Hà Nội dự kiến có thêm 7 quận vào năm 2030

Bộ Chính trị đặt mục tiêu cho Hà Nội đến 2025 có 3-5 huyện và đến 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển lên quận. Đến 2045, Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu và có mức sống cao.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Bộ Chính trị, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới.

Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu

Mục tiêu được Bộ Chính trị nêu trong nghị quyết là đến năm 2030 thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 -8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 -13.000 USD.

Khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN.

Tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Về giải pháp, thành phố cần đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, Hà Nội cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Hỗ trợ phát triển bền vững, đồng bộ các thị trường tài chính, tiền tệ; thị trường chứng khoán; thị trường bất động sản; thị trường khoa học và công nghệ; thị trường lao động; thị trường dịch vụ văn hóa.

Thành phố phát huy vai trò dẫn dắt, tạo động lực của đầu tư công kết hợp với khuyến khích, phát huy các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế…; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

7 huyện dự kiến lên quận vào 2030

Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội.

Bộ Chính trị đặt mục tiêu cho Hà Nội đến 2025 có 3-5 huyện và đến 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận. Ảnh: Vũ Minh Quân.

Thành phố cần nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030; mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng thủ đô và khu vực phía Bắc.

Bộ Chính trị đặt mục tiêu cho Hà Nội đến 2025 có 3-5 huyện và đến 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận. Song song với đó, thành phố cần cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác hiệu quả, bền vững các công trình, không gian lịch sử văn hóa tại khu vực nội đô lịch sử.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị nêu nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội; ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

Link nội dung: https://biztoday.vn/ha-noi-du-kien-co-them-7-quan-vao-nam-2030-302177.html