Dệt may hướng đến 'xanh hóa' để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngành dệt may cần phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, sử dụng nhiều năng lượng cho đun nóng, dẫn đến tác động lên nguồn nước và góp phần gia tăng khí thải nhà kính.

Sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều ngành nghề, trong đó có dệt may, đang nỗ lực tìm hướng giảm phát thải ra môi trường.

Với việc "xanh hóa," ngành dệt may được cho là sẽ có lợi thế hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Yêu cầu cấp bách

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, ngành dệt may trong những năm qua là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Song đây cũng là một trong các ngành kinh tế tạo ra nhiều rủi ro cho môi trường và xã hội hơn so với các ngành, lĩnh vực khác.

Trong quá trình sản xuất, ngành dệt may cần phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, sử dụng nhiều năng lượng cho đun nóng, dẫn đến tác động lên nguồn nước và góp phần gia tăng khí thải nhà kính.

Vì thế, dệt may là một trong các ngành được xếp vào đối tượng ảnh hưởng rủi ro về môi trường và nằm trong diện cần đánh giá khi cấp tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện tại hầu hết các nhãn hàng thời trang tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu... thậm chí là Trung Quốc đều đòi hỏi khắt khe hơn về những sản phẩm may mặc.

Cụ thể, nhà nhập khẩu yêu cầu đơn vị sản xuất phải tiết kiệm nguồn nước, không chấp nhận việc sử dụng than làm khí đốt vì ảnh hưởng môi trường.

Các đối tác cũng yêu cầu người bán hàng phải sử dụng nguyên vật liệu xanh, nguyên liệu tái chế để đáp ứng xu thế của người tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này cho thấy, doanh nghiệp sản xuất muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu sẽ buộc phải tự đổi mới mình, minh bạch hơn trong sản xuất cũng như đảm bảo sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các yếu tố phát triển xanh.

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký VITAS cho rằng, doanh nghiệp, nhà sản xuất thời trang Việt Nam không còn lựa chọn nào khác mà đang phải tự sáng tạo, sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện môi trường hơn, tìm giải pháp xanh hóa quy trình sản xuất.

Hiện nay, nhiều loại sợi từ càphê, sen, hàu, bạc hà đã và đang được các doanh nghiệp nghiên cứu cho ra đời, đáp ứng nhu cầu xanh hóa của ngành.

Mới đây, Công ty CP Kết nối Thời trang (Faslink) đã cho ra mắt sản phẩm mới từ sợi vải càphê, giúp giảm nhiều chất thải bảo vệ môi trường và khử mùi hiệu quả.

Hay với sen, VITAS cho biết ước tính hàng năm, hàng trăm nghìn thân sen và lá sen bị thải vào môi trường sau mỗi vụ thu hoạch.

Nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu này, nhiều nhà cung ứng nguyên liệu đã sử dụng sợi tơ trong thân sen và sợi cellulose từ lá để dệt vải và đem đến dòng vải sợi sen.

Vải sợi sen cũng là dòng vải đầu tiên mang tính năng đặc biệt bổ sung collagen và thúc đẩy i-on âm trên da.

'Xanh hoa' det may huong den giam phat thai rong bang 0 vao nam 2050 hinh anh 2Dây chuyền may quần áo bơi trẻ em xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo ông Vũ Đức Giang, việc "xanh hóa" ngành dệt may không phải vấn đề mới được nhắc đến.

Yêu cầu về sản xuất xanh đã được đề cập và thực hiện từ lâu nhưng càng trở nên cấp bách hơn từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Đặc biệt mới đây, Chính phủ cam kết sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại hội nghị COP26, điều này càng thúc đẩy ngành dệt may đẩy nhanh quá trình xanh hóa.

Và để đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng, các doanh nghiệp Việt cho biết, đang đầu tư chuyển đổi hệ thống máy móc, dây chuyền hoạt động nhằm tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng Mặt Trời...

Về nguyên liệu, họ tìm đến những đơn vị cung ứng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế.

Là doanh nghiệp đang được các công ty sản xuất chọn làm đối tác cung cấp nguyên liệu sản xuất, bà Trần Hoàng Phú Xuân - Tổng giám đốc Công ty CP Kết nối Thời trang - cho biết những sợi vải được Faslink nghiên cứu và sản xuất như sợi bạc hà, sợi càphê, sợi từ vỏ hàu, xơ dừa... đang là lựa chọn hàng đầu của các nhãn hàng như Owen, Belluni, Ivy, Yody, Aristino, Routine, Gumac, Real Clothes, Yame.

Chỉ riêng năm 2021, Faslink đã cung ứng cho thị trường khoảng 8 triệu mét vải thành phẩm từ nguyên liệu xanh.

Thiếu đầu tư cho phát triển xanh

Theo đánh giá của VITAS, sự chuyển đổi tích cực của doanh nghiệp đang hình thành chuỗi cung ứng thời trang xanh, phù hợp với xu thế.

Tuy vậy, việc phát triển chuỗi cung ứng này vẫn còn khó khăn khi phần lớn doanh nghiệp trong ngành mới dừng lại ở đầu tư máy móc hiện đại, sử năng lượng mặt trời trong nhà máy, đầu tư hệ thống nước thải... Trong khi đó, việc nghiên cứu, phát triển nguyên liệu xanh còn chưa nhiều.

Theo bà Trần Hoàng Phú Xuân, các loại vải từ nguyên liệu xanh, thân thiện môi trường thường có nguồn gốc tự nhiên, nên cần công nghệ xử lý tiên tiến để đảm bảo giữ được các tính năng vốn có của sợi.

Ngoài ra, doanh nghiệp ứng dụng năng lượng tái tạo, quản lý xử lý nước thải sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên không nhỏ...

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh (Agtek) cho rằng vấn đề chính mà các doanh nghiệp dệt may trong nước đang phải đối mặt là nguồn tài chính để đầu tư cho nghiên cứu, công nghệ rất lớn.

Để sản xuất ra sản phẩm sợi từ nguyên liệu thô thiên nhiên, ứng dụng cao trong may mặc, da giày, cần phải có những công nghệ và liên kết chuỗi mạnh.

Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn nguyên liệu thô sơ cấp như bã càphê, bạc hà, sen, xơ dừa... nhưng liên kết và sự đầu tư vẫn còn yếu. Liên kết ở đây là giữa nơi đào tạo nhân lực, đầu từ nghiên cứu và đầu tư máy móc, đại diện Agtek cho hay.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giảm phát thải, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ và Công ty Decathlon đã ký biên bản ghi nhớ, cam kết cải thiện hiệu suất môi trường chuỗi cung ứng dệt may tại Việt Nam với Dự án Thúc đẩy phát triển bền vững ngành dệt may tại các nước châu Á (FABRIC).

Dự án này sẽ tổ chức các khóa học kết hợp đào tạo và tư vấn, nhằm thúc đẩy cải thiện năng lực tại các nhà cung cấp kiến thức chuyên biệt cho ngành thời trang về biến đổi khí hậu, các giải pháp tính toán và giảm thiểu khí nhà kính; giúp các nhà máy hoàn thiện và thực hiện hệ thống quản lý hóa chất bền vững.

Ông Marc Beckman, Giám đốc dự án FABRIC cho hay ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự hợp tác với các nhãn hàng quốc tế nhằm cải thiện năng lực các nhà máy trong chuỗi cung ứng - nơi tác động đến môi trường và gây phát thải nhiều nhất. Những tiếp cận sáng tạo này sẽ nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho nhà máy, giúp họ tăng năng lực cạnh tranh tổng thể trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Vũ Đức Giang, ngoài sự nỗ lực từ doanh nghiệp và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, Việt Nam cần sớm hoàn thiện Luật Môi trường (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu chung của Luật môi trường thế giới nhưng vẫn phải phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

Cùng với đó, Chính phủ cần quy hoạch các khu công nghiệp dành riêng cho dệt may nhưng phải đạt các chuẩn mực về xử lý nước thải.

Với các giải pháp đồng bộ, ngành may mặc, thời trang Việt Nam mới xanh hóa và đáp ứng được các yêu cầu của nhà nhập khẩu, đối tác nước ngoài.

 

Link nội dung: https://biztoday.vn/det-may-huong-den-xanh-hoa-de-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-310506.html