Giá dầu tăng trong phiên giao dịch 20/5 cũng như cả tuần trước. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố kìm hãm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Khép lại phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,02 USD, hay 0,9%, lên 113,23 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,51 USD, hay 0,4%, lên 112,55 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 2,5%, còn giá dầu Brent tăng 1%.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ “cố tình” kéo giảm thị trường chứng khoán nhằm kiểm soát lạm phát. Nếu giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng, liệu thị trường bất động sản và việc làm sẽ là những “nạn nhân” tiếp theo?
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm tuần thứ 7 liên tiếp, giai đoạn đi xuống dài nhất kể từ những năm cuối thập niên 90, trong bối cảnh triển vọng ảm đạm của nền kinh tế tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán đặc biệt biến động mạnh trong 2 tuần trở lại đây sau khi Fed cho biết họ sẽ quyết liệt tăng lãi suất và thậm chí kéo giảm tăng trưởng của nền kinh tế nếu cần thiết nhằm “hạ nhiệt” lạm phát, hiện đang tiệm cận ngưỡng cao nhất 40 năm.
Sau khi giảm 3,5% trong năm 2020 do tác động từ đại dịch, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, nhanh nhất kể từ năm 1982. Nhưng lạm phát thậm chí tăng nhanh hơn cả nền kinh tế, với chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,3% trong tháng 4, so với cùng kỳ năm trước đó.
Từ đầu năm, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã cho thấy nhiều dấu hiệu chững lại, với kết quả tăng trưởng quý I/2022 là -1,4%, sau khi cuộc xung đột Ukraine đẩy giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng cao. Nếu như nền kinh tế không thể lấy lại đà tăng trưởng trong quý II này, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái khi có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Trong những lần nền kinh tế gặp khó, Fed sẽ đóng vai trò là một “siêu anh hùng”, nhưng lần này sẽ khác, theo John Authers, nhà báo tới từ Bloomberg. Nguyên nhân là bởi tình trạng hiện tại của thị trường chứng khoán chính là những già mà Fed muốn trong công cuộc kéo giảm lạm phát của mình.
Tình hình hiện tại tương đối khác biệt đối với Fed. Thị trường bất động sản hiện đang nắm giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, với 65% các sản phẩm được bán ra phục vụ trực tiếp nhu cầu nhà ở của người dân. Điều đó phản ánh nhà ở là một nguồn tải sản lớn của các hộ gia đình và lĩnh vực xây dựng là một thị trường việc làm sôi động.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, thị trường nhà ở sụp đổ đã khơi mào cho một giai đoạn suy thoái trầm trọng. Kể từ đó, bất động sản Mỹ hồi phục nhanh chóng cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, bên cạnh đó là nhờ vào nhu cầu thị trường lớn.
Ngay trong giai đoạn khó khăn do Covid-19 năm 2020, thị trường bất động sản chỉ sụt giảm nhẹ trước khi tăng trưởng ấn tượng trở lại như những gì chúng ta đang được chứng kiến ngày hôm nay. Trong khi khả năng phục hồi nhanh của những lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế là điều các nhà lập pháp luôn hướng tới, nhưng việc thị trường nhà ở của Mỹ tăng nhanh lại không được tán thưởng trong thời gian này, vì nó là một trong những nguyên nhân lớn nhất kéo tăng lạm phát.
Cũng giống như thị trường bất động sản, thị trường dầu mỏ cũng cho thấy khả năng phục hồi ấn tượng của mình, dù phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
“Thông thường trong quá khứ, mỗi khi thị trường chứng khoán giảm điểm, bên cạnh đó là triển vọng ảm đạm của nền kinh tế, giá dầu thường giảm. Tuy nhiên, giá dầu không những không giảm mà còn tăng ở thời điểm hiện tại. Tổng cộng, giá dầu tăng 10% trong 1 tháng trở lại đây, và vượt lên ngưỡng trên 110 USD/thùng trong ngày 25/3”, Button, một chuyên gia kinh tế, cho biết.
Ông kỳ vọng giá dầu sẽ giảm xuống khi tâm lý thị trường không tốt, nhưng điều đó đã không xảy ra.
“Rõ ràng rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt trong trường hợp 3 triệu thùng dầu của Nga sẽ bị loại khỏi thị trường”, ông nói.
Vấn đề lớn nhất ở đây đó chính là lạm phát do giá năng lượng tăng cao đang có những tác động tiêu cực lên cuộc sống của người dân Mỹ.
“Giá xăng tại Mỹ liên tục tăng kể từ ngày 26/4. Chi phí nhiên liệu chiếm một phần không nhỏ trong chi tiêu của người tiêu dùng”, Button chia sẻ,
Giá xăng tại Mỹ tăng cao. Ảnh: Reuters. |
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết thị trường việc làm đã phát triển tới một ngưỡng “tiêu cực” và nhấn mạnh rằng tỷ lệ việc làm mới hiện đang cao gần gấp 2 lần so với số lượng người thất nghiệp.
Hiện tại, mức lương trung bình theo giờ tăng khoảng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong vòng 4 thập kỷ. Các chuyên gia kinh tế dự báo mức tăng sẽ chậm lại còn từ 3-4%, và sẽ giúp kéo giảm 0,2% lạm phát.
Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng tuần thứ 3 liên tiếp lên ngưỡng cao nhất từ tháng 3.
Cũng giống như thị trường nhà ở, thị trường lao động dường như đã chạm đỉnh.
Trong bối cảnh giá dầu WTI duy trì được đà tăng, hỗ trợ bởi chỉ báo Bollinger Band và đường SMA100, các ngưỡng kiểm chứng tiếp theo sẽ là 116,6 USD/thùng và 119,4 USD/thùng.
“Nếu như đà tăng giá tích tụ đủ lực mua, giá dầu WTI có thể tăng lên mốc 123,7 USD/thùng”, theo Sunil Kumar Dixit, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tại skcharting.com.
“Xu hướng tăng giá sẽ phụ thuộc vào việc giá dầu có thể duy trì trên ngưỡng 108,5 USD hay không”, ông bổ sung. “Nếu thủng ngưỡng này, giá dầu WTI có thể giảm xuống 105 USD/thùng, và đây sẽ là dấu chấm hết cho xu hướng tăng giá hiện tại”.
Kim loại quý
Giá vàng tăng 2% trong tuần trước, đánh dấu tuần tăng đầu đầu tiên kể từ giữa tháng 4.
Giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex tăng 3,9 USD, tương đương 0,2%, lên 1.845,1 USD/ounce.
Trái ngược với giá vàng, Dollar Index có tuần giảm đầu tiên sau hơn 1 tháng. Ở mức 103,23, giá trị đồng USD không quá xa mức đỉnh 105,06 thiết lập hồi tuần trước, cao nhất kể từ năm 2000.
Một chỉ số khác ảnh hưởng tới giá vàng là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống ngưỡng 2,79%, sau khi thiết lập đỉnh 3,2% hồi đầu tháng.
“Nửa sau của tuần trước tương đối tích cực đối với giá vàng trong bối cảnh các thị trường tài chính rung lắc dữ dội trước triển vọng suy thoái kinh tế”, theo Craig Erlam, chuyên gia phân tích tới từ OANDA. “Ngoài việc giá đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ giảm, nhà đầu tư cũng quan tâm hơn tới vàng như một kênh trú ẩn an toàn”, ông nói.
Dixit cho biết giá vàng trong tuần tới sẽ kiểm chứng mốc 1.867 USD/ounce.
“Giá vàng cần duy trì trên ngưỡng 1.858 USD/ounce để tiếp tục đà tăng giá của mình. Nếu không, giá vàng có thể sẽ bị điều chỉnh về các ngưỡng 1.836, 1.825, 1.800 USD/ounce và thậm chí có thể tiếp tục giảm xuống từ 1.760-1.780 USD/ounce”, ông nhận định.
Hỗ trợ giá vàng còn còn có chỉ báo stochastic quá bán “Điều này dự báo giá vàng sẽ còn tăng”, ông bổ sung. “Tuy nhiên, đà tăng giá vàng sẽ phụ thuộc lớn vào việc lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ duy trì dưới ngưỡng 2,8% và giảm xuống từ 2,4-2,6%.
Link nội dung: https://biztoday.vn/trien-vong-gia-dau-vang-tuan-235-275-311461.html