Nợ phải trả lên tới 2.350 tỷ đồng, Hải Phát Land vẫn chi hơn 500 tỷ đồng cho cá nhân vay

Tài chính khó khăn, nợ phải trả leo thang, Hải Phát Land vẫn mạnh tay chi 520 tỷ đồng cho một số cá nhân “bí ẩn” vay ngắn hạn không rõ lý do.

Theo báo cáo tài chính, năm 2021, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land) ghi nhận các chỉ tiêu kinh doanh chính đều cải thiện về doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng từ 455 tỷ đồng lên 884 tỷ đồng và từ 109 tỷ đồng lên 163 tỷ đồng.

Tổng doanh thu năm 2021 của Hải Phát Land tăng trưởng gần 200% so với năm 2020.

Tuy nhiên, những con số biết nói của Hải Phát Land đang được giới đầu tư quan tâm hơn cả. Nhìn về nợ phải trả có dấu hiệu tăng lên đáng báo động, chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng nguồn vốn. Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2021, nợ phải trả của Hải Phát Land tăng từ mức 1.712 tỷ đồng lên 2.353 tỷ đồng - tương đương 267% và chiếm 73% tổng nguồn vốn.

Nợ phải trả lên tới hơn 2.350 tỷ đồng, Hải Phát Land chi 520 tỷ đồng cá nhân bí ẩn vay.

Nợ phải trả lên tới hơn 2.350 tỷ đồng, Hải Phát Land chi 520 tỷ đồng cá nhân bí ẩn vay.

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gần 288 tỷ đồng - tương đương 301%, lên mức 383 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng đạt con số 637 tỷ đồng sau khi tăng 486 tỷ đồng - tương đương 322%.

Các khoản nợ phải trả ngắn hạn khác cũng ghi nhận tăng từ 209 tỷ đồng lên mức hơn 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, phải trả theo thỏa thuận hợp tác kinh doanh lên tới 494 tỷ đồng - cao hơn rất nhiều so với con số 161 tỷ đồng hồi cuối năm 2021; phải trả tiền đặt cọc tăng từ 19 tỷ đồng lên 479 tỷ đồng.

Ngoài ra, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Hải Phát Land cũng tăng nhẹ.

BCTC năm 2021 của Hải Phát Land và những con số âm biết nói.

BCTC năm 2021 của Hải Phát Land và những con số âm biết nói.

Mặc dù hoạt động tài chính có nhiều "biến động" như trên, nhưng Hải Phát Land lại ghi nhận khoản cho vay ngắn hạn phải thu về lên đến gần 530 tỷ đồng tăng 282 tỷ đồng và tương đương 114% so với thời điểm cuối năm 2020.

Trong số 530 tỷ đồng cho vay ngắn hạn này, chỉ có 10 tỷ đồng phải thu về từ cho vay doanh nghiệp, con số 520 tỷ đồng còn lại là khoản phải thu về từ cho vay cá nhân. Tuy nhiên không rõ khách hàng cá nhân Hải Phát Land cho vay là ai và dùng số tiền "khủng" trên vào việc gì cũng không thấy ghi rõ.

Cư dân khu đô thị Tân Tây Đô kêu trời vì Hải Phát.

Cư dân khu đô thị Tân Tây Đô kêu trời vì Hải Phát.

Chính vì mạnh tay chi tiền cho vay không rõ lý do nên Hải Phát Land rơi vào cảnh âm nặng dòng tiền. Thời điểm cuối năm 2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty này âm 197 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 14 tỷ đồng hồi cuối năm 2020; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm 351 tỷ đồng, tăng so với âm 235 tỷ đồng.

Liên tục huy động vốn trái phép

Tháng 9/2021, Hải Phát Land công bố phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 400 tỷ đồng cho một tổ chức tín dụng trong nước.

Theo đó, CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) đã đứng ra thu xếp cho Hải Phát Land phát hành 4 triệu trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo thanh toán từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Số trái phiếu trên có mệnh giá 100.000 đồng/tp, kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 1/9/2024. Lãi suất cho hai kỳ tính lãi đầu tiên cố định 9,5%/năm, đối với các kỳ tính lãi tiếp theo, lãi suất bằng tổng của lãi suất tham chiếu và 3,5%/năm, trả lãi định kỳ 6 tháng/lần.

Số tiền thu được từ đợt phát hành này sẽ được Hải Phát Land sử dụng để đầu tư dự án Khu nhà ở tại lô đất ký hiệu 3, phía đông đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa (dự án La Emera Phú Yên).

Đầu tháng 7/2021, Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên từng nhắc đến dự án này là một trong 7 dự án đã xác định chủ đầu tư nhưng chưa đủ điều kiện huy động vốn. Đây là dự án gồm 60 căn nhà liên kế dạng hỗn hợp do Hải Phát Land làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 4 năm 2021.

Trước đó, ngày 6/6/2019, PC03 phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng Ninh Thuận tiến hành kiểm tra hoạt động của Công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát - chi nhánh Nha Trang về việc kinh doanh căn hộ tại Khánh Hòa do chưa có giấy phép xây dựng, chưa hoàn thành phần móng nhưng một số doanh nghiệp cùng với nhiều cá nhân đã rao bán căn hộ dự án, huy động vốn trái phép, vi phạm Khoản 1, điều 55, Luật Kinh doanh Bất động sản.

PC03 nhận định, hành vi của Công ty Hải Phát vi phạm Nghị định 139/2007 ngày 27/11/2017 của Chính phủ. Mặc dù vậy, thẩm quyền xử phạt theo Nghị định này thuộc Sở Xây dựng. Vì vậy, PC03 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc Công ty Hải Phát đến Sở Xây dựng để xử lý theo thẩm quyền.

Đặc biệt, để phòng ngừa một số cá nhân, tổ chức lợi dụng việc đầu tư dự án để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, Công an tỉnh kiến nghị Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra hoạt động các doanh nghiệp.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về tài sản của những cá nhân tham gia “đặt cọc thiện chí” dự án.

Hải Phát Land là công ty con của CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã chứng khoán: HPX) với tỷ lệ sở hữu 75,78%. Thành lập từ năm 2008 với lĩnh vực chính là tư vấn, phân phối bất động sản, ghi dấu qua loạt dự án lớn như The Pride, The Phoenix Garden, Roman Plaza, Hà Nội Homeland,...

Đến năm 2021, Hải Phát Land bắt đầu mở rộng hoạt động với cương vị mới là chủ đầu tư bất động sản, mở đầu là dự án Khu đô thị La Emera Hạ Long tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Dự án có quy mô 12,66 ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Link nội dung: https://biztoday.vn/no-phai-tra-len-toi-2350-ty-dong-hai-phat-land-van-chi-hon-500-ty-dong-cho-ca-nhan-vay-311698.html