'Sập bẫy' tín dụng đen vì chiêu thức tinh vi

Lợi dụng việc nhiều người dân gặp khó khăn sau Covid-19, nhiều đối tượng tung ra các hình thức cho vay nặng với biến tướng rất tinh vi.

Cho người cầm xe... thuê lại xe vừa cầm

Tại Cần Thơ, vài năm nay xuất hiện Công ty S. (quận Ninh Kiều) với những quảng cáo về khoản vay từ 1 - 30 triệu đồng, có tiền ngay trong ngày mà không giữ xe của người vay (người cầm cố).

Trong vai người cần vay tiền, PV đã đến công ty này. Sau khi cung cấp thông tin cá nhân, người thân và được kiểm tra giấy tờ xe máy, PV được duyệt khoản vay 8 triệu đồng mà không cần kiểm tra xe.

Quảng cáo giới thiệu cho vay tiền không cần giữ xe máy

Nhân viên đưa cho PV hai hợp đồng gồm: Hợp đồng vay tiền trả góp cầm cố xe máy và hợp đồng cho thuê lại xe máy.

Người này giải thích: “Ở đây chúng em không giữ xe mà cho thuê lại. Như anh đến cầm xe sẽ được thuê lại xe, như vậy, anh vừa có tiền vừa có xe máy sử dụng mỗi ngày”.

T. - một sinh viên ở Cần Thơ dạo trước do khó khăn nên đã đến đây vay tiền. T. ký vào hai hợp đồng cầm xe và thuê xe như vừa nói với mức vay cũng là 8 triệu đồng.

Mỗi tháng T. đóng cho Công ty S. này 784.000 đồng, trong đó, chỉ có 200.000 đồng tiền gốc, tiền thuê xe 500.000 đồng, còn lại là lãi suất. T. đóng trong 36 tháng với tổng số tiền lên tới hơn 28 triệu đồng. Sau khi tất toán toàn bộ hợp đồng, T. được trả lại giấy tờ xe.

“Do cần tiền gấp, nhưng không thể vay ngân hàng, nên em đã vay ở đây. Biết tổng số tiền phải trả là rất cao, nhưng được kéo giãn thời gian, với số tiền đóng mỗi tháng thấp. Hơn nữa họ không giữ xe máy, em vẫn có xe để đi học”, T. nói.

Còn S., cũng là sinh viên ở Cần Thơ kể: Hơn một năm trước, do khó khăn về tài chính, nên S. tìm hiểu và tiếp cận dịch vụ mua hàng trả góp lấy tiền mặt.

S. liên hệ với những người quảng cáo dịch vụ, được họ hướng dẫn cửa hàng Thế giới Di động hoặc Điện máy Xanh để mua một chiếc điện thoại theo chỉ định với giá 14.490.000 đồng.

Sau khi thủ tục mua trả góp được duyệt, S. gọi điện thông báo cho người kia biết. Ngay lập tức người kia có mặt tại trước cửa hàng, và đưa S. 30% số tiền trả trước máy điện thoại để S. hoàn tất thủ tục.

Sau khi nhận máy, S. đưa lại cho người đã đứng chờ sẵn trước cửa. Người này đưa S. thêm một khoản tiền, với tổng số bằng 70% giá trị máy điện thoại so với giá niêm yết của cửa hàng.

“Em mua trả góp điện thoại với giá 14.490.000 đồng, họ thu lại 70% giá máy với điều kiện máy còn nguyên seal, chưa kích hoạt. Một bên nhận máy, một bên nhận tiền, xong việc thì đường ai nấy đi. Còn em thì có trách nhiệm trả góp hàng tháng khoản vay mua điện thoại”, S. nói.

Một người chuyên cầm đồ ở trung tâm TP Cần Thơ tiết lộ: “Với một chiếc tivi Samsung có giá 20 triệu đồng, họ thu lại 70%, tức là 14 triệu đồng. Sau đó, họ bán lại cho người cần với giá 18 triệu đồng. Như vậy, đã thu lời 4 triệu đồng trong «một nốt nhạc». Đối với người mua, họ sẽ sẵn sàng vì đây là máy mới, lại rẻ hơn giá trong cửa hàng vài triệu”.

Người dân cần cảnh giác

Quảng cáo mua hàng trả góp lấy tiền mặt

Anh H., người chuyên làm nghề cầm đồ ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, chia sẻ: Những người khó khăn luôn rất cần tiền. Lợi dụng điểm này, các đối tượng đã tìm hiểu nhu cầu mua sắm các mặt hàng máy tính, điện thoại, tivi…

Khi đã biết rõ trên thị trường đang hút mặt hàng nào, họ sẽ yêu cầu người cần tiền đi mua trả góp mặt hàng đó. Sau khi hồ sơ được duyệt, ngay lập tức họ sẽ thu mua lại với giá từ 70% trở xuống so với giá máy mới tại cửa hàng.

Luật sư Nguyễn Trần Duy Thăng (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết: Do không đủ điều kiện tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng nên rất nhiều người đã tìm đến các dịch vụ cho vay với điều kiện dễ dàng hơn. Từ đây, đã xuất hiện nhiều hình thức cho vay biến tướng.

“Như trường hợp mua hàng trả góp lấy tiền mặt, trên thực tế chỉ là chiêu trò mua lại hàng hóa với giá rẻ của người đang cần tiền để trục lợi. Hoặc như trường hợp cầm cố xe máy rồi thuê lại xe.

Tất cả đều là giao dịch dân sự với sự chấp thuận của cả đôi bên, nên về mặt pháp lý rất khó để nói đúng - sai. Vấn đề cần làm rõ là công ty đó, đơn vị đó có được cho phép thực hiện dịch vụ cầm cố tài sản hoặc cho thuê xe máy hay không, hay chỉ là núp bóng công ty tài chính để làm những việc khác”, luật sư Thăng nói.

Theo luật sư, người dân nên cẩn trọng, đừng vì sự nóng vội nhất thời mà phải gánh lấy những hệ lụy kéo dài về sau.

Có thể, họ sẽ có tiền để giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng sẽ phải trả món nợ lớn hơn rất nhiều. Đó là chưa kể, những lúc khó khăn khác ập đến, họ sẽ lại đi vay mượn chỗ khác, dẫn đến nợ chồng nợ rồi mất khả năng chi trả…

Vậy, cơ quan chức năng có xử lý được hành vi trên hay không? Luật sư Nguyễn Trần Duy Thăng cho biết: “Họ lách luật rất tinh vi! Trong trường hợp cho vay tiền theo hình thức cầm xe máy, mỗi tháng, người vay đóng 784.000 đồng, trong đó, có 200.000 đồng tiền gốc, 500.000 đồng tiền cho thuê lại xe, còn lại chỉ có 84.000 đồng tiền lãi và phí khác.

Mức lãi suất này rất thấp, chỉ hơn 1%/tháng cho khoản vay 8 triệu đồng, nên không thể xem đây là mức lãi của tín dụng đen hoặc cho vay nặng lãi. Số tiền lớn nhất là 500.000 đồng đã được bên cho vay “lách” vào việc cho thuê lại xe máy.

Với các công ty tài chính, do họ được phép cho vay dưới hình thức thế chấp giấy tờ xe nên cũng không sai luật. Còn với việc “hỗ trợ” mua điện thoại, do đây là thỏa thuận giữa hai bên nên cũng không thể xử lý.

“Do đó, điều quan trọng là sự tỉnh táo của người dân trước những khó khăn về tài chính, để không khéo sẽ mắc bẫy”, luật sư khuyến cáo.

Tín dụng đen vẫn tồn tại từ nhiều năm nay với hình thức cầm cố xe ôtô, xe gắn máy, laptop, điện thoại, máy ảnh, sổ đỏ… Số tiền cầm cố cũng không giới hạn, từ 100.000 đồng cho đến vài chục tỷ đồng với thời gian giao dịch chỉ từ 5 - 10 phút là người vay có tiền trong tay.

Đây là hình thức vay lãi suất cao, nghe quảng cáo thì lãi chỉ 2 - 3%/tháng, nhưng thực tế chỉ đến khi vay, người vay mới biết số lãi thực mình phải trả là bao nhiêu. Có nơi, tiền lãi lên đến 200 - 300%/năm, tức tiền lãi còn cao gấp mấy lần tiền gốc.

Link nội dung: https://biztoday.vn/sap-bay-tin-dung-den-vi-chieu-thuc-tinh-vi-306628.html