Ngày 12-5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Quốc Cường (cựu thứ trưởng Bộ Y tế) và 13 bị cáo khác trong vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty VN Pharma.
Đây là một trong những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và yêu cầu phải khẩn trương hoàn tất điều tra, truy tố, đưa ra xét xử trong quý II-2022.
Thuốc giả được cấp phép ngoạn mục
Năm 2007, Lê Xuân Khang (người Việt Nam, sinh sống và có quốc tịch tại Canada) về Việt Nam. Khang gặp đại diện Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương II và Công ty TNHH Dược phẩm Vimedimex, giới thiệu mình là người của Công ty Heatlh 2000 Canada Chi nhánh Việt Nam.
Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG
Khang đặt vấn đề muốn nhờ hai công ty này đứng tên đăng ký, nộp hồ sơ đề nghị Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp phép lưu hành cho bảy loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada: Extrafovir, Kaderox-250, Kafotax-1000, MGP Axinex-1000, MGP Mosinase-625, H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin.
Mặc dù hồ sơ mà Khang cung cấp gồm hàng loạt giấy tờ giả nhưng dưới sự “tiếp tay” của nhiều bị cáo tại Cục Quản lý dược, cả bảy loại thuốc nêu trên đều được cấp phép một cách ngoạn mục. Có được giấy phép, Khang nhờ cháu mình là Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải Quốc tế H&C) làm đại diện để phát triển thị trường.
Tiếp đó, hai người thỏa thuận, ký hợp đồng bán 6/7 thuốc nhãn mác Heatlh 2000 Canada với tổng số lượng hơn 2,4 triệu hộp thuốc, trị giá hơn 148 tỉ đồng cho năm doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm tại Việt Nam, thông qua 51 hợp đồng ngoại thương.
Trong đó, Khang trực tiếp thỏa thuận bán 6/7 thuốc với hơn 1,5 triệu hộp, thông qua 36 hợp đồng, tổng giá trị gần 95 tỉ đồng. Cường trực tiếp thỏa thuận bán 4/7 thuốc, với hơn 830.000 hộp cho Công ty VN Pharma, thông qua 15 hợp đồng, tổng giá trị hơn 54 tỉ đồng.
Đến nay, Khang bỏ trốn, thời hạn điều tra đã hết, cơ quan công an ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Do vậy, trong phạm vi vụ án lần này, cơ quan tố tụng chỉ xem xét trách nhiệm các bị cáo phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh đối với số lượng hơn 830.000 hộp thuốc với tổng giá trị hơn 54 tỉ đồng.
Ông Cường đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam với trị giá hơn 148 tỉ đồng.
Sự “dọn đường” từ Cục Quản lý dược
Như đã đề cập, các bị cáo tại VN Pharma và Công ty H&C dùng nhiều thủ đoạn để tuồn thuốc giả vào Việt Nam với số lượng cực lớn. Để những thủ đoạn này trót lọt, không thể không nói tới sự “dọn đường” từ Cục Quản lý dược.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng, cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty VN Pharma. Ảnh: UYÊN TRANG
Theo đó, quá trình thẩm định cấp phép lưu hành, hồ sơ của bảy loại thuốc nhãn mác Health 2000 Canada đều không đạt yêu cầu (không được hợp pháp hóa lãnh sự, không xác định Health 2000 Canada có được phép sản xuất dạng bào chế hay không…) nhưng các bị cáo tại Cục Quản lý dược vẫn đề xuất, cấp số đăng ký cho các loại thuốc này.
Cá biệt, hai trong số bảy loại thuốc còn được “ưu ái” đến mức đưa ra thẩm định sớm trái phép, mặc dù thời điểm ấy đang có tới gần 1.000 hồ sơ thuốc khác đang phải “xếp hàng chờ”. Thậm chí, dù các chuyên gia đã “đánh trượt” và đề nghị không cấp số đăng ký với hai thuốc trên, các bị cáo tại Cục Quản lý dược vẫn tự ý tẩy xóa, thay đổi ý kiến kết luận từ “không cấp” sang “bổ sung hồ sơ”, rồi cuối cùng là cấp phép lưu hành.
Tại thời điểm xảy ra vụ án, người có vai trò cao nhất ở Cục Quản lý dược là bị cáo Trương Quốc Cường, cục trưởng, sau này là thứ trưởng Bộ Y tế.
Với cương vị phó chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc, bị cáo Cường đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao; thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc.
Bị cáo Cường đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam với trị giá hơn 148 tỉ đồng.
Đặc biệt, trước khi vụ án bị khởi tố, nhiều cơ quan bao gồm cả phía Việt Nam và Canada đã có cảnh báo về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vậy nhưng ông Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy các loại thuốc này.
Hành vi trên dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada để điều trị cho người bệnh, với tổng giá trị hơn 3,7 tỉ đồng…
Đề nghị triệu tập cựu thứ trưởng Bộ Y tế
Tại phần thủ tục, nhiều luật sư đề nghị HĐXX triệu tập ông Cao Minh Quang (cựu thứ trưởng Bộ Y tế) để làm rõ một số tình tiết trong vụ án. Sau ít phút hội ý, HĐXX cho biết phiên tòa diễn ra nhiều ngày, quá trình xét xử nếu thấy cần thiết sẽ triệu tập thêm người liên quan.
Vụ án này, ông Quang với tư cách thứ trưởng và chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc, là người quyết định cuối cùng việc cấp số đăng ký đối với bảy loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada. Ông Quang cũng ký ban hành Công văn 2970 có nội dung trái quy định của pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự.
Quá trình điều tra, ông Quang thừa nhận có trách nhiệm là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất trong việc cấp số đăng ký thuốc nhưng để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý, thừa nhận việc ký ban hành Công văn 2970 trái quy định.
Cơ quan tố tụng nhận định hành vi của ông Quang có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng do thời hạn điều tra đã hết nên trách nhiệm của ông này sẽ được tiếp tục làm rõ để xử lý sau.
Hồi tháng 3-2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Quang về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Quang bị điều tra trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Dược phẩm Cửu Long, liên quan việc mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất oseltamivir phosphate phòng chống dịch cúm A/H5N1.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vu-vn-pharma-don-duong-de-24-trieu-hop-thuoc-gia-vao-viet-nam-306025.html