Thanh khoản thị trường vẫn ở mức khá thấp với giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 18.000 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý là mã lớn VHM tăng sát trần. Theo một số chuyên gia kinh tế, mặc dù vẫn còn một số yếu tố lo ngại nhưng thị trường chứng khoán đang được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại trong tháng 5/2022.
Trong phiên chiều 5/5, nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực tăng chính của thị trường. Bên cạnh TPB tăng kịch trần, nhiều mã khác trong ngành giao dịch khởi sắc như: CTG tăng 3,33%; VIB tăng 3,47%; EIB tăng 2,04%; BID tăng 2,55%; VCB và TCB cùng tăng 1,4%... Chỉ còn VPB, ACB, SSB, SHB, LPB điều chỉnh giảm nhẹ.
Dù tăng về điểm số, nhưng tâm lý thị trường vẫn còn lo lắng, khi hầu hết các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, thép, dầu khí… đều đóng cửa trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu với các mã đầu ngành như SSI, HCM, VCI, VND đều mất điểm, ngoại trừ một số mã như FTS, ORS xanh nhạt.
Chốt phiên chiều 5/5, HNX-Index giảm 2,22 điểm (-0,62%), xuống 358,75 điểm với 82 mã tăng (6 mã trần), 129 mã giảm (9 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 68,2 triệu đơn vị, tổng giá trị đạt 1.559,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 4,5 triệu đơn vị, giá trị 162,83 tỷ đồng, trong đó đáng kể là HTP thỏa thuận 4 triệu đơn vị, giá trị 148 tỷ đồng.
Trong ngày 5/5, một vấn đề được giới kinh tế quan tâm là Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ngày 4/5 (rạng sáng 5/5 theo giờ Việt Nam) đã quyết nâng lãi suất liên bang thêm 0,5 điểm phần trăm. Đây là động thái mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed trong thời gian qua.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, CTCP Chứng khoán SSI nhận định: “Fed tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm đã được dự báo từ trước. Việc họ giảm quy mô bảng cân đối tài sản cũng không phải là chuyện mới. Thậm chí, một Thống đốc Fed đã thông tin trong kỳ họp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về những vấn đề này rồi nên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không xảy ra những phản ứng bất ngờ. Nếu có bất ngờ thì chỉ xảy ra khi FED nâng mức tăng từ 50 lên 75 điểm”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, người sáng lập FinPeace, nội lực của kinh tế Việt Nam cũng đang tốt. “Khi mà ‘bão tố’ xảy ra trên thế giới thì sẽ là cơ hội để cải thiện vị thế. Trên thế giới, thị trường chứng khoán châu Âu đang giảm mạnh, sau đó Mỹ cũng giảm nhưng đã bật lên, sàn Hong Kong cũng giảm sâu. Xét tương đối, thị trường Việt Nam vẫn đang có một vị trí tốt, kể cả chỉ số VN-Index đã có nhiều phiên giảm sâu nhưng vẫn đang nằm ở mức an toàn”.
Dự báo thị trường chứng khoán tháng 5/2022, VNDirect Research dự báo: Chứng khoán Việt sẽ nhận được sự hỗ trợ từ một số yếu tố tích cực từ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ (+/-0,2 điểm %) trong quý II/2022, cải thiện từ mức tăng trưởng 5,0% trong quý I/2022. Dự báo năm 2022, GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ.
Một động lực khác cũng được các chuyên gia của VNDirect đưa ra, đó là kế hoạch kinh doanh khả quan cho năm 2022 được công bố trong Đại hội cổ đông thường niên. Theo đó ngày 25/4, 116 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2022. Các doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 17,3% và lợi nhuận ròng tăng trưởng 19,4% cho năm 2022. Trên sàn HNX, 91 doanh nghiệp niêm yết đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2022. Theo đó, các doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 16,8% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 13,3% cho năm 2022.
Một số ngành có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2022, bao gồm bán lẻ, ngân hàng, bất động sản, thủy sản, dệt may... Kế hoạch kinh doanh khả quan cho năm 2022 được công bố trong mùa Đại hội cổ đông thường niên sẽ giúp nâng cao niềm tin của nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp niêm yết. Cùng với đó, kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2022 cũng sẽ là động lực cho thị trường. Đến ngày 27/4/2021, 529 công ty đã công bố kết quả kinh doanh, tương ứng với 30,7% tổng số cổ phiếu và 20,7% tổng vốn hóa toàn thị trường. Theo đó, tổng doanh thu và lợi nhuận của các công ty này tăng lần lượt 31,5% và 68,1% so với cùng kỳ trong quý 1/2022.
Nhóm vốn hóa lớn có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là 81,3% so với cùng kỳ trong quý 1/2022, vượt trội so với nhóm vốn hóa trung bình và nhóm vốn hóa nhỏ, có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng lần lượt là 45,4% so với cùng kỳ và 23,4% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 27/4, chỉ có 7 ngành có tỷ lệ doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 cao hơn 40% (theo tỷ trọng vốn hóa) và tất cả đều có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong quý I/2022. Trong số 7 ngành này, hóa chất có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh nhất là 500,8% so với cùng kỳ, đóng góp 20,1% vào tăng trưởng lợi nhuận ròng của thị trường trong quý I/2022. Các ngành khác bao gồm: điện (+105,5% so với cùng kỳ), công nghệ (+36,6% so với cùng kỳ), dịch vụ tài chính (+28,9% so với cùng kỳ), đồ uống (+27,2% so với cùng kỳ), dầu khí (+23,8% so với cùng kỳ) và chăm sóc sức khỏe (+19,4 % so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của VNDirect, những lo ngại trên thị trường gần đây vẫn chưa tan biến, bao gồm: căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài hơn dự kiến và việc Trung Quốc giãn cách xã hội nghiêm ngặt làm tăng thêm lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn dự định trước đó; lạm phát trong nước cao hơn dự kiến có thể cản trở đà phục hồi kinh tế và khiến chính sách tiền tệ thắt chặt sớm hơn dự kiến.
Theo số liệu từ VNDirect, tại thời điểm ngày 25/4/2022, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 14,7 lần, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020 và giảm 15,2% so với mức đỉnh từ đầu năm. Các chuyên gia của công ty này kỳ vọng, lợi nhuận thị trường tăng trưởng lần lượt 23% so với cùng kỳ và 19% trong năm 2022 và 2023, khiến mức P/E dự báo cho năm 2022 là 12,3 và P/E dự báo cho 2023 là 10,5 lần, thấp hơn nhiều so với P/E trung bình 3 năm gần đây là 16,2 lần.
“Đây là mức định giá thị trường rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn, những người tìm kiếm các doanh nghiệp được quản trị tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận cao. Chúng tôi tin rằng những nỗ lực gần đây của các cơ quan quản lý trong việc nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán sẽ mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp cho sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn”, chuyên gia VNDirect cho biết.
Còn Công ty chứng khoán BSC đưa ra 2 kịch bản cho Vn-Index trong tháng 5/2022. Theo đó kịch bản thứ nhất, VN-Index quay trở lại xu hướng hồi phục sau chuỗi thời gian giảm điểm khi quay trở lại kiểm tra vùng 1.380 - 1.400 điểm đồng thời hướng đến vùng 1.450 - 1.480 điểm khi tâm lý thị trường tích cực trở lại sau động thái quyết tâm làm lành mạnh thị trường tài chính nói riêng và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, khôi phục nền kinh tế nói chung của Chính phủ, đồng thời diễn biến địa chính trị và giá cả hàng hóa vận động theo xu hướng tích cực, thị trường sẽ tiếp tục phân hóa khi các cổ phiếu chủ chốt được kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt
Kịch bản thứ hai, tâm lý tiêu cực quay trở lại, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục biến động mạnh trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc tiếp tục khó lường. Diễn biến Nga – Ukraine chưa chấm dứt bên cạnh những biện pháp trừng phạt và đáp trả mới giữa Nga và các nước phương Tây khiến thị trường tiếp tục trong tâm lý thận trọng.
Mặt khác, FED nâng lãi suất tiếp theo với mức độ lớn hơn điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu. VN-Index được dự báo dao động trong khoảng 1.350 +/- 50 điểm.
Link nội dung: https://biztoday.vn/sac-xanh-lan-toa-chung-khoan-se-phuc-hoi-trong-thang-52022-301842.html