“Ở đâu quen đó”
Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) năm 2020 cho thấy: Có tới 66% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ để ở, trong đó, gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 23% người lao động đang phải dùng nguồn nước từ giếng khoan…
Sự hài lòng đối với cuộc sống của công nhân lao động nhìn chung đã được cải thiện, nhưng còn ở mức trung bình 6,3/10. Trong đó sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên là thấp nhất, đạt 5,72/10.
Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) là nơi tập trung đông công nhân từ các tỉnh khác đến làm việc. Ở đây, đa phần công nhân thường thuê trọ xen kẽ trong nhà dân. Không khó để bắt gặp hình ảnh những nhà trọ xuống cấp, xập xệ, thậm chí nhiều phòng trọ của công nhân ở ngay cạnh kênh mương, chỗ chứa rác, nơi chăn nuôi…
Theo ghi nhận, phòng trọ quanh khu vực gần Khu công nghiệp Thăng Long có giá dao động từ 500.000 - 800.000 đồng/tháng, cao hơn khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/tháng. Nhiều công nhân bày tỏ, họ chấp nhận ở trong điều kiện môi trường không đảm bảo vì không thể mua được nhà.
Còn ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) phòng trọ tại đây đa số được xây thành những khu riêng, tách hẳn với nhà dân, song cơ sở hạ tầng đều đã cũ, phòng trọ chật trội, ẩm mốc. Phòng ở đây được thuê với giá 500.000 - 600.000 đồng; đắt hơn thì 800.000 đồng.
Tính đến nay, chị Bùi Thị Hoà (28 tuổi, quê Hoà Bình) đã có 6 năm làm công nhân may mặc ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa. Chồng cùng làm công nhân, chị có 2 con (6 tuổi, 2 tuổi), để tiện cho bà nội từ quê lên trông cháu, chị Hoà thuê thêm phòng trọ đối diện. Mỗi tháng, riêng tiền nhà trọ đã 1,5 triệu đồng (nếu tính cả điện, nước).
Cả 2 phòng chị thuê trông khá cũ kỹ, chị Hoà nói, mùa nồm ẩm mốc khắp tường, chồng chị phải dùng nước tẩy để lau sạch; mùa mưa nước dột khắp nhà, dù có dùng keo dán tôn cũng chẳng thấm vào đâu. Chưa kể mùa hè nóng bức bởi tấm lợp fibro ximăng hấp nhiệt. Dãy trọ chị Hoà thuê có khoảng 10 phòng chia làm 2 dãy san sát; ngay bên cạnh là kênh nước.
Thu nhập của 2 vợ chồng làm công nhân ở mức 13 triệu đồng/tháng, nếu không tính toán thiệt hơn - chị Hoà cho biết, khó có thể lo cho các con.
Gia đình xa nhau cũng vì chỗ ở
Phòng trọ của anh Hoàng Văn Ngân (công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long) nằm cuối đường. Xung quanh, người dân nuôi lợn, gà khiến môi trường sống không được trong sạch. Mỗi khi ở nhà, anh đều đóng kín cửa. Căn phòng anh thuê có giá 500.000 đồng, rộng khoảng 10m2. Khu vệ sinh, sinh hoạt được sử dụng chung, chỗ xả nước đều đã hoen ố, sàn bám rêu, đi không cẩn thận rất dễ trượt ngã.
Hằng tháng, anh Ngân phải trả 25.000 đồng cho mỗi khối nước, nhưng nhiều lần công nhân trong dãy trọ phải chịu cảnh nước đục, ngả màu vàng. “Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần nhưng không được, vậy nên ai cũng chép miệng cho qua” - nam công nhân nói.
Làm công nhân 9 năm, hiện lương cơ bản của anh được hơn 6 triệu đồng, tính cả tăng ca và phụ cấp tiền nhận về cũng hơn 10 triệu đồng/tháng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/cong-nhan-song-trong-dieu-kien-thieu-nuoc-sach-moi-truong-o-nhiem-310522.html