Trái phiếu bất động sản 'hạ nhiệt', không có doanh nghiệp phát hành trong tháng 4/2022

Trong tháng 4/2022, không có doanh nghiệp bất động sản nào xuất hiện trong danh sách có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược so với 3 tháng đầu năm, khi doanh nghiệp nhóm bất động sản chiếm vị trí dẫn đầu về giá trị trái phiếu phát hành.

Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa có báo cáo tháng 4/2022 về hoạt động phát hành trái phiếu. Đơn vị này cho biết, trong tháng 4/2022 toàn thị trường có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16.472 tỉ đồng. Thống kê của VBMA dựa trên công bố từ trang thông tin của SSC và HNX đến hết ngày 29/4/2022.

Đáng chú ý, trong tháng 4, không có doanh nghiệp bất động sản nào xuất hiện trong danh sách có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược so với 3 tháng đầu năm, khi doanh nghiệp nhóm bất động sản chiếm vị trí dẫn đầu về giá trị trái phiếu phát hành.

Phần lớn doanh nghiệp phát hành đến từ các ngân hàng thương mại với 14.940 tỉ đồng, chiếm 90,7% tổng giá trị phát hành. Trong nhóm này, ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) phát hành nhiều nhất với 4.600 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn ba năm và ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đứng sau ở mức 2.500 tỉ đồng, trái phiếu cũng đều có kỳ hạn ba năm.

Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc các nhóm năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính cũng phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng nhưng khối lượng chỉ chiếm chưa tới 10% tổng giá trị phát hành.

Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 4/2022. Nguồn: VMBA

Luỹ kế từ đầu năm đến nay, theo VBMA, có 9 đợt phát hành TPDN ra công chúng với giá trị là 8.696 tỷ đồng và 97 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 68.566 tỷ đồng.

Kể từ đầu năm đến này, tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 22%. Nhóm bất động sản vẫn đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng là 28.856 tỷ đồng, chiếm 37,35%. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 21.559 tỷ đồng, tương đương 74,71%.

Nhóm Ngân hàng đứng ở vị trí thứ hai với 24.393 tỷ đồng, chiếm 31,57% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của các ngân hàng thương mại là 4,03 năm, lãi suất phát hành thường đường thả nổi theo lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng quốc doanh. Trong nhóm này, MBBank phát hành nhiều nhất với 4.600 tỷ đồng, theo sau bởi VIB với 3.948 tỷ đồng.

Trước đó, sự việc Uỷ ban Chứng khoán nhà nước huỷ kết quả 9 đợt phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bên cạnh đó Bộ Công an khởi tố vụ án, điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã làm rúng động toàn thị trường TPDN.

Trong báo cáo đánh giá về sự kiện hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vietcombank Securities (VCBS) nhận định, đối với các doanh nghiệp bất động sản, việc hủy kết quả phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh trong ngắn hạn sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến khả năng huy động vốn của nhóm doanh nghiệp này khi nhà đầu tư sẽ có góc nhìn dè dặt hơn rất nhiều về tính an toàn của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Đứng từ góc độ cơ quan quản lý, VCBS cho rằng sự kiện Tân Hoàng Minh là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong dài hạn. Đồng thời, không loại trừ khả năng thông tư sửa đổi thông tư 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những điều khoản siết chặt hơn so với dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến thị trường.

Trái phiếu bất động sản "hạ nhiệt", không có doanh nghiệp phát hành trong tháng 4/2022. 

“Nhìn chung, các động thái gần đây của các cơ quan quản lý với các sai phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán sẽ góp phần thanh lọc thị trường gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán nói riêng và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nói chung”, VCBS đánh giá.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính thời gian gần đây cũng có những động thái “mạnh” về việc “siết” phát hành TPDN và đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc phát hành TPDN.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tháng 4 mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bộ sẽ giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm, đặc biệt là sai phạm về công bố thông tin, sai phạm về sử dụng vốn; sai phạm về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đại diện cơ quan khẳng định cũng sẽ trực tiếp kiểm tra, kiểm toán Báo cáo tài chính tại các đơn vị phát hành TPDN. “Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, kể cả các đơn vị kiểm toán độc lập thiếu trách nhiệm để xảy ra những sai sót trong việc kiểm toán báo cáo tài chính của những doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Cùng với đó, bộ sẽ tiến hành hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tổ chức điều hành thị trường”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Link nội dung: https://biztoday.vn/trai-phieu-bat-dong-san-ha-nhiet-khong-co-doanh-nghiep-phat-hanh-trong-thang-42022-309388.html