Bảng giá tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)
Cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 6/5 nói riêng và cả tuần qua nói chung, khi giới đầu tư đang xem xét số liệu việc làm tháng Tư trong bối cảnh những lo ngại về nguy cơ đình lạm (kinh tế đình trệ và lạm phát cao xảy ra cùng lúc) của nền kinh tế ngày càng tăng.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 98,60 điểm, hay 0,3%, xuống 32.899,37 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq mất 173,03 điểm, hay 1,4%, và khép phiêm với 12.144,66 điểm, còn chỉ số S&P 500 giảm 23,53 điểm, hay 0,6%, xuống 4.123,34 điểm.
Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm 0,2%, còn chỉ số Nasdaq giảm 1,5%. Đây là tuần giảm điểm thứ năm liên tiếp của cả hai chỉ số Nasdaq và S&P 500, và cũng là chuỗi suy giảm dài nhất của riêng chỉ số S&P 500 này kể từ tháng 6/2011, theo số liệu của Dow Jones Market Data. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones cũng ghi nhận tuần mất điểm thứ sáu liên tiếp.
Trước đó, chứng khoán Mỹ đã có ba phiên tăng điểm liên tiếp vào đầu tuần này, ngay cả khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ lần đầu tiên trong gần bốn năm chạm mức 3%, trước triển vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ngày 4/5, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức Fed phụ trách chính sách tiền tệ, đã tăng lãi suất thêm 0,5% lên phạm vi mục tiêu 0,75% đến 1%. Ngân hàng trung ương Mỹ đã không tăng lãi suất quá 0,25% trong một cuộc họp FOMC kể từ tháng 5/2000.
Sau khi để lãi suất gần bằng 0% trong cả năm 2021, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các lãnh đạo ngân hàng khác đã cam kết nhanh chóng đưa chi phí đi vay trở lại mức sẽ không kích thích nền kinh tế. Các quan chức hàng đầu của Fed đều xác nhận sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% trong những tuần trước cuộc họp FOMC vào tháng Năm này sau khi thông qua mức tăng 0,25% vào tháng Ba.
Theo ông Powell, mức tăng 0,5% sẽ tiếp tục được đưa ra bàn thảo trong những cuộc họp tới, song FOMC sẽ chưa xem xét đến mức tăng 0,75% trong tương lai gần. Các chuyên gia nhận định những bình luận trên đã thúc đẩy đà tăng cho thị trường chứng khoán giữa bối cảnh ông Powell bày tỏ tin tưởng Fed có thể giúp nền kinh tế "hạ cánh mềm" với việc ngăn chặn lạm phát song không đưa nền kinh tế vào suy thoái.
Tuy nhiên, sang phiên giao dịch 5/5, chứng khoán Mỹ lại chịu tổn thất nặng nề do hoạt động bán tháo trên diện rộng giữa những lo ngại về sự thay đổi chính sách tiền tệ và rủi ro kinh tế gia tăng do vấn đề lạm phát. Trong đó, đáng chú ý, chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi dấu phiên giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020 trong phiên này.
Angelo Kourkafas, chiến lược gia đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Edward Jones (Mỹ), cho rằng tuyên bố tăng lãi suất của Fed là tín hiệu về một trong những chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ. Theo chuyên gia này, khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh, có một số người lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 4/5 vừa công bố số liệu cho thấy thâm hụt thương mại trong tháng Ba đã tăng 22,3% so với tháng trước đó, lên mức 109,8 tỷ USD. Sự mất cân bằng thương mại đã gây áp lực lên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý đầu tiên, và các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng phải đối mặt với lạm phát tăng cao, tình trạng thiếu hụt nhân công sẵn có và chi phí vay tăng.
Nhưng báo cáo việc làm tháng Tư được công bố ngày 6/5 đã xoa dịu phần nào những lo ngại về khả năng suy thoái của nền kinh tế, với 428.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng trước, trong khi tỷ lệ lạm phát ổn định ở mức 3,6%, gần mức thấp nhất trong 54 năm qua, còn tiền lương theo giờ trung bình tăng nhẹ 0,3%.
Ông John Lynch, giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản Comerica Wealth Management, cho rằng báo cáo nói trên là một sự cân bằng, với mức tăng việc làm ổn định hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, và áp lực tiền lượng giảm xoa dịu phần nào lo ngại về lạm phát./.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chi-so-sandp-500-ghi-nhan-chuoi-giam-diem-dai-nhat-ke-tu-nam-2011-302934.html