IS trỗi dậy tàn bạo

Các vụ tấn công chết chóc gần đây tại Afghanistan làm gia tăng lo ngại về sự trỗi dậy tiềm tàng của các nhóm cực đoan và về sau có thể gây ra mối đe dọa quốc tế.

Vụ nổ đầu tiên xé toạc một trường trung học ở Kabul, thủ đô Afghanistan, khiến nhiều học sinh thiệt mạng. Vài ngày sau, các vụ nổ phá hủy hai nhà thờ Hồi giáo và một xe buýt nhỏ ở phía bắc đất nước. Tuần sau đó, ba vụ nổ khác nhắm vào người Hồi giáo dòng Shiite và Sufi.

Các cuộc tấn công trong hai tuần qua đã khiến ít nhất 100 người chết và làm dấy lên lo ngại Afghanistan đang chìm vào một mùa xuân bạo lực, khi chi nhánh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở nước này tìm cách gây suy yếu chính quyền Taliban, đồng thời thể hiện phạm vi tấn công mới của mình.

Khuấy động nỗi sợ hãi

Các cuộc tấn công bất ngờ nổ ra trên khắp Afghanistan đã làm mất đi sự yên tĩnh tương đối sau khi Taliban nắm chính quyền vào tháng 8/2021, kết thúc 20 năm chiến tranh ở quốc gia Trung Đông.

Bằng cách nhắm mục tiêu vào dân thường, người Shiite Hazara và người Sufis trong những tuần gần đây - các phần tử khủng bố đã khuấy động nỗi sợ hãi Afghanistan không thể thoát khỏi một chu kỳ bạo lực kéo dài.

Chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Afghanistan - được gọi là Nhà nước Hồi giáo Khorasan, hay ISIS-K - đã nhận trách nhiệm đối với 4 trong số 7 vụ tấn công lớn gần đây, theo SITE Intelligence Group, nhóm chuyên theo dõi các tổ chức cực đoan.

Những vụ tấn công vẫn chưa có bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm đều để lộ đặc điểm tương tự những cuộc tấn công trước đây của ISIS-K. Nhóm khủng bố này vốn coi người Shiite và Sufis là dị giáo.

Ngôi trường của các nam sinh ở Kabul bị đánh bom vào tháng 4. Ảnh: New York Times.

Với các cuộc tấn công nói trên, ISIS-K cũng vùi dập tuyên bố của Taliban rằng họ đã dập tắt mọi mối đe dọa trong nước từ IS. Chúng cũng làm gia tăng lo ngại về sự trỗi dậy tiềm tàng của các nhóm cực đoan ở Afghanistan mà sau cùng có thể gây ra mối đe dọa quốc tế.

Tháng trước, IS tuyên bố đã bắn rocket vào Uzbekistan từ miền Bắc Afghanistan. Đây là cuộc tấn công có chủ đích đầu tiên của nhóm khủng bố này nhằm vào một quốc gia Trung Á.

Michael Kugelman, Phó giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn ở Washington, nói với New York Times: “ISIS-K rất bền bỉ. Họ đã sống sót sau nhiều năm hứng chịu các cuộc không kích của NATO và những chiến dịch tấn công trên bộ của Taliban”.

“Nay, sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan và Mỹ rút quân, ISIS-K thậm chí còn trỗi dậy mạnh mẽ hơn”, vị chuyên gia nói thêm.

Trỗi dậy mạnh mẽ hơn

ISIS-K do các chiến binh Taliban người Pakistan bất mãn thành lập vào năm 2015. Hệ tư tưởng của nhóm này được giữ vững một phần vì nhiều ngôi làng trong khu vực là nơi sinh sống của người Hồi giáo Salafi, cùng nhánh với Hồi giáo Sunni của IS. Những người theo Hồi giáo Salafi thuộc nhóm thiểu số trong Taliban - vốn có đa số theo trường phái Hanafi.

Kể từ khi được thành lập, ISIS-K đã đối đầu với Taliban. Có thời điểm hai nhóm này tranh giành quyền lực và các thủ lĩnh IS năm 2021 đã lên án việc Taliban tiếp quản Afghanistan, nói rằng phiên bản luật lệ Hồi giáo của Taliban không đủ cứng rắn.

Tuy nhiên, trong hầu hết 6 năm qua, IS đã bị khống chế ở phía đông Afghanistan trong bối cảnh các cuộc không kích của Mỹ và những đợt đột kích của biệt kích Afghanistan khiến nhiều thủ lĩnh của tổ chức này thiệt mạng. Dù vậy, kể từ khi Taliban nắm chính quyền, IS đã phát triển và mở rộng ra gần toàn bộ 34 tỉnh, theo Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan.

Sau khi Taliban phá bỏ các nhà tù mở trên khắp đất nước trong đợt tiến quân vào mùa hè năm ngoái, số lượng chiến binh IS ở Afghanistan đã tăng gấp đôi lên gần 4.000, Liên Hợp Quốc cho biết.

Abdul Sayed, chuyên gia an ninh - nhà nghiên cứu theo dõi ISIS-K và các nhóm thánh chiến khác, cho biết nhóm này cũng tăng cường hoạt động trên khắp Afghanistan. Trong 4 tháng cuối năm 2021, IS đã thực hiện 119 vụ tấn công ở Afghanistan, tăng từ 39 vụ trong cùng kỳ năm ngoái. Chúng bao gồm các vụ đánh bom liều chết, ám sát và phục kích vào các trạm kiểm soát an ninh.

Trong số đó, 96 vụ nhắm vào các quan chức hoặc lực lượng an ninh của Taliban, so với chỉ 2 vụ trong cùng kỳ năm 2020 - một sự thay đổi rõ rệt so với đầu năm 2021 khi nhóm này chủ yếu nhắm vào dân thường, bao gồm các nhà hoạt động và nhà báo.

Một học sinh bị thương trong vụ tấn công trường trung học tại khu vực tập trung người Shiite Hazara ở Kabul. Ảnh: AFP.

Đáp lại, Taliban cũng thực hiện một chiến dịch tàn khốc trong năm 2021, chống lại các chiến binh bị nghi là IS ở tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan. Theo cư dân địa phương, các nhà phân tích và giám sát nhân quyền, Taliban chủ yếu tập trung các vụ bắt giữ và giết hại những người bị nghi thuộc IS.

Trong nhiều tháng mùa đông vừa qua, các cuộc tấn công của IS có phần sụt giảm - khiến nhiều người hy vọng rằng chiến dịch của Taliban đang phát huy hiệu quả.

Thế nhưng, hàng loạt các cuộc tấn công nổi lên gần đây cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường cho thấy IS đã dùng mùa đông để tập hợp lại lực lượng nhằm dồn lực cho đợt tấn công mùa xuân - hình thức tấn công vốn được Taliban sử dụng nhuần nhuyễn khi còn là một nhóm nổi dậy.

Các nhà phân tích cho rằng trong khi ISIS-K dường như không tìm cách đánh chiếm lãnh thổ như cách IS đã làm ở Iraq và Syria, các cuộc tấn công đã chứng tỏ khả năng của nhóm này trong việc gieo rắc sự hỗn loạn bất chấp các chiến thuật cứng rắn của Taliban.

Mối nguy hại lớn

Giới chuyên gia cũng lo ngại rằng khi nhận thấy sự thiếu hiệu quả trong chính quyền Taliban, các nhóm cực đoan khác trong khu vực vốn đã không ưa Taliban có thể chuyển sang liên minh với IS.

“ISIS-K muốn thể hiện quy mô của mình và vươn ra ngoài lãnh thổ Afghanistan. Nhóm này muốn chứng tỏ rằng cuộc thánh chiến của họ bạo lực hơn Taliban và tổ chức của họ thuần khiết hơn”, Asfandyar Mir, chuyên gia cao cấp tại Viện Hòa bình Mỹ, nói với New York Times.

Các vụ nổ gần đây đặc biệt gây chấn động đối với người Shiite Hazara của Afghanistan, những người từ lâu đã lo sợ rằng Taliban - vốn đối đầu với người Shiite Afghanistan trong nhiều thập kỷ - sẽ không ngăn cản các các hành động bạo lực chống lại họ. Xung đột cũng đã gây ra lo ngại ở nước láng giềng Iran, một chế độ thần quyền của người Shiite.

Nhiều người Shiite ở Afghanistan đã bị bỏ rơi khi IS thực hiện các vụ đánh bom liều chết tại nhà thờ Hồi giáo của người Shiite ở một thành phố phía bắc và một thành phố phía nam, cướp đi sinh mạng hơn 90 người vào tháng 10/2021. Các vụ nổ gần đây, chủ yếu nhắm vào các khu vực của cộng đồng Hazara, đang khoét sâu thêm những nỗi sợ hãi đó.

Cuối tháng trước, Saeed Mohammad Agha Husseini, 21 tuổi, nghe thấy tiếng nổ khi đang đứng bên ngoài nhà anh ở khu vực Dasht-e-Barchi của Kabul, do cộng đồng Hazara kiểm soát. Saeed và cha chạy tới ngôi trường trên phố và chứng kiến nhiều học sinh kinh hãi đổ ra cổng, thi thể rướm máu của một số học sinh nằm ngổn ngang trên lề đường.

Cha của Saeed chạy đến giúp đỡ các nạn nhân, nhưng vài phút sau ông nghe thấy tiếng nổ chói tai khác. Một vụ nổ thứ hai xảy ra ở cổng trường, khiến người cha bị thương nặng và tử nạn.

Người thân khóc thương ông Mohammad Hussein thiệt mạng trong vụ nổ tại trường nam sinh ở Kabul. Ảnh: New York Times.

Một tuần sau, Saeed ngồi dưới mái hiên nhỏ cùng họ hàng tiễn đưa người cha xấu số. Bên ngoài, đường phố nhộn nhịp một thời nay vắng lặng, nỗi sợ dâng cao về một vụ tấn công khác. Tại ngôi trường xảy ra vụ tấn công, các nhà lãnh đạo cộng đồng đang thảo luận về việc thuê vệ sĩ.

“Chính phủ không thể bảo vệ chúng tôi, chúng tôi không an toàn”, Saeed nói. "Chúng tôi phải nghĩ về bản thân và tự bảo vệ sự an toàn cho chính mình”.

Link nội dung: https://biztoday.vn/is-troi-day-tan-bao-300545.html