Chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ cản trở sự phục hồi kinh tế của một số nước

Trong bối cảnh giá dầu và thực phẩm đang có xu hướng tăng cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông qua việc tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% sẽ cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế của một số quốc gia.

Đây là nhận định của nhà kinh tế học người Venezuela -Victor Alvarez trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc mới đây.

Theo nhà kinh tế học Victor Alvarez, quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ bằng cách tăng lãi suất cơ bản sẽ mang lại những tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế của một số quốc gia, đồng thời làm tăng chi phí tài chính và gây ra tác động tiêu cực rộng rãi hơn trong dài hạn.

Nhà kinh tế học Victor Alvarez nhấn mạnh: “Điều này chắc chắn sẽ cản trở nỗ lực của một số quốc gia nhằm phục hồi nền kinh tế thông qua việc tăng cường đầu tư vào sản xuất. Ví dụ, một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn hoặc chi phí tài chính cao hơn.

(Ảnh minh họa: THX/TTXVN)

Về sự cân bằng giữa chi phí và lợi ích, cách tiếp cận của Mỹ sẽ dẫn đến sự gia tăng lớn hơn trong chi phí tài chính cuối cùng, điều này có tác động lớn nhất đến các nhóm dễ bị tổn thương trong nền kinh tế, chẳng hạn như các công ty vừa và nhỏ. Các công ty không có khả năng trả nợ sẽ dễ dàng bị cưỡng chế các tài sản thế chấp”.

Theo nhà kinh tế học Victor Alvarez, cán cân thanh toán của nhiều nước có thể sẽ rơi vào trạng thái thâm hụt do các dòng vốn đầu tư tháo chạy, trong khi đó, giá dầu, giá lương thực tăng cao, sẽ đẩy một số nền kinh tế đối mặt với thực trạng nợ nước ngoài ngày càng nhiều hơn. Với việc cán cân thanh toán trở nên xấu hơn, một số nền kinh tế sẽ buộc phải bán lại các tài sản ở khu vực công, như cơ sở hạ tầng, nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai... để có thể có được các khoản vay khác nhau.

Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất cơ bản của FED còn có thể gây ra sự chênh lệch giàu nghèo tại Mỹ trở nên lớn hơn.

Trước đó, ngày 4/5 vừa qua, FED đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% lần đầu tiên sau hơn 20 năm. Với quyết định này, FED đã chính thức nâng lãi suất cho vay ngắn hạn từ biên độ 0,25 tới 0,5% lên mức biên độ 0,75 tới 1%.

Ngoài ra, trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa do đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ tạo thêm áp lực và gánh nặng cho nền kinh tế Mỹ. FED cho biết có thể sẽ có thêm những đợt tăng lãi suất cơ bản tiếp theo. Những động thái này được đánh giá là nhằm nỗ lực kiểm soát tình trạng lạm phát tồi tệ nhất ở Mỹ trong vòng 40 năm qua./.

Link nội dung: https://biztoday.vn/chinh-sach-that-chat-tien-te-cua-my-can-tro-su-phuc-hoi-kinh-te-cua-mot-so-nuoc-302938.html