, năng lực sản xuất, thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của năm trước… Trên thực tế, Habeco chưa có tài liệu thuyết minh việc phân bổ này.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện việc phân bổ chỉ tiêu sản xuất cho các đơn vị thành viên của Habeco có sự khác biệt rất lớn giữa năng lực sản xuất với sản lượng được phân bổ. Về chính sách giá mua bia của công ty mẹ đối với các công ty con, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng Habeco chưa có sự liên hệ giữa giá mua với giá thành hay lợi nhuận của nhà sản xuất, việc xác định giá mua đều dựa trên cơ sở giá mua của năm trước được điều chỉnh theo yếu tố thuế hoặc giá đầu ra.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tong-cong-ty-habeco-no-hon-2000-ty-dong-va-sut-giam-50-loi-nhuan-298189.html