"Dịch bệnh" được WHO cảnh báo là béo phì. Béo phì là bệnh không lây, tuy nhiên nếu nó mà là bệnh truyền nhiễm thì với tỉ lệ lên tới 59% dân số trưởng thành, nó đã thừa sức được xếp vào "epidemic" - tức một dịch bệnh.
Theo đài Al-Jazeera, báo cáo của WHO còn cho thấy tỉ lệ béo phì ở trẻ em cũng lên tới gần 1/3, trong đó 29% là trẻ trai, 27% là trẻ gái và tập trung ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Ở người trưởng thành mức chênh lệch theo giới tính rõ ràng hơn: 63% nam giới bị béo phì, trong khi ở phụ nữ là 54%.
Trụ sở của WHO ở Geneva - Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS
SciTech Daily trích dẫn báo cáo, cho hay châu Âu là một trong những khu vực có tỉ lệ cao nhất trên thế giới và vấn đề này gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của con người không kém bất kỳ loại bệnh truyền nhiễm khác.
Béo phì là một bệnh "tổng hợp", ước tính gây ra 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm riêng tại châu Âu, chiếm hơn 13% số tử vong toàn khu vực. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh khác bao gồm ung thư, tim mạch, tiểu đường type 2 và bệnh hô hấp mạn tính, ngoài ra còn chịu trách nhiệm cho 7% các trường hợp tàn tật do mắc phải trong khu vực châu Âu.
Đại dịch Covid-19 vừa qua cũng gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với người thừa cân và béo phì, bởi đó là một trong những bệnh nền rất dễ dẫn đến bệnh cảnh Covid-19 nặng, bao gồm "cơn bão Cytokine" tử thần. Các biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 cũng khiến tỉ lệ béo phì gia tăng, nguyên nhân chính là tăng tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh và kém vận động.
WHO khuyến cáo tất cả các quốc gia thành viên - không chỉ châu Âu - cầu có kế hoạch cụ thể để ngăn ngừa "đại dịch" béo phì, với trọng tâm là tái thiết cuộc sống lành mạnh hơn hậu đại dịch Covid-19.
"Béo phì không có biên giới. Tại châu Âu và Trung Á, không có quốc gia nào đạt được mục tiêu của WHO Global NCD (ủy ban toàn cầu về bệnh không lây nhiễm của WHO) về việc ngăn chặn sự gia tăng của béo phì" - SciTech Daily dẫn lời tiến sĩ Hans Henri P.Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu.
Tiến sĩ Kluge cho rằng để giải quyết "dịch bệnh mới", các quốc gia thành viên cần tạo ra những môi trường thuận lợi cho sức khỏe người dân hơn, thúc đẩy đầu tư và đổi mới trong lĩnh vực y tế, đồng thời phát triển hệ thống y tế vững mạnh và có khả năng phục hồi sau thảm họa.
Link nội dung: https://biztoday.vn/who-chau-au-xuat-hien-dich-benh-nguy-hiem-moi-301194.html