Đại dịch qua, nỗ lực lo tăng trưởng kinh tế

Ngày làm việc đầu tiên, Chính phủ thông tin về nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội cũng như nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra ở phía trước…

Kỳ họp Quốc hội (QH) tháng 5 này, như thường lệ, Chính phủ báo cáo với các đại biểu QH về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, với dữ liệu cập nhật từ sau kỳ họp tháng 10 năm ngoái, cùng với đó là tình hình đầu năm 2022.

Thủ tướng lập tổ công tác gỡ khó cho nhiều dự án

Trình bày về những kết quả đạt được, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát...

Đáng chú ý, nhiều nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ triển khai kịp thời như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp (DN), hỗ trợ thuê nhà cho người lao động.

Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: QH

Tính chung bốn tháng đầu năm nay, cả nước có 80.500 DN thành lập mới và quay lại hoạt động, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, điểm nhấn của Chính phủ khóa này là một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm trước, đến nay đã tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu.

“Một số” ấy là Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sau nhiều năm dở dang trùm mền, đắp chiếu, đến ngày 13-5 vừa rồi đã bước đầu vận hành, đấu nối lưới điện quốc gia; là 5/12 dự án thua lỗ kéo dài, gồm dự án sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, sản xuất phân bón DAP1 - Hải Phòng, ba dự án sản xuất nhiên liệu sinh học đặt tại Phú Thọ, Dung Quất, Bình Phước; là hai ngân hàng yếu kém - Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và OceanBank.

Chính phủ cũng đã tập trung rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, QH.

Đặc biệt, với các dự án, khu đất lớn ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa liên quan đến các sai phạm được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, bản án đã có hiệu lực pháp luật các năm trước, nay bị ách tắc thì Thủ tướng đã lập tổ công tác để kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện theo tinh thần của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Khẩn trương trình QH xem xét sửa Luật Đất đai 2013

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, tăng trưởng kinh tế quý I-2022 đạt 5,03% trong bối cảnh đại dịch COVID-19 dần lùi xa, dù cải thiện so với cùng kỳ trước đó (quý I-2020 và quý I-2021, lần lượt là 3,66% và 4,72%) nhưng vẫn đặt ra “thách thức rất lớn” nếu xét với mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022: Tăng trưởng GDP 6%-6,5%.

Để vượt qua thách thức, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chính phủ đề ra 12 nhiệm vụ, trong đó lưu ý cần khẩn trương triển khai các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nhất là vấn đề đất đai, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

“Khẩn trương hoàn thiện, trình QH xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013” - ông Thành nói.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022 như QH đề ra ở kỳ họp tháng 10-2021, Chính phủ đang quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả.

“Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả” - Phó Thủ tướng cho biết.

Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế để theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội. Tăng cường cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện để ban hành quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng, áp dụng từ tháng 7-2022.

Cùng với đó, thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao trình độ của cán bộ, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

Nhiệm vụ năm 2022, GDP tăng trưởng 6,5% hay 8,5%?

Báo cáo của Chính phủ chỉ nhắc tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 6%-6,5% theo Nghị quyết 32/2021/QH15 của QH. Song báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế lại đưa ra chỉ tiêu cao hơn rất nhiều: 8%-8,5%.

Chỉ tiêu này gồm mức dự kiến 6%-6,5% theo Nghị quyết 32 và phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo Nghị quyết 43/2022/QH15 mà QH thông qua ngày 11-1 trong kỳ họp bất thường đầu năm nay và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành sau đó, ngày 30-1.

Chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản thiếu ổn định

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh đánh giá bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế - xã hội cuối năm 2021, đầu năm 2022 còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục.

Nhắc lại ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, ông Thanh đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo QH về kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Trong đó cần chỉ rõ tồn tại, hạn chế, những chính sách chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa đầy đủ; các bộ, ngành, cơ quan, địa phương làm tốt hoặc làm chưa tốt.

Cơ quan thẩm tra lưu ý tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN; việc hoàn thiện quy định pháp luật về cổ phần hóa và sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công “rất chậm”.

Dẫn chứng là kết quả thu từ cổ phần hóa chỉ đạt hơn 4.400 tỉ/40.000 tỉ đồng, bằng 11% dự toán, trong khi thị trường chứng khoán năm 2021 phát triển mạnh, là điều kiện thuận lợi để có thể thoái vốn.

Tất cả cho thấy chính sách tháo gỡ, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN rất hạn chế, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt nhưng chưa có người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm trong việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ này...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn; thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định.

Diễn biến trên thị trường, các vụ án đã bị khởi tố, cùng các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy trên thị trường cổ phiếu xuất hiện hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của DN, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường.

Thị trường trái phiếu DN tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao và mất cân đối. Tỉ lệ trái phiếu DN không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng tài sản rủi ro cao như cổ phiếu chưa niêm yết, dự án, tài sản hình thành trong tương lai còn lớn, ảnh hưởng tới sự an toàn của thị trường. Trong năm 2022, khối lượng trái phiếu DN đáo hạn khoảng hơn 145.000 tỉ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm hơn 43%.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị lưu ý tới vấn đề lãng phí trong sử dụng đất đai ở một số nơi và tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi.

Góc nhìn - SEA Games và Quốc hội

Khi Nhâm Mạnh Dũng ghi bàn thắng vào lưới tuyển U-23 Thái Lan trong trận chung kết bóng đá SEA Games 31 tối 22-5, ba vị lãnh đạo cấp cao - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nắm tay nhau, giương cao, hòa vào không khí phấn khích của người hâm mộ. Những người quan tâm đến chính trị đã nghĩ chắc hẳn giây phút ấy sẽ được Chủ tịch Quốc hội nhắc tới trong phát biểu khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV sáng hôm sau.

Quả vậy.

“Thành công vang dội của Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31, ngày hội của tinh thần đoàn kết Đông Nam Á, đặc biệt là thành tích đặc biệt xuất sắc bảo vệ ngôi vô địch của cả bóng đá nam và bóng đá nữ Việt Nam (VN) đã và đang truyền cảm hứng lớn đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế”.

Cảm hứng SEA Games 31 không chỉ xuất hiện trong phát biểu của Chủ tịch Quốc hội khi khai mạc hoạt động chính trị quan trọng của nước nhà, mà còn được nhắc tới trong cả báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ lẫn báo cáo thẩm tra từ cơ quan chuyên trách của Quốc hội.

Huy chương vàng bóng đá, cả nam và nữ, trong bảng tổng sắp 446 huy chương với 205 huy chương vàng các bộ môn thể thao SEA Games ở thời điểm Quốc hội khai họp - các đội tuyển thể thao VN đã khẳng định vị thế quốc gia trên đấu trường khu vực.

Nhưng đó là thể thao!

Cảm hứng ấy trong ngày đầu tiên của kỳ họp Quốc hội cuối năm gợi ra không ít so sánh khi mà trong nhiều lĩnh vực, đất nước ta vẫn còn “thua bạn kém bè”.

Số liệu tháng 4 vừa qua cho thấy Thái Lan dù năm 2021 tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng quy mô nền kinh tế nước này vẫn lên mức 543,65 tỉ USD, cách khá xa VN ta, dù đã vươn lên vị trí thứ năm Đông Nam Á nhưng GDP mới ở mức 352 tỉ USD.

Còn nếu so sánh tổng thu nhập quốc dân chia dân số, tức hệ số GNI/người thì VN mới đạt 2.540 USD/năm, trong khi Thái Lan là 7.260 USD/năm. Một chuyên gia nhận xét: “Người Thái đang giàu hơn người Việt gấp ba lần và VN thuộc nhóm trung bình thấp, Thái Lan thuộc nhóm trung bình cao”.

Chúng ta còn quá nhiều vấn đề để giải quyết nếu muốn vượt người Thái, như trong bóng đá, trong thể thao, tại SEA Games 31 này. Những vấn đề ấy nằm ngay trong báo cáo kết quả công tác của Chính phủ và cả trong những “tồn tại”, “hạn chế”, cả những “rủi ro” được các cơ quan thẩm tra của Quốc hội thẳng thắn nêu ra.

Đại dịch COVID-19 lắng dịu và dần lùi xa đã phơi bày yếu kém trong nhiều lĩnh vực quản trị quốc gia, đặt ra nhiều thách thức khi hướng tới các chỉ tiêu tăng trưởng. Nhưng lúc này hãy nhớ tới những tấm huy chương vàng SEA Games đang làm nức lòng người dân đất Việt.

Hơn 10 năm trước, thắng Thái Lan là một câu chuyện hi hữu. Còn bây giờ, câu chuyện trái bóng tròn với hình ảnh đoàn kết, nắm tay siết chặt của các vị lãnh đạo chính là động lực, là hình mẫu để VN vươn lên trên đấu trường kinh tế khu vực.

Link nội dung: https://biztoday.vn/dai-dich-qua-no-luc-lo-tang-truong-kinh-te-312060.html