Theo Bloomberg, suốt nhiều thập kỷ qua, với các hộ gia đình Trung Quốc, cách làm giàu và đảm bảo tài chính chắc chắn nhất là bỏ phần lớn tiền vào bất động sản, và phần còn lại dành cho chứng khoán.
Giờ đây, ngay cả những người dư dả tiền cũng chỉ giữ tiền mặt. Họ không dám tìm cơ hội tăng tài sản khi nền kinh tế bị tàn phá bởi Covid-19.
Giá nhà ở Trung Quốc đã lao dốc kể từ tháng 9 năm ngoái. Cổ phiếu và các quỹ tương hỗ giờ cũng không còn là lựa chọn hấp dẫn. Nhà đầu tư ít khả năng tiếp cận những thị trường quốc tế. Còn tiền mã hóa bị cấm ở Trung Quốc.
Ngày càng nhiều người Trung Quốc chuyển sang gửi tiết kiệm, ngay cả khi lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp kỷ lục.
Ngày càng nhiều người Trung Quốc bán chứng khoán và bất động sản để chuyển sang gửi tiết kiệm. Ảnh: Reuters.
Rút tiền khỏi chứng khoán, bất động sản
Ông Harry Kong - một lãnh đạo ngân hàng ở Thượng Hải - tiết lộ khoản lãi chứng khoán mà ông tích lũy cả năm ngoái giờ đã bốc hơi. Trong 20 năm tham gia thị trường, ông Kong thừa nhận đây là thời điểm tồi tệ nhất.
"Những gì tôi có thể làm trong năm nay là ngồi im và gửi tiền vào các ngân hàng lớn. Dù lãi suất huy động thấp tới đâu, ít nhất nó vẫn an toàn", ông chia sẻ.
Ông Kong không phải trường hợp duy nhất. Người Trung Quốc đang đối mặt với một tình cảnh bấp bênh. Họ không thể lên kế hoạch cho tương lai. Nước này đã áp dụng các biện pháp chống dịch gắt gao ở hầu hết thành phố lớn.
Đáng nói, chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) dường như vẫn chưa có điểm dừng.
Một số nhà phân tích dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 4% năm nay, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 5,5% của Bắc Kinh. Trong khi đó, các nhà kinh tế của Bloomberg tin rằng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 2%.
Cổ phiếu Trung Quốc hiện nằm trong vùng giá xuống. Chỉ số CSI 300 đã giảm 18% kể từ đầu năm đến nay do cách chống dịch gắt gao và chiến dịch chấn chỉnh các doanh nghiệp tư nhân. Điều này khiến niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm.
Anh Clawde Yin, một cư dân Thượng Hải, đổ tới 90% tiền tiết kiệm vào bất động sản. Ảnh: Bloomberg.
"Dù các vị giàu hay không, thời điểm vàng để đầu tư và kiếm thêm tiền đã qua rồi", nhà kinh tế học Wei He tại Gavekal Research Ltd. (có trụ sở ở Bắc Kinh) bình luận.
"Không còn lựa chọn đầu tư nào. Tôi chẳng thể làm gì ngoài chờ đợi và quan sát", anh Clawde Yin, một cư dân Thượng Hải, chia sẻ.
Gần 90% tiền tiết kiệm của anh Yin nằm trong bất động sản, phần còn lại là cổ phiếu. Bất chấp tình trạng bất ổn trên thị trường bất động sản, anh cho biết sẽ không đổ thêm tiền vào cổ phiếu.
Với anh, cả 2 lựa chọn đều dễ tổn thương trước những thay đổi chính sách của chính phủ.
Đó là tâm lý chung của nhiều người Trung Quốc vào thời điểm này. Vào cuối tháng 4, tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng Trung Quốc đã lên tới 109.200 tỷ NDT (tương đương 16.300 tỷ USD).
Con số này đã tăng 7% trong 4 tháng đầu năm, cao hơn mức 5,5% vào cùng kỳ năm ngoái.
Không còn lựa chọn
Trong những thập kỷ bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc, việc mua nhà và chờ giá tăng là cách đầu tư cho tương lai của hầu hết người Trung Quốc. Hơn 70% tài sản của người dân nước này nằm trong bất động sản.
Nhưng tình thế đã thay đổi khi chính quyền Trung Quốc tìm cách hạn chế tình trạng vay nợ và đầu cơ quá mức trong thị trường bất động sản.
Ngành công nghiệp địa ốc chao đảo bởi hàng loạt vụ vỡ nợ của các công ty bất động sản tên tuổi, bao gồm China Evergrande - tập đoàn địa ốc lớn thứ 2 Trung Quốc. Điều này làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng, khiến giá nhà lao dốc.
Tăng trưởng cho vay bất động sản cũng giảm tốc xuống mức thấp kỷ lục vào cuối tháng 3.
Không còn lựa chọn đầu tư nào. Tôi chẳng thể làm gì ngoài chờ đợi và quan sát
Anh Clawde Yin, một cư dân Thượng Hải
Trên thực tế, Trung Quốc đang tìm cách phát triển thị trường vốn. Việc siết chặt quản lý đối với thị trường bất động sản có thể khiến dòng tiền chảy sang cổ phiếu và những sản phẩm tài chính khác.
Nhưng theo nhà kinh tế học Wei He tại Gavekal Research Ltd., điều này sẽ không thể có tác dụng trong một sớm một chiều.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán của Trung Quốc cũng lao dốc bởi cuộc trấn áp đối với hàng loạt ngành, từ công nghệ đến giáo dục. Giới quan sát cho rằng việc siết chặt quy định nằm trong nỗ lực thúc đẩy "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm giải quyết tình trạng chênh lệch giàu nghèo.
Cuộc trấn áp khiến giá trị vốn hóa thị trường của các công ty công nghệ có lúc bay hơi 1.000 tỷ USD.
Ông Li Ming - chủ một xưởng giày ở Thái Châu - cho biết ngân hàng giờ là nơi an toàn nhất. Ông tính bán hết khoản đầu tư hiện tại để dồn tiền vào ngân hàng.
Còn cô Grace Liu, chuyên viên tại một công ty đầu tư ở Hồ Bắc, cũng chứng kiến tài sản quay đầu giảm mạnh trong những tháng qua.
Thị trường chứng khoán đỏ lửa khiến công ty của cô Liu gặp khó. Họ không thể trả lương cho nhân viên. Cô thậm chí phải rút tiền tiết kiệm để thanh toán khoản vay thế chấp, nuôi chồng và 2 con nhỏ.
Việc kinh doanh nhà hàng của chồng cô bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Cô Liu đang cân nhắc rút hết tiền ra khỏi chứng khoán vì thua lỗ. "Tôi đã đổ tiền vào cổ phiếu, giờ chẳng còn gì", cô Liu than thở.
Người Trung Quốc cũng khó chuyển tiền ra nước ngoài do nước này kiểm soát vốn chặt chẽ. Thêm vào đó, việc khan hiếm thông tin về những thị trường nước ngoài khiến nhà đầu tư không muốn liều lĩnh.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nguoi-trung-quoc-rut-tien-khoi-bat-dong-san-chung-khoan-vi-thua-lo-312334.html