Cuộc chiến tranh hiện tại ở châu Âu, nhìn bề ngoài là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin từng nói rằng, trên thực tế, chính Mỹ đang tham chiến với Nga và nước này đơn giản muốn sử dụng các lực lượng Ukraine làm lực lượng ủy nhiệm để tiến hành cuộc chiến đó. Ông Putin cũng nhiều lần cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu xung đột tiếp tục lan rộng.
Binh sỹ Ukraine di chuyển cạnh xác xe tăng ở Bucha. Ảnh: Reuters
Mỹ liên tiếp phá vỡ “giới hạn đỏ”
Những phát ngôn này đã khiến giới truyền thông đặt câu hỏi: Liệu đây có thực sự là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm và liệu Mỹ có ý định làm suy yếu Nga thông qua cuộc chiến tại Ukraine mà không cần can dự trực tiếp hay không?
Tờ New Yorker mới đây đăng tải một bài phân tích cho rằng, Mỹ đã liên tục phá vỡ các “giới hạn đỏ” mà nước này đưa ra liên quan đến cuộc chiến Ukraine, cả về kế hoạch trước mắt lẫn lâu dài. Ban đầu, Washington tỏ ra thận trọng khi Moscow huy động hơn 150.000 binh sỹ dọc biên giới với Ukraine trong suốt mùa Thu và mùa Đông, đồng thời kiềm chế hành động để tránh “chọc giận” Nga. Hai ngày sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vẫn tuyên bố rằng, mục tiêu của nước này là đứng sau và hỗ trợ cho Ukraine.
Nhà Trắng cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, đầu tiên là nhắm vào một số ngân hàng, các nhà tài phiệt, nhân vật chính trị, các nhà máy do chính phủ Nga sở hữu và gia đình Tổng thống Putin để gây sức ép buộc Moscow phải chấm dứt chiến dịch quân sự, mà không cần can thiệp quân sự. “Một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO có thể dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ 3 – điều mà chúng ta cần phải nỗ lực ngăn chặn”, ông Biden tuyên bố hồi đầu tháng 3.
Tuy nhiên, chỉ trong 10 tuần, xung đột Nga-Ukraine đã nhanh chóng phát triển thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm hoàn toàn với sự can dự ngày càng gia tăng của Mỹ và NATO, theo nhận định của New Yorker. Các quan chức Mỹ hiện đã định hình vai trò của họ với mục tiêu tham vọng hơn: làm “suy yếu” Nga và “đảm bảo an ninh lâu dài” cho Ukraine. Cùng với việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, Washington đã chi hàng tỷ USD viện trợ quân sự, cung cấp các loại vũ khí sát thương và phi sát thương cho Ukraine.
“Cái giá phải trả cho cuộc chiến này không hề rẻ”
Khi nguồn ngân quỹ dành cho hoạt động viện trợ gần cạn kiệt, Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội phê chuẩn cấp thêm 33 tỷ USD hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine. Theo Politico, khoản viện trợ mới bằng một nửa quy mô ngân sách quốc phòng của Nga và hơn một nửa ngân sách hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ. “Cái giá phải trả cho cuộc chiến này không hề rẻ”, ông Biden thừa nhận.
Đối với Tổng thống Putin, cuộc chiến Nga - Ukraine dường như là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga với NATO. Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự, ông đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mối đe dọa của liên minh quân sự này cũng như sự mở rộng của NATO về phía Đông với việc kết nạp thêm nhiều nước từng thuộc Liên xô cũ.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden luôn phản đối quan điểm đó. Khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, ông Biden từng nhấn mạnh ông không muốn biến xung đột ở Ukraine thành một cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Nga. Thay vào đó, Mỹ chỉ giúp một đất nước đấu tranh tự bảo vệ mình.
Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng qua, Washington ngày càng gia tăng sự can dự và nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine đang trở thành cuộc chiến của Mỹ. Một dẫn chứng cụ thể là ngày 24/4, 2 quan chức cấp cao trong chính quyền Biden, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã tới Ukraine để gặp Tổng thống Zelensky. Chuyến thăm phản ánh mục tiêu ngày càng tham vọng của Mỹ. Phát biểu với báo chí gần biên giới Ba Lan, ông Austin nói: “Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm những việc như đã làm ở Ukraine”. Ông Austin cũng tổ chức cuộc họp có sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng từ hơn 40 quốc gia nhằm vận động sự ủng hộ cho Ukraine.
Sự can dự ngày càng mạnh mẽ hơn của Washington dường như phản ánh mối lo ngại ở Mỹ cũng như ở các quốc gia ở gần biên giới Nga rằng, xung đột sẽ không chỉ dừng lại ở lãnh thổ Ukraine, mà còn lan rộng sang các khu vực khác và Mỹ cần phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn điều này.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, chiến lược của Mỹ sử dụng cuộc chiến ở Ukraine để làm suy yếu Nga hoàn toàn không phù hợp với nỗ lực tìm kiếm một lệnh ngừng bắn và thậm chí là một giải pháp hòa bình tạm thời. Vì nó sẽ đòi hỏi Washington phản đối bất cứ thỏa thuận nào như vậy để cuộc chiến kéo dài. Vào cuối tháng 3, chính phủ Ukraine đưa ra một loạt các đề xuất hòa bình nhưng việc Mỹ không bày tỏ sự ủng hộ công khai dành cho các đề xuất đó là điều đáng chú ý. Trước các bước đi ngày càng táo bạo của Mỹ, Tổng thống Putin đã đưa ra cảnh báo sắc lạnh rằng, Nga có thể tung ra phản ứng “nhanh như chớp” đối với bất cứ quốc gia nào cố tình can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine và gây ra mối đe dọa với Nga.
Ảnh: AP.
Hậu quả không chừa bất cứ ai
Hiện, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang diễn ra rất khốc liệt tại khu vực Donbass. Theo giới phân tích, nếu giành quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực này, Nga có thể chuyển sang chế độ phòng thủ và đề xuất một lệnh bắn làm cơ sở cho các cuộc đàm phán. Khi đó, Mỹ và đồng minh sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn: hoặc chấp nhận kịch bản đó và sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây sức ép buộc Nga phải đưa ra các điều khoản có thể chấp nhận được hoặc tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine để nước này tiến hành một cuộc phản công lớn.
Câu hỏi đặt ra là Nga sẽ chấp nhận chiến lược như vậy của phương Tây trong bao lâu cho đến khi họ quyết định có hành động dứt khoát khiến căng thăng thẳng leo thang. Cho đến nay, các cuộc tấn công của Nga nhằm ngăn chặn nguồn cung vũ khí của Mỹ và đồng minh chỉ giới hạn trong lãnh thổ Ukraine. Vậy hậu quả sẽ như thế nào nếu cuộc được mở rộng sang lãnh thổ Ba Lan? Điều gì sẽ xảy ra trong trường Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây để tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga?
Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, không một tổng thống Mỹ nào quên được rằng cả Moscow và Washington đều có khả năng rơi vào một cuộc chiến tranh hạt nhân, có thể hủy diệt nền văn minh nhân loại. Vì lẽ đó, các nhà lãnh đạo Mỹ, trước hết là Tổng thống Truman, tiếp đến là Eisenhower đã áp dụng chiến lược “kiềm chế” Liên Xô ở châu Âu và không cố gắng “đẩy lùi” sức mạnh của nước này thông qua việc vũ trang cho các lực lượng chống Liên Xô tại Đông Âu.
Ông Anatol Lieven, Giáo sư Đại học Georgetown, thành viên Chương trình New America cho rằng, Nga và Mỹ hiện nay cũng nên ghi nhớ điều này, bởi nếu cả hai bên tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, thì không chỉ bản thân những nước này phải gánh thiệt hại mà các lực lượng tham chiến trên thực địa – những lực lượng đang trở thành “con tốt” của các chương trình nghị sự mà họ theo đuổi, sẽ phải chịu hậu quả thậm chí còn nghiêm trọng hơn./.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chien-tranh-ukraine-dang-day-my-vao-mot-cuoc-xung-dot-uy-nhiem-voi-nga-304387.html