Bóng đèn Điện Quang rút kinh nghiệm vụ xả chất thải nguy hại: Khó chấp nhận!

Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (MCK: DQC) phải chịu trách nhiệm cả dân sự lẫn hình sự trong vụ Xí nghiệp Đèn ống xả chất thải nguy hại trái phép ra môi trường ở Đồng Nai chứ không chỉ rút kinh nghiệm sâu sắc.

"Rút kinh nghiệm" sau khi cơ quan Công an khởi tố vụ án!

Ngày 23/5/2022, lãnh đạo DQC có công bố thông tin liên quan việc cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai kiểm tra Xí nghiệp Đèn Ống Biên Hòa quản lý chất thải không đúng quy định. Theo đó, ông Trần Quốc Toản - Phó Tổng Giám đốc DQC tái khẳng định, công ty luôn nhất quán với chủ trương về an toàn môi trường và tuân thủ quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, xí nghiệp đèn ống trực thuộc công ty có xảy ra một số sai sót.

Thông tin của DQC liên quan đến môi trường và xử lý rác thải cho hay, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định một cách nghiêm ngặt. Qua đó, DQC rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc về việc phải chú trọng hơn nữa trong sản xuất và kinh doanh trên toàn bộ hệ thống.

"Chúng tôi đang rà soát lại toàn bộ quy trình trong hệ thống liên quan đến môi trường trong tất cả nhà máy, quán triệt hơn trong quy trình giám sát, thực thi trong công tác sản xuất và xử lý rác thải, với mục đích xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững", văn bản công bố thông tin của DQC viết.

Trước đó, ngày 20/5/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra về hành vi gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang ở KCN Biên Hòa 1, TP. Biên Hòa. Theo cơ quan Công an, trên cơ sở điều tra ban đầu, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được xác định hành vi quản lý chất thải nguy hại tại Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang là trái quy định của pháp luật.

Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang xả chất thải nguy hại ra môi trường trái phép tại KCN 1, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Vụ việc xảy ra vào ngày 20/4/2022, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 3 công nhân đang tiến hành tiêu hủy số lượng lớn các vỏ bóng đèn thải.

Làm việc với lực lượng chức năng, các công nhân khai nhận, sau khi nghiền số bóng đèn thải, đã dùng nước làm ước để tránh bụi bay ra (nghi là bột huỳnh quang trong các bóng đèn thải). Số nước thải này sau khi lắng xuống bể đã tạo thành những phần bột lắng và tiếp tục được công nhân thu gom lại, đổ xuống các bể chứa bên trong nhà kho, một số khác theo nước chảy tràn vào hệ thống thoát nước mưa.

Cơ quan điều tra cũng xác định, Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang không có hệ thống xử lý nước thải cục bộ, nước thải kèm bùn thải từ quy trình nghiền bóng đèn thải đều được xả vào hệ thống thoát nước mưa.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện thấy hơn 205.000 bóng đèn thải (trong lượng hơn 6,8 tấn), số lượng đã nghiền nhỏ trọng lượng khoảng 22 tấn. Toàn bộ số chất thải trên đều để ngoài trời, không được thu gom, lưu giữ theo quy định.

Tiến hành kiểm tra sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện 2 hầm bê tông được xây dựng âm dưới đất bên trong xí nghiệp có chứa chất thải công nghiệp. Qua nhiều ngày kiểm tra, các đơn vị chức năng đã thu gom được số chất thải nguy hại là hơn 8 tấn bóng đèn hư, hơn 81 tấn thủy tinh đã nghiền, 900kg thủy tinh lẫn bùn thải, hơn 32 tấn nước phát sinh từ hoạt động tiêu hủy.

"Doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm với môi trường, người dân"?

Trước thông tin rút kinh nghiệm sâu sắc sau sự việc mà lãnh đạo DQC đưa ra, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường bày tỏ quan điểm không đồng tình.

"Chỉ nói "rút kinh nghiệm sâu sắc" thôi thì chưa đủ. Điều này cho thấy doanh nghiệp chưa ý thức, thậm chí chối bỏ trách nhiệm với môi trường, sức khỏe của người dân sống trên địa bàn", TS. Nguyễn Thanh Hưng - chuyên gia môi trường bày tỏ trước bản công bố thông tin của DQC.

Hàng chục tấn chất thải nguy hại bị xả thải trái phép ra môi trường ở Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang nhưng lãnh đạo DQC "rút kinh nghiệm sâu sắc".

Theo vị chuyên gia này, trong bóng đèn có chứa nhiều loại độc tố nguy hại tới môi trường như thủy ngân, lưu huỳnh.... nếu không được xử lý triệt để thì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của con người. Trong khi đó, hành vi xả thải tại Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang được cơ quan chức năng nhận định ban đầu là trái phép, có đủ cơ sở để khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân liên quan.

"Điều đó cho thấy, sự việc này là hết sức nghiêm trọng. Doanh nghiệp không chỉ "xin lỗi" hay "rút kinh nghiệm" là xong mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, cả trách nhiệm dân sự lẫn hình sự chứ không thể chối bỏ. Bóng đèn Điện Quang luôn tự hào là sản phẩm chất lượng cao, thương hiệu Quốc gia nhưng điều đó có nghĩa lý gì nếu như làm ảnh hưởng xấu tới môi trường rồi chối bỏ trách nhiệm của mình?", TS. Nguyễn Thanh Hưng nêu quan điểm.

Liên quan đến vụ việc này, GS.TSKH Phạm Hoàng Hải - Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển Bền vững, bày tỏ sự bức xúc trước sự vô trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

"Vi phạm về môi trường rất nguy hiểm. Tại sao Xí nghiệp Đèn ống lại có hành vi như thế dù Bộ TN&MT, các chuyên gia và cơ quan chức năng từ cấp xã, phường, tỉnh cảnh báo nhiều lần rồi?", GS.TSKH Phạm Hoàng Hải hỏi thẳng.

GS.TSKH Phạm Hoàng Hải nêu quan điểm: "Cá nhân, đơn vị nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật là điều đương nhiên. Không có chuyện chôn lấp, xả thải chất thải nguy hại sau đó chối bỏ hoặc quanh co, đùn đẩy trách nhiệm. Nhưng bên cạnh đó cũng cần có phương án yêu cầu trách nhiệm của cá nhân, đơn vị sai phạm ứng phó, xử lý sự cố môi trường có thể xảy ra trong vụ việc này".

Ông Hải cho rằng, đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực môi trường của tỉnh Đồng Nai phải dự đoán được sự cố môi trường từ việc Xí nghiệp Đèn ống - Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang xả thải trái phép. Vấn đề ảnh hưởng môi trường trong sự việc này đương nhiên là có. Tuy nhiên, ảnh hưởng ở mức độ như thế nào, tác động tới sức khỏe người dân, đất, nước... ra sao thì cần phải có thêm đơn vị chuyên môn vào cuộc, lấy mẫu đưa đi kiểm tra để xác định cụ thể.

Việc kiểm tra, xác định mức độ ảnh hưởng môi trường từ Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang không quá khó khăn nhưng lại tốn kém về mặt kinh phí. Nhưng Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển Bền vững cho rằng, phía Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang nói riêng và Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang phải chịu trách nhiệm, chi trả toàn bộ chi phí cho công tác này. Đây cũng là điều đã được quy định rất rõ trong luật hiện hành.

Ngoài ra, kết quả thu thập được từ việc kiểm tra mẫu đất, nước, không khí xung quanh Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang cũng chính là một phần căn cứ để xác định mức độ vi phạm của cá nhân, đơn vị trong vụ việc. Từ đó có cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Cũng cần phải đặt ra câu hỏi, việc xả thải trái phép, vi phạm môi trường là của cá nhân, đơn vị Xí nghiệp Đèn ống Điện Quang hay là chủ trương, quy trình của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang?

Bóng đèn Điện Quang báo lãi ròng quý 1/2022 tăng 17%

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, DQC ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng đồng loạt tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần tăng 10% so với cùng kỳ, đạt hơn 208 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá vốn chỉ tăng nhẹ giúp cho biên lãi gộp cải thiện từ 29% lên 33%. Ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính giảm 49%, xuống còn 3 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí và thuế, DQC thu về gần 8,9 tỉ đồng lãi ròng, tăng 17% so với cùng kỳ.

Tại thời điểm 31/03/2021, tổng tài sản của DQC ghi nhận gần 1.426 tỉ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 7%, lên hơn 407 tỉ đồng. Giá trị hàng tồn kho tại thời điểm này gần như đi ngang, ghi nhận hơn 37 tỉ đồng, chủ yếu đến từ nguyên liệu vật liệu và hàng hóa.

Link nội dung: https://biztoday.vn/bong-den-dien-quang-rut-kinh-nghiem-vu-xa-chat-thai-nguy-hai-kho-chap-nhan-312141.html